Hậu quả đáng buồn khi 'loạn' thương hiệu Eakmat
Như Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã phản ánh, việc hàng loạt cơ sở dùng tên thương hiệu giống cây trồng Eakmat làm tên cơ sở kinh doanh khiến thị trường cây giống bát nháo, thật giả lẫn lộn. Từ đó kéo theo những hệ quả khó lường đối với bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.
>> Hàng loạt cơ sở cây giống gắn thương hiệu 'Eakmat' ở Đắk Lắk
Theo ghi nhận của PV, nhiều người dân Tây Nguyên tìm mua cây giống của Viện Eakmat, nhưng qua thời gian dài chăm sóc, tưới tiêu thì cây chết yểu hoặc không kết trái, trái không đạt yêu cầu, năng suất thấp.
Anh Y Thiu Ayun (xã Cuôr Đăng, Huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) chia sẻ: “Cách đây 3 năm, tôi lên Buôn Ma Thuột mua cây giống bơ Booth ở đường Nguyễn Lương Bằng, nghe cửa hàng quảng cáo giới thiệu là giống đặc biệt của Eakmat nên tôi mua về trồng. Mặc dù đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc rất kỹ, nhưng kết quả nhận lại là đến nay vườn bơ nhà tôi vẫn chậm phát triển, cây chưa cho trái".
Các cửa hàng tư nhân không chỉ gắn thương hiệu "Eakmat" làm bảng hiệu, mà những giống cây trồng được bán dù có nguồn gốc từ đâu, chất lượng hay không khi quy tụ về khu vực này cũng “khoác” lên mình chiếc áo mang tên "Viện Eakmat". Cộng thêm việc đánh vào tâm lý của người dân qua những lời quảng cáo ngon ngọt, đảm bảo chất lượng, thành quả hấp dẫn nên họ lấy được lòng tin của khách hàng, lừa bán được nhiều sản phẩm kém chất lượng.
Ông Huỳnh Văn Quang (xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) buồn rầu tâm sự: “Năm 2016, tôi có mua giống sầu riêng Ri 6 ở một cửa hàng có gắn hiệu Eakmat, nghe tư vấn giống cây khỏe, tốt, chất lượng với năng suất cao nên đã bỏ tiền mua 100 giống cây sầu riêng Ri 6 về trồng. Khi cây lớn, cho ra quả lứa đầu thì mới phát hiện ra, có nhánh thì ra quả Ri 6, nhánh còn lại cho ra sầu riêng hột, nhiều cây bị gãy đọt thì 100% là sầu riêng hột. Thế là phải chặt hết những cây sầu riêng hột để trồng lại lứa mới".
Theo thông tin PV có được, rất nhiều người dân mua giống ở các cửa hàng bên ngoài gắn thương hiệu "Eakmat" gặp trường hợp tương tự như trên.
“Khi mua giống, đại lý nào cũng đảm bảo là giống tốt, năng suất cao, chất lượng và mùi vị thơm ngon. Các đại lý còn hứa hẹn, đảm bảo nếu sau này không đúng sẽ bồi thường. Nhưng các giống cây dài ngày như sầu riêng, cà phê, điều… trồng 5 hoặc 6 năm có trái, lúc đó mới biết giống tốt hay giống giả. Lỡ có giả tìm đến đại lý bán giống nhiều khi không còn hoặc họ từ chối thẳng, lúc đó chỉ biết “than thân trách phận” chứ biết trách ai bây giờ", một người nông dân chia sẻ.
Hậu quả đáng buồn này đang là thực trạng chung thời gian qua của nhiều người dân.
Đáng lo ngại hơn, Đắk Lắk có cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu ra nhiều thị trường quốc tế. Trong khi đó nếu tình trạng giống cây trồng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột, từ đó gây ảnh hưởng đến thương hiệu và thị trường cà phê Việt Nam.
Đã đến lúc, cơ quan chức năng, các đơn vị có thẩm quyền cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, đưa ra những kế hoạch, biện pháp xử lý, kiểm tra nghiêm ngặt để chống giống cây giả, kém chất lượng, giúp bà con nông dân tránh được những trường hợp không may, an tâm lao động sản xuất.
Phúc Vinh – Văn Nhật