SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 15/05/2024
  • Click để copy

Hăng say trên hành trình đưa sở hữu trí tuệ miền Trung – Tây Nguyên ‘vượt trũng’

18:19, 22/06/2023
Từ một kế toán, bà Nguyễn Thị Thúy bén duyên lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giờ đây đang là người phụ trách Văn phòng 3 Cục sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Cùng với các đồng nghiệp, bà vẫn đang hăng say trong hành trình đưa sở hữu trí tuệ miền Trung - Tây Nguyên “vượt trũng”.

Hầu như ngày nào, trong trụ sở văn phòng đại diện đặt tại TP Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Văn phòng 3 Cục Sở hữu trí tuệ cũng liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ phía doanh nghiệp, nhà khoa học từ sáng đến tối. Có cuộc gọi đến nhờ tư vấn, hỗ trợ, có những cuộc gọi thắc mắc và cả những lời cảm ơn.

Khối lượng công việc quá tải

Hoàng Thùy Linh (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) vừa kết thúc ba tháng thực tập tại Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng. Thời gian tuy ngắn nhưng đủ để cô sinh viên bắt đầu hoạch định kế hoạch cho tương lai sẽ theo đuổi công việc liên quan tới sở hữu trí tuệ.

Linh cho biết nguồn cảm hứng đối với lĩnh vực khô khan như sở hữu trí tuệ đến từ một buổi ngoại khóa môn Luật Sở hữu trí tuệ. “Hôm đó, em được gặp cô Thúy và lần đầu tiên nghe cô chia sẻ về những vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực này. Nó thu hút em vì những kiến thức này không hề có trong giáo trình”, Linh nói.

Chính vì không có trong sách vở nên ngay từ những buổi đầu thực tập, Linh bị “ngợp” trước khối lượng công việc của một chuyên viên sở hữu trí tuệ phải đảm nhận.

Những người đến đăng ký hầu như chưa chủ động tìm hiểu thông tin nên hồ sơ đều phải làm lại rất nhiều lần. Dù chỉ một lỗi sai rất nhỏ, nhân viên văn phòng cũng phải trả lại hồ sơ, hướng dẫn lại, từ đó làm mất nhiều thời gian của hai bên.

Anh 1

 Văn phòng 3 Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung thường tổ chức các buổi tập huấn để đào tạo, bồi dưỡng ra những nhà bảo vệ tài sản trí tuệ trong tương lai.

Có khó khăn, vấp váp, thậm chí đôi lúc sai sót nhưng điều khiến Linh cũng như các bạn sinh viên thực tập khác cảm thấy an lòng và may mắn đó là sự tận tụy đến từ những anh chị, cô chú trong Văn phòng.

“Nhiều lần tôi phải đối thoại với những khách hàng khó tính nặng lời về việc chậm trễ kết quả đơn, ngoài việc xin lỗi khách hàng phải nhẹ nhàng giải thích xoa dịu”, bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Văn phòng 3 Cục Sở hữu trí tuệ tâm tình.

Sau 2 năm đại dịch, số lượng đơn xin cấp văn bằng bảo hộ tồn đọng khá nhiều do hệ thống công nghệ thông tin của Cục còn hạn chế, lực lượng nhân sự lại mỏng… Điều này đã ít nhiều gây khó khăn cho nhiều chủ đơn trong việc phát triển sản phẩm, tài sản trí tuệ của mình.

Bà Thúy kể lại, nhiều lần và các cộng sự phải đối mặt với những câu nói phàn nàn, thậm chí có phần mỉa mai của khách hàng tại hội thảo, tập huấn hay có người tới tận văn phòng…

“Mỗi lần như thế, tôi và các anh chị em không biết nói gì hơn ngoài việc mong các chủ đơn thông cảm. Khách hàng muôn người muôn vẻ, ai cũng có những câu chuyện phức tạp liên quan tới sở hữu trí tuệ cần được giải quyết, từ những thương hiệu nổi tiếng lâu đời của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên hay một công ty đang “chập chững” bước đi khởi nghiệp cần được bảo vệ tài sản trí tuệ. Tôi luôn yêu cầu nhân viên chú trọng thái độ ứng xử hòa nhã, nhẹ nhàng giải đáp với khách hàng”, bà Thúy nói.

Thực tế, sở hữu trí tuệ không phải lĩnh vực “dễ ăn”. Không chỉ nắm chắc chuyên môn, tất cả các chuyên viên sở hữu trí tuệ còn phải không ngừng tìm tòi các kiến thức mới. Đặc biệt, họ phải luôn quan sát các bài học từ thực tiễn, từ đó đưa ra phân tích, chọn lọc để áp dụng vào công việc. Thế nên, để gắn bó với lĩnh vực này đòi hỏi những người dám lăn xả với nghề.

Nhận thấy yêu cầu khắt khe về nguồn nhân lực, bà Thúy luôn tìm cách đóng góp cho việc giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Một trong những sáng kiến của bà là ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng với các trường đại học; tổ chức cuộc thi, tuyên truyền, đào tạo về bảo vệ tài sản trí tuệ.

Tay ngang “bén duyên”với nghề bảo vệ tài sản trí tuệ

Không chỉ sinh viên Luật, các cơ quan quản lý Khoa học và Công nghệ của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cũng xem bà Thúy là “kênh” thông tin quan trọng để tham vấn ý kiến, phối hợp và hỗ trợ trong phát triển tài sản trí tuệ, phát triển nghề nghiệp tại địa phương. Thế nhưng ít ai biết, con đường đến với sở hữu trí tuệ của bà Thúy cũng lắm “khúc quanh”.

Nhớ về hơn 18 năm trước, khi Văn phòng đại diện chưa có cơ ngơi như hiện tại mà đặt ở căn nhà nhỏ được thuê lại. Bà Thúy là sinh viên Kinh tế ra trường được nhận vào làm kế toán cho Cục Sở hữu trí tuệ miền Trung – Tây Nguyên.

anh 2

 Bà Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ miền Trung - Tây Nguyên.

Không gian nhỏ tưởng như bất tiện thiếu riêng tư vì kế toán ngồi chung với chuyên viên lại trở thành môi trường thuận tiện bởi khi tính toán bà vẫn nghe được người khác làm việc, tiếp xúc khách hàng, làm việc chuyên môn ngay cả khi mọi người ra khỏi văn phòng.

“Từ đó, tôi biết sở hữu trí tuệ đã “nhập” vào mình”, bà Thúy nhớ lại.

Bà học được thêm nhiều kinh nghiệm qua những lần “nghe lỏm” như thế và khám phá ra đam mê thực sự của bản thân. Bà quyết tâm đăng ký đi học Luật rồi học lên thạc sĩ. Từ đó, cuộc đời bà như bước “sang trang mới”

Trau dồi học hỏi và thực nghiệp nghiêm túc trong chuyên môn để “chín muồi” nghiệp vụ, năm 2021, bà Nguyễn Thị Thúy được bổ nhiệm chức vụ Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên. “Vị trí nói lên con người rồi”, ông Nguyễn Minh Đức - chuyên viên của Văn phòng 3 Cục Sở hữu trí tuệ - nói về cảm nhận khi được làm việc cùng bà Thúy trong 18 năm công tác.

Khát vọng kéo miền Trung – Tây Nguyên “vượt trũng”

Thực tế, miền Trung – Tây Nguyên vốn là “vùng trũng” của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chỉ có khoảng 1% người dân khi được hỏi về sở hữu trí tuệ có hiểu biết còn lại rất nhiều người cảm thấy đây là lĩnh vực mới mẻ. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết nhất của bà Thúy cũng như đội ngũ cộng sự chính là kéo miền Trung “vượt trũng”.

Theo thống kê, năm 2022, với sự quản lý của bà Nguyễn Thị Thúy, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ miền Trung – Tây Nguyên tiếp nhận 1745 đơn sở hữu công nghiệp (870 đơn đăng ký xác lập quyền, 195 đơn khác và hơn 680 công văn, thủ tục khác); tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho gần 3000 lượt người qua hình thức trực tiếp, email, điện thoại. Số lượng này cao hơn năm 2021 là 37%.

189c44dc8d5e5c00054f

 Bà Nguyễn Thị Thúy - phụ trách Văn phòng 3 Cục Sở hữu trí tuệ hăng say tập huấn phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ tại miền Trung. 

Để có được những thành tích khả quan như vậy, bất cứ thời gian, bằng hình thức nào, bà Thúy vẫn sẵn lòng trợ giúp và hướng dẫn mọi người khi có nhu cầu.

“Bà Thúy luôn chủ động trong gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trẻ. Doanh nghiệp được tư vấn kịp thời đã đăng ký được bản quyền, nhãn hiệu đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Mai Minh Vương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng - cảm kích trước sự tận tụy của bà Thúy.

“Văn phòng hoạt động trên 14 tỉnh, thành phố có địa hình phức tạp. Nhiều lúc đi tập huấn, hội thảo qua đèo trắc trở, đường xa, vừa bước xuống xe còn lâng lâng tôi đã lên thuyết trình, chưa hồi sức lại trở về để tiếp tục công việc khác”, bà Thúy kể.

Tần suất công tác của bà Thúy khoảng 30 lần/năm, 2 - 3 lần/tháng. Dù “trăm việc đổ đầu tằm”, bà Thúy lại cảm nhận được hạnh phúc khi làm việc mình thích, luôn khuyến khích nhân viên không kén chọn công việc và không phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ, đáp ứng nhu cầu từ dễ đến khó của khách hàng.

Bà Trần Thị Ngọc Tuyên - chuyên viên Văn phòng bày tỏ sự tôn trọng đối với bà Thúy, một lãnh đạo nữ luôn nhiệt huyết và mang lại nhiều ý tưởng mới trong công việc. Theo bà Tuyên, những sáng kiến của bà Thúy được thể hiện khi làm việc nhóm, mọi người có thể cùng nhau làm việc, hỗ trợ cho nhau, tạo điều kiện thể trau dồi, phát triển nghiệp vụ. “Đối với tôi, chị Thúy vừa là quản lý, vừa là người chị sâu sắc, tình cảm và luôn tận tâm với đồng nghiệp”, bà Tuyên chia sẻ.

“Tôi chưa hoàn hảo nhưng tôi có những đồng đội xuất sắc bên cạnh. Những mảnh ghép tạo nên một Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ miền Trung - Tây Nguyên đoàn kết và tràn đầy năng lượng. Chúng tôi luôn đồng lòng cùng nhau đưa sở hữu trí tuệ khu vực dần “vượt trũng”, bà Thúy khiêm nhường nói về tương lai.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hà Nội cho rằng, Thành phố nên có những quy định cụ thể hơn để có những cơ chế riêng phù hợp với việc tổ chức, khai thác, tận dụng lực lượng cán bộ khoa học, trí thức đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Ngày 14/5, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ- Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh". Sự kiện do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Sáng 14/5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức gặp mặt tri ân, tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5).
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện chất lượng giáo dục. Ngày 13/5, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị giao ban, nghe và cho ý kiến về công tác tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.
Tin tức 16 giờ trước
Ban tổ chức cuộc thi Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ lần IV năm 2024 cho biết cuộc thi sẽ có 8 đội tranh tài, năm nay không chỉ có các đội khu vực miền Trung – Tây Nguyên mà có thêm sinh viên các trường miền Bắc và miền Nam lần đầu đăng ký tham dự.