SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Hạnh phúc gia đình có cần đến trật tự, trên dưới?

08:01, 27/02/2019
Ngoài những câu nói về tiền, kinh doanh đã trở thành hot trend trên mạng xã hội của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa xử ly hôn thì có một câu nói khiến dư luận phải tranh cãi, đó là khi ông đề cập đến đạo lý, về tôn ti trật tự trên dưới trong gia đình.

Câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đang gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng. Ảnh: T.L 

Tiền bạc đâu có thiếu… mà hôn nhân vẫn bất hạnh

Trong phần đối chất ở tòa án vụ xử ly hôn ngày 22/2, ông chủ cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ nói: “Trong hơn 20 năm, Qua không hề đụng tới một cái gì hết, tài khoản, két sắt, tất cả mọi thứ. Tiền bạc đâu có thiếu, nhà này thiếu đạo lý, thiếu trật tự, thiếu sự trên dưới, thiếu tình người, bây giờ đẩy mọi việc lên để đưa cả gia đình ra đây, Qua đau lòng lắm!”. 

Đạo lý trong gia đình mà ông Vũ muốn nói ở đây có thể là đạo làm vợ. Trật tự và sự trên dưới mà ông Vũ muốn nói đến ở đây là vị trí, vai trò của người vợ trong gia đình. Cũng trong ngày hôm đó tại tòa, khi trả lời phỏng vấn ngoài lề buổi xét xử vụ ly hôn, ông Vũ có đề cập đến “trật tự trên dưới” mang tính bản năng như một thiên chức giữa người đàn ông và phụ nữ trong gia đình.

Khi ông nói “phụ nữ luôn nằm dưới” như tính thiên bẩm trời sinh đã khiến cho cộng động mạng, nhất là chị em nổi sóng phản ứng gay gắt, cho rằng ông Vũ có tư tưởng bất bình đẳng giới nặng nề. Nhiều phụ nữ cho rằng, cách nói của ông chủ cà phê Trung Nguyên là cách nói kiểu “chồng chúa, vợ tôi”. Vậy quan niệm vợ chồng có trên có dưới như thế nào, có ngược với mối quan hệ bình đẳng trong gia đình hiện nay hay không?

Có một thực tế trong đời sống là, những người phụ nữ khôn ngoan từ xưa đến nay vẫn ứng xử theo cách luôn xem chồng mình cao hơn mình một cái đầu. Vậy bình đẳng nên được hiểu như thế nào để hai cái tôi không xung đột nhau, dẫn đến mâu thuẫn và làm cho hôn nhân đổ vỡ?

Bình đẳng không phải là cào bằng

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, bình đẳng nam nữ nên được hiểu như sau:

Thứ nhất là, bình đẳng bị ràng buộc bởi rất nhiều mối quan hệ xã hội chứ không phải bình đẳng là ngang bằng tất cả. Ví dụ ở vị trí xã hội ấy, anh và tôi đều có quyền bình đẳng như nhau, tức là anh đi làm thì tôi cũng được quyền đi làm. Bình đẳng là ai cũng được đi làm nhưng mỗi người có vị trí công việc khác nhau. Còn nếu bây giờ bắt vợ ở nhà không được đi làm thì đó là không bình đẳng.

Thứ hai là, trong công việc gia đình thì có sự hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải là tôi làm cái này thì anh cũng làm như tôi kiểu như: Tôi giặt quần áo thì anh cũng phải giặt, tôi nấu ăn anh cũng phải nấu ăn… Hiểu bình đẳng như vậy là sai. Bình đẳng tức là hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng thấy việc cùng xắn tay vào làm chứ không phải để riêng cho một người làm.

Bởi mỗi người có một năng lực khác nhau, có sở thích riêng nên công việc nào phù hợp với năng lực, khả năng của họ thì họ sẽ làm. Bình đẳng là biết phân công công việc cho phù hợp trong gia đình tùy vào hoàn cảnh, tùy vào mối quan hệ, tùy vào vị trí công việc xã hội của mỗi người, tùy vào năng lực sở trường của cả hai.

Thứ ba là, trong gia đình, dù là ở phương Tây hay ở Việt Nam thì truyền thống vẫn ăn sâu vào gốc rễ tâm thức của mỗi người. Cho dù mình lớn lên trong môi trường này thì vẫn bị chi phối bởi những suy nghĩ và tư tưởng của cha ông. Trong văn hóa của người Á Đông, dù ở đâu thì người đàn ông vẫn là biểu tượng cho cái bờ vai để người phụ nữ nương tựa. Vì thế, người đàn ông trong gia đình luôn được xem là phải vững chắc. Thực tế thì trong gia đình phải biết nhường nhịn nhau, không cứ là đàn ông hay phụ nữ. 

Tuy nhiên trên thực tế suy nghĩ của đàn ông thoáng hơn, dài hơi hơn, mục tiêu cuộc đời của họ theo xu thế khoáng đạt hơn. Còn chức năng làm mẹ làm vợ của người phụ nữ trong gia đình là nuôi con nên hay chú ý đến cái nhỏ nhặt. Bởi nếu anh không chú ý đến cái nhỏ nhặt thì anh không nuôi được con. Từ việc con đau ốm sổ mũi nhức đầu, từ ăn uống vệ sinh... người phụ nữ cũng phải quan tâm.

Cho nên cái thiên chức của người phụ nữ là khiến cho họ để ý những cái rất nhỏ, dẫn đến công việc trong gia đình của chị em thường là cụ thể, chi tiết. Bình đẳng phải hiểu theo nghĩa như vậy, tức là tùy vào thiên hướng, tùy theo khả năng và vị trí của từng người trong xã hội mà phân chia công việc cho nó hài hòa, để cho tất cả mọi người đều cùng được hưởng lợi. Cứ nếu hiểu bình đẳng theo kiểu tôi làm thì anh cũng phải làm là hiểu bình đẳng một cách rất thô thiển, một phép tính cộng vô nghĩa.

Tâm lý đàn ông phương Đông vẫn xem mình là chủ gia đình

Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, tâm lý người đàn ông, nhất là đàn ông Phương Đông vẫn có điểm khác. Mặc dù bây giờ xã hội đã trở nên văn minh, đàn ông đã bắt đầu biết quan tâm đến gia đình hơn, họ đã biết hỗ trợ phụ nữ rất nhiều công việc gia đình… thế nhưng người đàn ông phương Đông vẫn có cái tâm lý họ là chủ gia đình. 

“Điều này cũng không có gì sai vì trong suy nghĩ của số đông dù là nam hay nữ thì người chồng vẫn phải là chỗ dựa tinh thần. Xét về mặt tâm lý giữa nữ và nam thì cũng dễ cắt nghĩa bởi giữa hai giới có sự khác nhau, một cái là nhỏ nhặt, một cái là khoáng đạt.

Rõ ràng vị trí của người đàn ông quan trọng ở chỗ dựa tinh thần. Thế nên ngày xưa các cụ ví người đàn ông giống như cái nóc nhà, tức là họ ở vị trí cao nhất để che chở cho các thành viên trong gia đình, là rường cột để duy trì cái mái ấm gia đình đó. Bình đẳng đến đâu đi nữa thì gia đình bao giờ vẫn phải có một vị thống soái như tổng thống của một đất nước.

Nếu bình đẳng theo kiểu, ông lãnh đạo, bà cũng là thống soái thì sẽ đi đến chỗ “ông nói gà, bà nói vịt”, lúc này hai cái tôi sẽ xung đột nhau và dẫn đến sự tan vỡ. Hạnh phúc gia đình không thể được tạo bởi phép cộng bình đẳng một cách sơ đẳng như những gì mà tôi đã nêu ở trên. Nếu hiểu bình đẳng theo nghĩa anh làm lãnh đạo được thì tôi cũng làm được, vợ làm lãnh đạo công ty xong rồi về lãnh đạo cả chồng thì hỏng, gia đình đó sao có thể hạnh phúc được”, TS Kim Quý nói.

Tin khác

Tin Tổng hợp 7 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.