SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Nghịch lý lấy tiền tỉnh nghèo cấp cho tỉnh giàu

08:39, 09/11/2013
Có thẻ BHYT được sử dụng 157 lần khám, chữa bệnh trong năm  

Hôm qua 8-11, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2012. Nhiều ĐBQH thống nhất chính sách BHYT Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Tuy nhiên, còn hàng loạt bất hợp lý trong thực hiện chính sách này…

Chỉ tự nguyện tham gia BHYT khi có bệnh

“Hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT đã đạt gần 70% dân số. Đa số các tỉnh đạt gần 100% dân số tham gia BHYT là do mở rộng số đối tượng được ngân sách cấp mua BHYT. Kết quả đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe và giúp cho nhiều người dân không bị rơi vào bẫy nghèo đói khi bị ốm đau, bệnh tật” - Báo cáo giám sát nhận xét. Tuy nhiên, đáng chú ý là nhóm tự nguyện tham gia BHYT không tăng nhiều, chỉ đạt 24%; tại một số tỉnh tỷ lệ này rất thấp, dưới 10%. 

Lý giải vì sao số đối tượng tham gia BHYT tự nguyện còn thấp, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, phần lớn người dân cảm thấy dù có BHYT nhưng chi phí gián tiếp cho chữa bệnh ngày càng tăng cao, như chi phí đi lại, phong bì... Nhiều danh mục chưa được BHYT thanh toán nên người bệnh vẫn phải chi trả nhiều. ”Quyền lợi khi tham gia BHYT của người dân chưa rõ ràng nên chưa hấp dẫn người dân tham gia. Họ chỉ tham gia khi có bệnh nặng. Trong khi đó, thái độ, y đức, chất lượng khám chữa bệnh theo diện BHYT chưa tốt nên người dân chưa mặn mà” - bà Thủy nói.

Hầu hết các ĐB đều cho rằng, BHYT toàn dân là mục tiêu phải hướng tới. Tuy nhiên, cần sửa đổi Luật BHYT theo hướng quy định hộ gia đình tham gia BHYT; quy định bắt buộc đối với các đối tượng tham gia BHYT. Cùng với đó là bảo đảm quyền lợi tương ứng cho người tham gia. Có cơ chế tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT được đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, kể cả bệnh viện tư nhân, quốc tế. Quan trọng nhất là phải bảo đảm cung ứng dịch vụ y tế chất lượng nhất cho người tham gia; tăng dần mức hỗ trợ tham gia BHYT cho các đối tượng mà Nhà nước hỗ trợ. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) và nhiều ĐB khác đều đề nghị nâng mức đóng BHYT để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh diện BHYT, tránh vỡ quỹ.

Đề nghị thanh tra các tỉnh bội chi BHYT

Báo cáo giám sát cho thấy, quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi đến năm 2009 là 3.083 tỷ đồng đã cân đối và có kết dư, lũy kế đến năm 2012 kết dư 12.892 tỷ đồng. Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên có số kết dư quỹ BHYT khá cao, có tỉnh kết dư hàng trăm tỷ đồng, đây là địa bàn đạt gần 100% dân số tham gia BHYT. Trong khi đó, bình quân trên cả nước, quỹ BHYT chi trả KCB nội trú tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh gần 2 triệu đồng/ca bệnh, song có tỉnh là 1 triệu đồng, cá biệt có tỉnh là 4 triệu đồng/ca bệnh. Tuy mức đóng BHYT như nhau song mức chi trả của quỹ BHYT lại khác nhau do giá dịch vụ y tế còn khác nhau giữa các địa phương. Đây là nguyên nhân dẫn đến quỹ BHYT kết dư lớn ở các tỉnh khó khăn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỉnh bội chi quỹ BHYT. Năm 2010 có 14 tỉnh, năm 2011 có 24 tỉnh và năm 2012 còn 10 tỉnh bội chi; có tỉnh bội chi liên tục quỹ BHYT từ khi thực hiện đến nay và thường xuyên nhận hỗ trợ từ quỹ dự phòng trung ương. 

Điều nghịch lý là, đối với phần kết dư quỹ BHYT, do chưa có quy định về thủ tục lập quỹ dự phòng hay chia số quỹ kết dư trước nên đến nay, số kết dư quỹ BHYT gần 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ cho các tỉnh có quỹ kết dư, gây thắc mắc với các địa phương có kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT. Đây cũng là điều được các ĐBQH tập trung mổ xẻ. Tại sao lại đem lợi ích nơi nghèo phân bổ cho nơi giàu? ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng, kết dư quỹ BHYT lại chủ yếu ở một số địa phương khó khăn - nơi người dân không có điều kiện được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng. Nhưng chưa có tỉnh nào được hưởng lợi từ kết dư, mà lại được chuyển ngược về TƯ để cấp cho các tỉnh bị thâm hụt quỹ, điều đó là không thỏa đáng. 

Đa phần các ĐB đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ để lại 60% phần kết dư tái đầu tư cho y tế các tỉnh để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bà con, tạo công bằng giữa các địa phương. ĐB Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) và một số ĐB khác đề nghị thanh tra các tỉnh bội chi quỹ BHYT để phát hiện các sai phạm, báo cáo Quốc hội.

Lãng phí gần 800.000 thẻ BHYT cấp trùng

Tình trạng trùng thẻ BHYT ở các đối tượng do ngân sách hỗ trợ xảy ra tại nhiều tỉnh (cá biệt có người nhận được 4 - 5 thẻ BHYT). Giai đoạn 2009-2012, qua rà soát tại 42 tỉnh, thành phố đã phát hiện gần 800.000 thẻ BHYT cấp trùng, với số tiền ngân sách phân bổ khoảng 342 tỷ đồng. Riêng năm 2013, kiểm toán BHYT cho người nghèo tại 8 tỉnh đã phát hiện trên 332.000 thẻ cấp trùng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 114 tỷ đồng. 

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, dịch vụ y tế tại các bệnh viện công cũng đã phát sinh những vấn đề cần phải quan tâm. Nhiều bệnh viện đã hình thành khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu, dành 5% - 10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao, kết quả là tại cùng một khoa hình thành 2 chế độ, bệnh nhân BHYT với 2 - 3 người/giường và bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu với 1 người/phòng có đầy đủ tiện nghi. Sự tương phản này cùng với yêu cầu về y đức chưa được cải thiện cũng góp phần làm cho BHYT gặp khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ.

Kết quả giám định BHYT cho thấy có tình trạng lạm dụng BHYT cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ BHYT. Những vi phạm phổ biến đó là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc, bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/giường bệnh, lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với quỹ BHYT. Có nơi, cán bộ y tế ở bệnh viện sử dụng thẻ BHYT của người thân để làm thủ tục lấy thuốc ở bệnh viện. Người có thẻ BHYT lạm dụng thông qua việc cho mượn thẻ, đi khám nhiều nơi trong ngày (nhất là các bệnh mạn tính), cho thuê thẻ BHYT và thuê người bị bệnh mãn tính đi KCB để lấy thuốc (theo kiểm tra của BHXH Việt Nam, có trường hợp thẻ BHYT ở tỉnh Đồng Nai được sử dụng 157 lần KCB trong năm). Việc không giới hạn số tiền quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân đã cho thấy sự bất hợp lý, một số bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng, hàng ngàn bệnh nhân được chi trả 500-700 triệu đồng/năm, nhiều trường hợp được chi trả mức 50-100 triệu đồng, so với mệnh giá thẻ BHYT thì mức hưởng như vậy đã làm giảm ý nghĩa của nguyên tắc đóng - hưởng trong BHYT.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, phát biểu: “Có nhiều sai phạm trong thực hiện. Tại sao thanh tra y tế không phát hiện mà phải đợi đến giám sát của Quốc hội mới phơi bày? Khi có vấn đề xảy ra về BHYT thì ai là người chịu trách nhiệm? Bộ Y tế quản lý Nhà nước nhưng không nắm được chi tiêu của quỹ, nhiều việc ngành y tế không nắm được mà BHXH có quyền lực rất lớn đối với BHYT. Phải chỉ rõ ra trách nhiệm về BHYT”.

Phát biểu của ĐB Pờ Hồng Vân (Lai Châu) - 1 bác sĩ trẻ công tác ở vùng cực Tây Bắc là ý kiến duy nhất được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (người điều hành phiên họp) bình luận và đánh giá là “rất xúc động”, đề nghị các cơ quan hữu quan lưu tâm. Theo ĐB Vân, thời gian gần đây dư luận nói nhiều đến y đức. Nhưng một trong nguyên nhân sâu xa dẫn đến điều đó là do chính sách đãi ngộ y bác sĩ chưa thỏa đáng. Để hành nghề y mất 6 năm đào tạo, nhưng bác sĩ mới ra trường được nhận mức lương 2.690.000 đồng/tháng, chỉ đủ trang trải thuê nhà, điện nước. Bác sĩ trực 24/24 giờ chỉ được 65.000 đồng/bệnh nhân, nếu có bệnh nhân cấp cứu thì bác sĩ làm bất kể ngày đêm, lễ, tết. Bác sĩ miền núi phải đi tuyên truyền phòng chống dịch dưới thôn bản chỉ hưởng 13.500 đồng/ngày.

Tin khác

Tin tức 7 phút trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 7 phút trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 3 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 21 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.