Khu Di sản Thành Nhà Hồ: Điểm đến lý tưởng, độc đáo bậc nhất xứ Thanh
Xã Vĩnh Long và xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc tự hào được Hồ Quý Ly chọn làm kinh đô khi di chuyển từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Tòa thành được xây dựng vào năm 1937. Đây được xem là một công trình kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam và thế giới, được đánh giá là công trình phòng thủ bậc nhất Đông Nam Á.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với nhiều biến cố lịch sử năm 2011 Ủy ban Di sản thế giới chính thức công nhận Thành Nhà Hồ huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Từ khi được UNESCO công nhận tòa thành đá ”độc nhất vô nhị” là di sản văn hóa thế giới, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước các bộ ngành, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa, Thành Nhà Hồ đã được bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và tìm thấy nhiều tư liệu quý, góp phần to lớn cho việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo tòa thành đá độc đáo này.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt kế hoạch quản lý Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2040. Mục tiêu kế hoạch nhằm bảo vệ, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu (OUV) của di sản. Từ đó địa phương đưa ra phương pháp tiếp cận bền vững cho việc quản lý khu di tích trong tương lai, nhằm đạt được sự cân bằng giữa bảo tồn và tôn tạo.
Bản thân khu di sản cùng với môi trường và cảnh quan xung quanh đặt nền móng cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh sẽ có những hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục của khu di sản cho nhân dân địa phương và khách thăm quan.
Tỉnh ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cam kết quản lý, nghiên cứu, bảo tồn với Trung tâm Di sản thế giới (WHC) về tiến độ đầu tư các dự án trong quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và các vùng phụ cận. Không chỉ có vậy, để quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản, Thanh Hóa phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện khung cơ chế và cập nhật các văn bản pháp luật mới trong kế hoạch quản lý giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, tỉnh đưa ra các mức độ bảo vệ, bảo tồn và phát huy khác nhau giữa các vùng, đẩy mạnh triển khai các nội dung cam kết, các quyết định dự kiến trong giai đoạn thực hiện.
Tỉnh sẽ mở rộng không gian du lịch với vùng đệm, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tham quan và du lịch đặc thù, hướng tới phân khúc thị trường khách theo các nhóm nhu cầu tìm hiểu về di sản. Đây là nhiệm vụ, là cơ hội lớn để Thành Nhà Hồ bảo tồn và phát huy, phát triển xứng tầm với giá trị, thu hút phát triển du lịch có hiệu quả về giá trị văn hóa, di sản và giá trị kinh tế…
Nét xưa tạo nên không gian mới trong khu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Để phát huy những tiềm năng vốn có, trong những năm gần đây, huyện Vĩnh Lộc và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã thực hiện khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn và đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch như kết nối khu Di tích Thành Nhà Hồ với các điểm du lịch nổi tiếng của huyện bằng xe điện, thành lập câu lạc bộ dân ca, xây dựng vùng quy hoạch trồng các sản phẩm đặc sản của địa phương như: Rau má, sâm báo, dưa… làm các món ăn truyền thống như bánh răng bừa, chè lam… những sản phẩm nối tiếng của xứ Thanh chào đón du khách.
Đặc biệt, với ý tưởng độc đáo, Ban giám đốc Khu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã tái hiện một không gian ”Bếp xưa”, “Tết xưa” của gia đình nông thôn Việt Nam với nhiều vật dụng thời bao cấp, để tái hiện một không gian, một giá trị văn hóa đời sống đã hiện hữu trong cuộc sống đời thường của người nông dân Việt Nam cách đây khoảng vài thập kỷ trước.
Tết này không phải đi đâu xa, về Thành Nhà Hồ, du khách được chiêm ngưỡng sự độc đáo của tòa thành, hòa mình vào lễ hội Xuân 2023 với không gian vừa lạ vừa quen, cảm giác xưa cũ với thế hệ trẻ nhưng lại vô cùng ý nghĩ với thế hệ 8x. Thế hệ ông bà, cha, chú như được trở về với hoài niệm, ký ức tuổi thơ cùng nhiều cung bậc cảm xúc vui, buồn của một thời đã qua.
“Bếp xưa” - Cả một không gian văn hóa, với bếp lửa rực đỏ hồng, với những vật dụng như cái nồi, niêu, xoong, chảo, bó củi, đống rơm, để nấu một bữa cơm với bát canh cua, bữa cá, bữa rau… bình dị nhưng thật ấm áp nghĩa tình. Tết đã về khi đến với không gian "Tết xưa” được tái hiện trong không gian di sản Thành Nhà Hồ, những hiện vật đặc trưng như mâm ngũ quả, hoa đào, cây quất, bánh chưng, bánh dầy, mứt tết… được bài trí, sắp xếp khéo léo tạo nên một không gian độc đáo hướng về cội nguồn.
Được biết, không gian độc đáo và đầy ý nghĩa này, được đưa vào phục vụ du khách bắt đầu từ ngày 29/12/2022 đến ngày 19/12/2023, đồng thời trung tâm sẽ miễn phí tham quan từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 1 tháng Giêng Qúy Mão 2023.
Về Thanh Hóa, để bùng nổ cùng Sầm Sơn, Hải Tiến, chiêm ngưỡng cái độc lạ của suối cá thần Cẩm Thủy, hòa mình với thiên nhiên cùng Thác Mây - Thạch Thành, Pù Luông - Bá Thước, sâu lắng với Thành Nhà Hồ - Vĩnh Lộc cùng không gian “ Bếp xưa”, “Tết xưa” trong dịp đón xuân Quý Mão 2003, du khách sẽ được trở về với hoài niệm, thế hệ trẻ trải nghiệm biết được cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng đầy tình người của một thời đã qua.
Nguyễn Khang