SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Kiên quyết khắc phục oan sai, lọt tội

08:06, 22/11/2013
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình là thành viên Chính phủ thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội trong phiên họp ngày 21-11. 

Ông Trương Hòa Bình tập trung làm rõ 2 nhóm vấn đề về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao trong hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử, giám đốc việc xét xử của tòa án các cấp; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Thứ hai là giải pháp để nâng cao chất lượng ngành tòa án; nâng cao chất lượng xét xử, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật. Làm sao tránh việc con thỏ bị coi là con gấu? 

Vụ án oan chấn động dư luận đối với ông Nguyễn Thanh Chấn được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra khi đề cập đến chất lượng xét xử. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chia sẻ với nỗi thống khổ “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” của công dân Nguyễn Thanh Chấn và đặt câu hỏi thẳng thắn: “Trách nhiệm của tòa án trong việc bồi thường cho ông Chấn như thế nào?”. Ông Thuyền hỏi về những giải pháp hạn chế án oan với ví von: “Làm sao để tránh việc những con thỏ bị tuyên là con gấu?”. ĐB Nguyễn Bá Thuyền một mặt ghi nhận những nỗ lực của ngành tòa án trong năm 2013 đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng theo Nghị quyết của 37 của Quốc hội, nhưng đặc biệt lưu ý thực tế là hàng năm vẫn có hàng ngàn đơn đề nghị xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo đại biểu, điều này chứng tỏ lòng tin của người dân vào công lý cò phần bị lung lay. “Chánh án dự định làm gì để lấy lại lòng tin này?”, ông Nguyễn Bá Thuyền chất vấn.

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không chỉ nêu câu hỏi cho vị Chánh án mà còn yêu cầu cả Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cùng trả lời về trường hợp oan khuất của ông Chấn. “Chúng tôi muốn biết, ở đây có hay không việc điều tra viên đã ép cung, bức cung đối với người bị tình nghi? Các cơ quan chức năng có giải pháp gì để ngăn chặn sự vi phạm pháp luật này?”, bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi và nêu kiến nghị áp dụng biện pháp lắp camera giám sát các cuộc hỏi cung. Một kiến nghị khác cũng từ nữ đại biểu này, là chuyển giao nhiệm vụ tạm giữ, tạm giam người tình nghi sang cơ quan khác, vì “khi cơ quan công an vừa thực hiện điều tra, vừa thực hiện tạm giam, tạm giữ thì rất có thể xảy ra tình trạng ép cung, bức cung”... 

Trả lời đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội, năm 2013, ngành Tòa án đã giải quyết được 63% số đơn giám đốc thẩm, tái thẩm – tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số đơn còn lại đều còn trong thời hạn xem xét giải quyết (3 năm, trường hợp đặc biệt là 5 năm - PV), chứ chưa phải là tồn đọng. Chất lượng giải quyết – theo người đứng đầu ngành tòa án - cũng đã được nâng cao. “Kết quả giải quyết đã kháng nghị hơn 700 vụ việc trong số gần 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Như thế không phải cao, dù cũng là có sai sót, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội và mong muốn của nhân dân”, ông Trương Hòa Bình nói. Vị Chánh án cũng giải trình thêm rằng, hệ thống tư pháp nước ta quy định đang xét xử 2 cấp, nhưng trên thực tế giám đốc thẩm “gần như trở thành cấp xét xử thứ ba", tức là phạm vi xem xét giám đốc thẩm quá rộng.

Theo ông Trương Hòa Bình, chỉ căn cứ vào số đơn để đánh giá niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp suy giảm là chưa thật sự chính xác. Dành nhiều thời gian nêu lại tiến trình xử lý vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho hay, hiện nay có dư luận cho rằng có việc ép cung, bức cung; nhưng thực tế ra sao phải chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm theo đúng trình tự pháp luật. 

Ông Trương Hòa Bình nói: “Ép cung, dùng nhục hình là việc không chấp nhận được, nhưng cần phải được chứng minh và phân tách rõ từng giai đoạn cụ thể. Tôi biết Bộ Công an và Viện Kiểm sát cũng đang cho kiểm điểm vụ việc. Về hội đồng xét xử không phát hiện ra những điểm bất bình thường trong hồ sơ xét xử, dẫn đến xử sai cũng có trách nhiệm”.  Tuy thế, ông Bình hơn một lần lưu ý, “kết luận việc này phải rất chặt chẽ, nếu không khéo sẽ làm nhụt ý chí, chùn bước những người đang làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật rất gian khổ, nguy hiểm”.

Tiếp tục phát biểu về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh 4 đề nghị quan trọng. Đó là đề nghị Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào cuộc trực tiếp điều tra, truy tố lại mà không giao cho Công an Bắc Giang; tách riêng vụ án Nguyễn Thanh Chấn với vụ án Lý Nguyễn Trung, đặc biệt là không áp dụng suy đoán có tội với ông Chấn (tức là nếu không chứng minh được Lý Nguyễn Trung phạm tội thì kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn có tội). Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra về tình trạng bức cung nhục hình nếu có; rà soát toàn bộ các vụ việc kêu oan, đặc biệt là với các bản án tử hình.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ tòa án Cũng liên quan đến tình trạng án oan, ĐB Dương Trung Quốc hỏi: "Nhiều năm nay có chủ trương bồi thường cho các vụ án oan, con số bồi thường tuy chưa đáp ứng được thiệt thòi của người bị oan nhưng cũng là số tiền không nhỏ. Cái sai của cơ quan xử án cuối cùng lại trở thành gánh nặng với ngân sách quốc gia. Chánh án có những giải pháp nào để giảm án oan và cũng là giảm chi phí không đáng có, lấy từ tiền thuế của nhân dân?".

Đồng tình với nhất trí ĐB về việc nếu để xảy ra oan sai thì phải bồi thường, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, vấn đề là phải có giải pháp để tránh xảy ra oan sai. Trong đó chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa để đảm bảo xử án thấu tình đạt lý; đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, tăng cường rà soát kiểm tra… 

“Gút” lại phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... trong những năm gần đây có chuyển biến tích cực, mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết. “Yêu cầu quan trọng nhất mà nhiều ĐB đã nêu, tôi cũng thấy như vậy, là phải xây dựng đội ngũ cán bộ của tòa án đủ về lượng, mạnh về chất. Hiện chất lượng cán bộ còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác đào tạo, đào tạo cán bộ cần phải được chỉ đạo quyết liệt song song với những giải pháp quản lý cán bộ ngành chặt chẽ”, Chủ tịch Quốc hội tổng kết. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở ngành tòa án cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình xét xử, nhằm nâng cao chất lượng xét xử; ngay lập tức và từng bước rà lại toàn bộ án đã xử xem có sai sót không; đảm bảo xét xử kịp thời; có lộ trình cụ thể tiến tới áp dụng mô hình tranh tụng ở mọi vụ án…   

Liên quan đến việc khắc phục tình trạng án oan, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề.  Về giải pháp triển khai lắp camera tại các phòng hỏi cung được ĐB Lê Thị Nga kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, ngành đã thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm, nhưng “phủ kín” được là do còn khó khăn về kinh phí. Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, cơ quan điều tra cũng không quản lý các nhà tạm giữ, trại tạm giam. Việc này được giao cho Tổng cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp.  “Quan điểm không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai được toàn ngành công an quán triệt thực hiện, tuy nhiên, cá biệt sai sót trong điều tra vẫn còn xảy ra. Và theo quy định của pháp luật trong trường hợp đó, cả thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp đều phải chịu trách nhiệm. Bộ Công an cũng có trách nhiệm với sai sót xảy ra trong ngành”, ông nói. Bộ trưởng cũng cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế oan sai, chú trọng thu thập chứng cứ gỡ tội bên cạnh chứng cớ phạm tội. Với nhiều giải pháp đang được thực hiện, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi xảy ra án oan sai, dù tỷ lệ không lớn. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng có trách nhiệm và đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Với một vụ án oan sai có 5 việc  cần làm: kịp thời minh oanh, phối hợp làm sáng tỏ thủ phạm gây án, triển khai bồi thường, xem xét trách nhiệm của cá nhân tập thể để xảy ra oan sai, tổ chức rút kinh nghiệm, sửa luật nếu cần. Vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn thì cũng không nằm ngoài quy trình này và đang được tiến hành tuần tự.

Tin khác

Tin tức 8 giờ trước
Trong những năm gần đây lượng khác du lịch đổ về Thanh Hóa rất lớn, riêng 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay Thanh Hóa đã đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hàng ngàn tỉ đồng.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Liên tục đưa ra thị trường các giải pháp chăm sóc da dựa trên khoa học và có nguồn gốc từ thiên nhiên, Kiehl's đã xây dựng danh tiếng cho mình như là nơi cung cấp mọi giải pháp đột phá trong chăm sóc da cho cả gia đình.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Làm việc xuyên đêm khiến nhiều sinh viên luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe sa sút,... Dẫu biết những hệ lụy nguy hiểm ẩn sau nguồn thu nhập của mình, nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận vì những lý do khác nhau.
Tin tức 2 ngày trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.