SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Hệ thống các trường THPT quốc tế tại TPHCM cần bộ tiêu chuẩn thống nhất

12:42, 28/10/2013
Hiện nay, toàn TPHCM có 50 trường quốc tế (gọi chung là trường có yếu tố nước ngoài). Tuy phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và đa dạng về chương trình đào tạo nhưng việc quản lý, đánh giá chất lượng giáo dục đối với các trường có yếu tố nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập, thiếu văn bản pháp quy và thiếu bộ quy chuẩn thống nhất.

Phát triển nhanh và đa dạng

Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân ở TPHCM có điều kiện kinh tế muốn con em họ được tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, thời gian qua nhiều trường có yếu tố nước ngoài đã ra đời và phát triển nhanh về số lượng, quy mô tiếp nhận học sinh Việt Nam. Ngoài các trường được thành lập theo công hàm ngoại giao, còn có trường quốc tế được đầu tư 100% vốn nước ngoài, do Bộ KH-ĐT cấp phép...

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong tổng số 50 trường có yếu tố nước ngoài ở TPHCM, có 35 trường dạy chương trình nước ngoài, còn lại dạy chương trình do Bộ GD-ĐT quy định, kết hợp dạy thêm một phần chương trình nước ngoài, các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh… Trong năm học 2012 - 2013, số học sinh theo học các trường quốc tế trên địa bàn TPHCM là gần 13.000 em, trong đó có 5.000 là học sinh Việt Nam (chiếm gần 40%).

Đánh giá về chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, các trường có yếu tố nước ngoài đã có nhiều đóng góp vào việc cung cấp chương trình giáo dục quốc tế cho con em người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các trường còn tạo cơ hội cho học sinh tại TPHCM được tiếp cận chuẩn giáo dục quốc tế, tạo sự đa dạng cho hoạt động giáo dục và quá trình hội nhập giáo dục quốc tế của TPHCM. Với sĩ số ít, áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, chú trọng phát triển năng lực cá nhân, sở trường, trang bị kỹ năng sống tốt, giúp học sinh năng động, sáng tạo… các trường quốc tế đã khẳng định sản phẩm giáo dục đạt chất lượng quốc tế.

Nhìn chung, những trường quốc tế dạy 100% chương trình nước ngoài đều có cơ sở vật chất tốt, điều kiện hoạt động giáo dục tốt, trang thiết bị hiện đại. Về học phí, thu theo mức thỏa thuận của hai bên nhà trường và phụ huynh, cụ thể là bậc mầm non: Trên 3.000 - 11.500 USD/năm; tiểu học 6.000 - 14.000 USD/năm; THPT từ 7.000 - 20.000 USD/năm.

“Bên cạnh những trường quốc tế hoạt động tốt, còn có một số trường chạy theo lợi nhuận, quảng cáo sai sự thật, nhất là những trường dạy chương trình Việt Nam nhưng khuếch đại thông tin - quảng cáo không đúng với nội dung cấp phép”, ông Nguyễn Hoài Chương nhận định như vậy. Những trường này chạy theo lợi nhuận, không chịu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, mặt bằng đi thuê mướn, giáo viên thiếu ổn định… nên chất lượng giáo dục không đảm bảo.

Một hạn chế khác là việc bắt buộc dạy 3 môn ngữ văn, lịch sử, địa lý bằng tiếng Việt đối với các trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài có tiếp nhận học sinh Việt Nam cũng chưa tuân thủ đầy đủ, thậm chí có trường chỉ đối phó, dạy cho có, không mang lại hiệu quả. Đây là vấn đề đáng quan tâm và theo cảnh báo của các chuyên gia giáo dục, học sinh Việt Nam không thể “mất gốc” khi đang học tại Việt Nam.

Thiếu hành lang pháp lý

Với sự hiện diện ngày càng nhiều của các trường có yếu tố nước ngoài, việc quản lý, kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện ra sao? Tuy nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quản lý trường có yếu tố nước ngoài nhưng nhìn lại hành lang pháp lý để quản lý, kiểm định chất lượng giáo dục ở khu vực này còn thiếu, nhiều quy định chưa hợp lý.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, trong khi nhà nước khuyến khích phát triển trường có yếu tố nước ngoài, dạy chương trình tiên tiến của nước ngoài và cả nước hiện có đến 100 trường quốc tế thì Luật Giáo dục chưa hề có quy định cho phép dạy chương trình nước ngoài (!?). Nhằm bổ sung các quy định về quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/CP/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, đến giờ này, việc triển khai nghị định vẫn dậm chân tại chỗ vì thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể. Đơn cử, nghị định này quy định các trường có yếu tố nước ngoài tự kiểm định, đăng ký chất lượng giáo dục theo chuẩn Việt Nam và nước ngoài. Vậy muốn thẩm định, đánh giá chất lượng giáo dục của các trường có yếu tố nước ngoài thì dựa trên bộ tiêu chuẩn nào của Việt Nam? 

Theo ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế công lập Việt Úc, trước mắt, ngành GD-ĐT phải phân định rõ từng nhóm trường quốc tế hoạt động theo yếu tố 100% nước ngoài hay một phần, dạy chương trình song ngữ… Hiện tại, các văn bản pháp quy chỉ dành cho trường 100% có yếu tố nước ngoài là chính. Vì thế, nếu lấy chuẩn đánh giá của Bộ GD-ĐT áp vào mô hình trường quốc tế công lập của Trường THPT Quốc tế công lập Việt Úc thì “lạc tông”, nếu không muốn nói là phủ nhận hoàn toàn kết quả giáo dục năng động, sáng tạo của nhà trường. Là trường công nhưng trường dạy chương trình, cấp bằng theo chuẩn của Úc.

Nhiều hiệu trưởng trường quốc tế khác cũng cho rằng chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Việt Nam sẽ “phá sản” đối với họ vì nhà trường dạy theo tiêu chí thực học, thực hành, năng động, sáng tạo, phát triển sở trường, năng lực cá nhân… chứ không phải điểm số. Trong khi đó, đánh giá chất lượng theo chuẩn quốc tế thì ngành chủ quản chưa có.

Tuy các trường có yếu tố nước ngoài tự đánh giá, tự kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chí, bộ chuẩn của hội đồng các trường quốc tế và mỗi quốc gia nhưng Việt Nam cũng cần có quy chuẩn riêng thống nhất để kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo. Có như thế mới đảm bảo tính minh bạch, giúp người học lựa chọn dịch vụ giáo dục tốt nhất, tiên tiến nhất.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, sở sẽ sớm xây dựng, trình Bộ GD-ĐT và áp dụng thí điểm bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường có yếu tố nước ngoài. Đây là việc cấp bách phải làm để quản lý và định hướng sự phát triển bền vững cho các trường quốc tế và công khai hoạt động này để xã hội và phụ huynh có sự lựa chọn đúng.

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 4 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 23 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.