SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Nguy cơ đánh mất chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh vì đô thị hóa

16:35, 14/10/2022
Mặc dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, song trái với kỳ vọng sẽ phát triển mạnh, diện tích vườn chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) ngày càng thu hẹp do hệ quả của đô thị hóa và quá trình canh tác nhỏ lẻ, thiếu quản lý.

Được cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2016, chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng đang có. Một trong những nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến tầm nhìn mở rộng của loại trái cây đặc sản này là do tốc độ đô thị hóa tại địa phương.

Nút thắt khó gỡ

Chôm chôm Long Khánh là sản phẩm thứ hai (sau bưởi Tân Triều) của tỉnh Đồng Nai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là chôm chôm nhãn Long Khánh và chôm chôm tróc (Java) Long Khánh. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Screenshot 2022-10-09 160458

Chôm chôm nhãn Long Khánh - Chôm chôm tróc Long Khánh. Ảnh: Cục SHTT 

Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh được trồng ở các địa phương: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (TP Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, Long Khánh là đô thị có tốc độ phát triển nhanh chóng không chỉ của riêng tỉnh Đồng Nai mà còn cả khu vực phía Nam. Tuy nhiên, chính sự phát triển của công nghiệp và đô thị đã làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Từ đó hạn chế tiềm năng phát triển chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh.

Theo ông Lê Xuân Trường – Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai: “Nhìn chung, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hẹp diện tích trồng chôm chôm Long Khánh. Một là quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các khu vực dần chuyển đổi đô thị và sự mọc lên của khu công nghiệp. Thứ hai, việc người dân chuyển đổi trồng chôm chôm Thái thay vì hai giống chôm chôm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thứ ba, bản thân giống chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc vẫn còn hạn chế, dễ sâu bệnh”.

Những khó khăn trên khiến người dân không còn mặn mà với việc phát triển hai giống chôm chôm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề đang tồn tại, khi lao động nông nghiệp thiếu hụt, chi phí nhân công cao.

Tuy nhiên, vấn đề lớn của địa phương hiện nay là công tác quản lý. Năm 2017, Hội Chôm chôm chỉ dẫn địa lý Long Khánh được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Sau 5 năm, hoạt động của Hội vẫn dừng ở mức đang nỗ lực hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhằm có kế hoạch phát triển trong thời gian đến.

Những nỗ lực tháo gỡ

Hướng đi cho chôm chôm Long Khánh mặc dù còn nhiều khó khăn, song Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai cũng nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm giữ vững hai giống chôm chôm được cấp chỉ dẫn địa lý. Điển hình như việc nhân rộng mô hình sinh thái vườn và thay đổi cách bảo quản chôm chôm.

Mở rộng mô hình du lịch sinh thái vườn là một trong những cách làm góp phần giữ gìn thương hiệu chôm chôm Long Khánh. “Hiện nay, Hội chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình sinh thái vườn. Cụ thể, thành phố Long Khánh là địa phương đi đầu trong việc kết hợp trồng chôm chôm với việc phát triển du lịch – đây cũng là định hướng của tỉnh”, ông Lê Xuân Trường nhấn mạnh.

Để du lịch phát triển bền vững, các hộ dân trong vùng đã chủ động liên kết, không chỉ làm du lịch nhỏ lẻ với một mùa chôm chôm mà còn kết hợp các vườn cây ăn trái, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ du khách quanh năm.

Song song đó, để tìm đầu ra cho chôm chôm Long Khánh, việc quan trọng cần làm là cải tiến trong công tác bảo quản sau khi thu hoạch. Với cách làm truyền thống, quả chôm chôm khó đảm bảo được chất lượng trong thời gian dài, dễ xảy ra tình trạng úng, chua và không đảm bảo được màu sắc trong quá trình vận chuyển. Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Xuân Trường cũng cho biết Sở đã nghĩ đến một số hướng bảo quản như là sản xuất chôm chôm đóng hộp.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

 Võ Liên

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Bộ LĐ,TB&XH vừa qua đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Ba nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu khi cải cách tiền lương?
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt giữ 2 đối tượng Hoàng Trung Hiếu (tức “Hiếu Bao”), sinh năm 1986 ở thị trấn Thống Nhất và Nguyễn Công Hùng, sinh năm 1991 ở thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những phản hồi tới báo chí về thông tin hãng AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông kèm giảm tiểu cầu (TTS).
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.