SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Yến sào Cù Lao Chàm: Gắn phát triển thương hiệu với bảo tồn yến đảo

12:10, 15/09/2022
Yến sào Cù Lao Chàm mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho TP Hội An, nhưng bảo tồn và mở rộng đàn yến vẫn là bài toán khó cho việc phát triển thương hiệu này.

Các nhà khoa học chỉ ra từ hàng trăm năm trước yến sào Cù Lao Chàm đã được xem là “thần dược” bồi bổ sức khỏe và nhan sắc. Yến sào được xếp vị trí đầu tiên trong bát trân (8 thứ quý) trong thực đơn của vua, chúa.

>>> Yến sào Cù Lao Chàm: Những 'ông bố nuôi’ của vạn con chim yến

>>> Yến sào Cù Lao Chàm: Hơn 400 năm gây dựng thương hiệu 'vàng trắng đảo xanh'

>>> Yến sào Cù Lao Chàm: Chuyện 'người yến' treo hồn trên vách đá

Theo ông Võ Hồng Việt, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An: "Việc thu mua yến sào thuộc độc quyền của triều đình. Trong cuốn sách Đàng Trong năm 1621, Giáo sĩ Cristophoro Borri mô tả: “Yến sào là loại ngon chỉ có chúa Nguyễn độc quyền sử dụng, người ta dành tất cả cho Ngài”.

5596389ce68e22d07b9f

 "Vàng trắng đảo xanh".

Yến sào cũng là món quan trọng nhất trong yến tiệc, được triều đình sớm đặt ra nhiều quy định thể thức tổ chức định kỳ vào dịp lễ tiết và triều hội trong năm.

Qua nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết: "Dưới triều Nguyễn, yến tiệc gồm 2 hình thức dự lễ ăn yến và ban thưởng tặng vật. Người dự yến là hoàng thân quốc thích, quan lại phẩm hàm cao, người lập nhiều công trạng hay đỗ đạt trong khoa cử".

Sản phẩm khan hiếm nổi “bồng bềnh” trên mạng

Ngày nay yến sào Cù Lao Chàm được Nhà nước quản lý, và Ban Quản lý và khai thác (BQL&KT) là đơn vị duy nhất có quyền phân phối tại 2 địa chỉ: Số 53 đường Nguyễn Thái Học và số 2 đường Nguyễn Huệ (TP Hội An).

“Thực tế, đến nay sản phẩm của chúng tôi chưa phân phối cho cơ quan/doanh nghiệp tư nhân nào trong nước”, Tiến sĩ Võ Tấn Phong - BQL&KT yến sào Cù Lao Chàm khẳng định.

Ông Cao Văn Năm - Trưởng BQL&KT cho biết so với các loại yến sào khác, yến sào Cù Lao Chàm nằm trong nhóm đắt đỏ nhất cả nước. Những năm gần đây, số lượng yến sào khai thác được cũng giảm đi đáng kể vì các yếu tố khác nhau. Thế nhưng trên mạng xã hội, nhiều người vẫn rao bán yến Cù Lao Chàm rầm rộ, thậm chí là cả yến huyết nguyên tổ.

9fde70cda0df64813dce

“Yến đảo vị tanh nhẹ, sợi hơi đục, sau khi chưng không tan mà dai sật”, du khách Trần Việt Nga nói về đặc trưng khác biệt từ chén chè yến tại số 2 đường Nguyễn Huệ. 

"Hàng chục năm làm nghề, tôi chưa bao giờ nhìn thấy loại yến huyết đỏ thẫm như vậy. Yến huyết thật rất hiếm, nếu có cũng chỉ chấm một góc nhỏ màu đỏ tươi”, ông Năm nhấn mạnh.

Theo ông Năm, giai đoạn hậu Covid-19, nhiều người săn lùng yến sào tẩm bổ. Trên mạng, giá yến nuôi chỉ khoảng giá 3 - 5 triệu/lạng. Nhưng nếu "mạo danh" yến đảo, giá bán có thể lên tới 180 triệu đồng/lạng.

“Sản phẩm giả mạo khiến người tiêu dùng tổn thất kinh tế, còn chủ sở hữu ảnh hưởng uy tín lớn”, ông Năm cho hay.

Ông Năm cũng khẳng định không có chuyện tuồn bán yến trên đảo ra trôi nổi trên thị trường, vì quy trình xử lý tổ yến rất kỹ lưỡng, có sự tham gia của nhiều người phụ trách. Cụ thể, sau khi mang về đất liền, yến được bảo quản nghiêm ngặt bằng 3 chìa khóa, do thủ kho, thủ trưởng đơn vị và chủ tịch Hội đồng Quản lý và khai thác cất giữ. Mỗi khi mở kho lấy yến phải đầy đủ 3 thành phần trên.

Ông Lê Đông - phụ trách kinh tế BQL&KT yến sào Cù Lao Chàm là người từng xử lý nhiều vụ việc giả mạo thương hiệu. Gần đây nhất, ông xử lý tài khoản facebook kinh doanh mang tên "Yến Sào Cù Lao Chàm - Hội An" (đường link: https://www.facebook .com/yensaoculaocham.ha). 

7848b0f469e6adb8f4f7

Chủ tài khoản sử dụng thương hiệu trái phép, đăng tải nội dung quảng cáo không chính xác đổi tên facebook sau khi có văn bản của BQL & KT yến sào Cù Lao Chàm.

Không chỉ đặt tên trùng với sản phẩm "yến sào Cù Lao Chàm" đã được cơ quan Nhà nước cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho TP Hội An, chủ tài khoản facebook này còn rao bán yến sào như hàng chợ.

“Trong vai khách hàng mua yến, tôi hỏi hồ sơ chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và gọi điện đến người bán. Lập tức đối tượng này cúp máy không nghe, có khi tắt nguồn luôn”, ông Đông kể. 

Ngay sau khi nhận văn bản yêu cầu của Ban quản lý, chủ tài khoản facebook trên đã phản hồi, đổi tên trang thành "Yến sào Hội An", đồng thời xóa thông tin trùng để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi chủ sở hữu sản phẩm.

Hướng đi nào để nâng cao hiệu quả kinh tế?

“Nếu chưa được bảo hộ có bị mạo danh cũng chịu, nhưng giờ mình tự tin yêu cầu các cá nhân, đơn vị muốn sử dụng tên yến sào Cù Lao Chàm để kinh doanh phải được sự đồng ý của đơn vị sở hữu, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là UBND TP Hội An. Trường hợp nào đã nhắc nhở nhưng không sửa đổi sẽ có biện pháp”, ông Đông nhấn mạnh.

1c3393b342a186ffdfb0

Sản phẩm yến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý dựa vào màu sắc, độ nguyên vẹn và trọng lượng tổ phân loại 3 loại yến chính: yến Quang, yến Thiên và yến Bài.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay từ hàng trăm năm trước, yến sào Cù Lao Chàm chỉ cần buộc dây ngô đồng đã nhận ra. Hiện nay phần lớn sản phẩm chính được xuất khẩu. Trước đây bán yến qua hình thức đấu giá, với sự tham gia của một số đối tác ở TP.HCM và ở nước ngoài như Đài Loan, Hồng Kông. Giờ đây TP Hội An chỉ còn giữ vài mối quan hệ buôn bán lâu dài với doanh nghiệp ở Hồng Kông, vì giá cao hơn các đơn vị khác và tăng theo từng năm.

Về giá bán, UBND TP Hội An sẽ quyết định dựa trên chất lượng, nhu cầu thị trường mà Hội đồng bán yến phân tích và đề xuất giá.

Theo ông Đinh Hùng - Chủ tịch Hội đồng bán yến: "Khách hàng trong nước ít biết đến địa chỉ bán yến sào Cù Lao Chàm, còn khách nước ngoài chỉ có vài đối tác cố định. Chúng tôi có tham gia hội chợ thương mại xúc tiến tiêu thụ hàng hóa trong nước và ở Trung Quốc nhưng chưa hiệu quả”.

dsc09337-1210

 Tăng cường quảng bá bộ nhận diện chỉ dẫn địa lý yến sào Cù Lao Chàm, trang trí bảng hiệu theo bộ nhận diện được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp 

Dẫu biết xuất khẩu thô giá trị thấp, thế nhưng TP Hội An hiện không thể đầu tư làm nhà máy chế biến yến sào.

1c3393b342a186ffdfb0

1c3393b342a186ffdfb0

Sản phẩm chính yến sào Cù Lao Chàm – Hội An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2020 và công bố rộng rãi năm 2021. Danh tiếng yến sào Cù Lao Chàm có nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế, phát triển xã hội.

Nguyên nhân là do sản lượng tổ yến trên đảo Cù Lao Chàm quá ít, mỗi năm một sụt giảm, nếu đầu tư phải thu gom cả yến nuôi. Tuy nhiên, việc này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng chim yến đảo.

Ông Cao Văn Năm trăn trở: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lập hồ sơ đề nghị cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý yến sào Cù Lao Chàm cho các sản phẩm yến mảnh, yến bể, xơ mướp đen, xơ mướp trắng, yến địa, yến chân”. 

Sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý yến sào Cù Lao Chàm, vấn đề rốt ráo là mở rộng, phát triển thương hiệu xứng tầm. TP Hội An cần huy động nguồn lực làm tốt dự án phục hồi chim yến.

Hiện có gần 270 cơ sở nuôi yến trên địa bàn tỉnh, nhưng cùng với đó là tình trạng bẫy bắt ăn thịt yến đang diễn ra đáng báo động. Các nhà khoa học cần sớm nghiên cứu ảnh hưởng của chim yến nuôi, nạn săn bắt đối với yến đảo, biện pháp cân bằng sinh thái. Tập trung bảo tồn chim yến và môi trường sống, song song bảo vệ thương hiệu khỏi các gian thương.

“Đến khi không còn chim thì cũng không còn tổ”, Tiến sĩ Võ Tấn Phong nhắn nhủ.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 11 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 11 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.