Nhà giáo cần lan tỏa những sáng kiến đổi mới
Ngày 15/11 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2023; kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023). Chương trình được tổ chức tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô và kết nối trực tuyến tới các trường học, cơ sở giáo dục thông qua các nền tảng ứng dụng số và mạng xã hội…
Tại buổi lễ, 13 tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 8 tập thể được tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; 39 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 11 phòng giáo dục và đào tạo được tặng Cờ thi đua xuất sắc của UBND Thành phố; 41 cá nhân được tặng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng với đó là sự cảm ơn những đóng góp của đội ngũ nhà giáo và lãnh đạo thành phố Hà Nội cho sự phát triển của ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục Hà Nội có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức bởi quy mô giáo dục rất lớn, là nơi được kỳ vọng phải đạt chất lượng tốt nhất, mẫu mực nhất, là nơi mà phụ huynh có trình độ với đòi hỏi cao… Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, không ngừng vươn lên và đạt kết quả tốt.
Nhấn mạnh trách nhiệm của nhà giáo, nhất là những nhà giáo điển hình tiên tiến được tuyên dương tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, những người tiên tiến cần tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp, lan tỏa những sáng kiến mà mình đã đổi mới, lan tỏa những điều tốt đẹp để xã hội hiểu thêm về những việc mà ngành Giáo dục và Đào tạo đang làm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, nhà giáo Thủ đô không chỉ là những người chuẩn mực mà phải phấn đấu trở thành mẫu mực, là khuôn mẫu cho nhà giáo cả nước. Với trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang và sẽ không ngừng kiến nghị những chính sách để Đảng, Chính phủ thấu hiểu hơn về ngành, và trên thực tế cũng đang dần có những chính sách để cuộc sống của nhà giáo tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục, với mỗi trường học cần ba chữ "an": Học trò đến trường phải được an toàn, thầy, cô giáo làm việc phải được an lành, phụ huynh đưa con đến trường cần được an tâm, do đó, đối với sự nghiệp giáo dục, tự mỗi nhà giáo cần góp sức để những chữ “an” đó được lan tỏa.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược của thành phố.
Thời gian tới, đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế từ năm học trước, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, đồng thời, cần rà soát mạng lưới, khắc phục tình trạng thừa, thiếu trường, lớp cục bộ.
Nhân dịp này, đồng chí Vũ Thu Hà cũng đề nghị, các cấp, ngành, quận, huyện, thị xã cùng chung tay, góp sức với ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu Thành phố các cơ chế, chính sách thu hút nhân tài và nâng cao đời sống giáo viên.
Khánh An
TIN LIÊN QUAN
-
Luật Thủ đô (sửa đổi): Khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô
-
Phát động cuộc thi 'Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử' năm 2023
-
Cảnh giác với cuộc gọi mạo danh yêu cầu người dân thực hiện tích hợp sổ đỏ vào ứng dụng VNeID
-
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể