SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Hàng loạt sai phạm tại Cảng Hàng không Việt Nam ACV

11:01, 05/04/2019
Được giao quản lý, sử dụng khối tài sản rất lớn của Nhà nước và đã thực hiện phân loại, theo dõi tài sản thuộc sở hữu của Tổng công ty (TCT) Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), tuy nhiên, đơn vị này đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước (NSNN).

Thua lỗ trong đầu tư tài chính

Dự án (DA) xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài do ACV thực hiện đầu tư theo Quyết định số 2499/QĐ-BGTVT và Quyết định số 2863/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), bao gồm các nguồn vốn: vốn NSNN để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB); vốn ACV; vốn vay ODA để đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2.

DA đã được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2014, nhưng đến thời điểm thanh tra, ACV chưa nộp vào NSNN chi phí đền bù GPMB số tiền hơn 291,7 tỷ đồng, tương ứng diện tích 419.702,10 m² đất giao không thu tiền sử dụng đất. Thực tế, công tác đền bù, GPMB do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư từ năm 2008 và đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết toán kinh phí đền bù, GPMB tại Quyết định số 9200/QĐ-UBND ngày 14-11-2017 với tổng số tiền hơn 627,2 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn NSNN, trong đó: Phần diện tích Nhà ga hành khách quốc tế T2 là 527,1 tỷ đồng; diện tích khu xăng dầu và trạm xử lý nước thải là hơn 89,8 tỷ đồng và diện tích đất 1,5 ha là 10,3 tỷ đồng.

acv

 Sảnh làm thủ tục Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Ảnh: ANH QUÂN

Quá trình thanh tra đã phát hiện hai trong số năm doanh nghiệp (DN) nhà nước được thanh tra hạch toán chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng ACV chiếm hơn 5,5 tỷ đồng của 20 tài sản cố định hữu hình. Nguyên nhân là do ACV xác định thời gian khấu hao tài sản cố định của nhà ga VIP, máy móc thiết bị… không nằm trong khung khấu hao theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tại Công ty CP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) là số tiền hơn 574,5 triệu đồng, được xác định do Công ty áp dụng khung khấu hao chưa đúng quy định đối với tài sản “Mái hiên mở rộng nhà ga hàng hóa” dẫn đến việc hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 số tiền hơn 178 triệu đồng và chi phí đầu tư, nâng cấp sửa chữa tài sản lớn cố định đủ điều kiện ghi tăng nguyên giá nhưng công ty lại hạch toán tăng chi phí số tiền hơn 445,7 triệu đồng, dẫn đến tăng không đúng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh số tiền hơn 396,4 triệu đồng.

Đặc biệt, trong hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của ACV và công ty con, cơ quan thanh tra phát hiện được nhiều khoản thua lỗ. Theo báo cáo của năm DN được thanh tra, có hai DN đầu tư tài chính dài hạn, giá trị đầu tư tại thời điểm 31-12-2017 là hơn 2.722,8 tỷ đồng. Tại Công ty mẹ - TCT đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm ngày 31-12-2017 là hơn 2.434,5 tỷ đồng (chiếm 11,18% vốn điều lệ) vào một số công ty con; bảy công ty liên kết; bốn danh mục đầu tư khác. Tuy nhiên, theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, có hai công ty hoạt động chưa hiệu quả, đến thời điểm ngày 31-12-2017 lỗ lũy kế là hơn 21,6 tỷ đồng. Trong đó, ở Công ty CP Đầu tư TCP, giá trị đầu tư của Công ty mẹ - TCT là 19,8 tỷ đồng, chiếm 18% vốn điều lệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017 lỗ gần 17,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 20,6 tỷ đồng. TCT đã trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính tại thời điểm 31-12-2017 là 1,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ đầu tư vốn của ACV. Nguyên nhân, được cho là do công ty mới đi vào hoạt động cuối năm 2016, chậm so kế hoạch của các nhà đầu tư nên chưa có hiệu quả và đang bị lỗ. Ở Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT), giá trị đầu tư của ACV là 30 tỷ đồng, chiếm 10% vốn điều lệ, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 lãi hơn 10,7 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế hơn một tỷ đồng.

Một DN thuộc ACV hoạt động đầu tư tài chính khá mạnh là Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Đến thời điểm ngày 31-12-2017 đã đầu tư dài hạn hơn 288,3 tỷ đồng vào 13 công ty, gồm: năm công ty liên kết và tám danh mục đầu tư khác. Năm 2017 có ba công ty hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, gồm: Công ty CP Đầu tư - Thương mại Bầu Trời Xanh, giá trị góp vốn của SASCO là hai tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ), lỗ lũy kế gần 262 triệu đồng; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc, giá trị vốn góp của SASCO là 2,8 tỷ đồng (chiếm 13,31% vốn điều lệ), lỗ lũy kế hơn 4,5 tỷ đồng; Công ty Liên doanh CP Nhà Việt (Viethaus), giá trị góp vốn của SASCO là hơn 14,9 tỷ đồng, tương đương 763.285 EUR (chiếm 29% vốn đầu tư 2.632.017,24 EUR), kết quả kinh doanh lỗ lũy kế đến ngày 31-12-2015 là hơn 13,4 triệu EUR.

Nhiều công trình xây dựng dở dang

Việc đầu tư năm DA, gồm: DA đầu tư xây dựng Hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay - CHKQT Phú Quốc; DA Mở rộng sân đỗ máy bay khu 21 ha đất quân sự bàn giao tại CHKQT Tân Sơn Nhất; DA Cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay trước Nhà ga Quốc tế - CHKQT Đà Nẵng; DA xây dựng công trình Mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc và xây dựng mới đường lăn E7 - CHKQT Đà Nẵng; DA xây dựng Nhà ga hành khách - CHK Phù Cát) thì công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán đã vận dụng định mức với một số hạng mục công việc bảo dưỡng bê-tông xi-măng chưa phù hợp, dẫn đến việc thanh quyết toán bị dở dang.

Cụ thể, khi lập, thẩm định DA đầu tư, Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC lập và đã được ACV phê duyệt, căn cứ vào định mức tại Quyết định số 162/QĐ-CHK-XD ngày 29-3-2002 của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) đã không đúng theo quy định. Tại Điều I của Quyết định này quy định: “Các định mức và các đơn giá được lập theo điều kiện thực tế tại công trình (cải tạo nâng cấp hệ thống đường lăn) - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, nên không áp dụng cho các công trình khác”.

Công văn số 328/BXD-VKT ngày 12-3-2002 của Bộ Xây dựng gửi Cục HKDDVN đã đề nghị, Cục HKDDVN chỉ đạo và triển khai xây dựng định mức chuyên ngành cho những công tác chưa có trong hệ thống định mức của Nhà nước để đưa vào áp dụng từ năm 2001 cho các DA xây dựng sân bay của ngành hàng không, không thỏa thuận riêng cho từng công trình ngành hàng không như hiện nay”.

Nhưng thực tế, Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC lập dự toán và ACV phê duyệt, lại căn cứ vào một số định mức quy định tại Quyết định số 162/QĐ-CHK-XD như đã nêu trên.

Đối với hạng mục công tác “thi công bảo dưỡng BTXM M150/40 và M350/45 bằng chất tạo màng và bao tải”, cơ quan thanh tra phát hiện có những bất hợp lý làm chi phí DA tăng như: Mã mục định mức TSN17 thì chi phí nhân công tính 3,5 công/m² cho công việc trải bao tải, như vậy định mức chi phí nhân công cho công tác bảo dưỡng BTXM bằng chất tạo màng và bao tải là cao, phải sử dụng tới 3,5 công chỉ để trải 10 m2 bao tải, từ đó dẫn đến chi phí nhân công cho công tác này chiếm tỷ trọng trong tổng chi phí của DA. Tại DA đầu tư xây dựng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự bàn giao tại CHKQT Tân Sơn Nhất, chi phí nhân công của công việc Bảo dưỡng BTXM M150/40 và M350/45 bằng chất tạo màng và bao tải chiếm 23,21% trong tổng số chi phí nhân công của hạng mục thi công sân đỗ máy bay (hơn 41,5 tỷ đồng/gần 179 tỷ đồng). DA mở rộng sân đỗ về phía bắc và xây dựng mới đường lăn E7 và DA cải tạo nâng cấp sân đỗ máy bay trước Nhà ga Quốc tế - Cảng HKQT Đà Nẵng, chi phí nhân công của công việc Bảo dưỡng BTXM M150/40 và M350/45 bằng chất tạo màng và bao tải chiếm 22,97% trong tổng số chi phí nhân công của hạng mục mở rộng sân đỗ và xây dựng mới đường lăn (hơn 8,7 tỷ đồng/37,8 tỷ đồng).

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán giá một số loại vật liệu và chi phí nhân công, các DA nêu trên thực hiện chưa đúng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Cụ thể, DA “Mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự bàn giao tại CHKQT Tân Sơn Nhất”, dự toán tính tăng không đúng số tiền là 4,9 tỷ đồng; DA nâng cấp sân bay đỗ máy bay trước Nhà ga Quốc tế - Cảng HKQT Đà Nẵng dự toán tăng chưa đúng số tiền hơn 345,8 triệu đồng; DA đầu tư xây dựng Hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng HKQT Phú Quốc dự toán tính tăng chưa đúng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.

(Còn nữa)

Theo Nhân Dân

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
Nhờ tiếp tục bàn giao các sản phẩm tại dự án Westgate (Bình Chánh, TP.HCM) và The Standard (Bình Dương), An Gia đạt lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 200 tỷ đồng trong quý I/2024. Công ty duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, nợ vay thấp và tiến đến hết nợ trái phiếu trong quý II/2024.
Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Tại buổi họp báo thông tin về hoạt động quý II/2024 của ngành công thương TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T: thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho giá trái cây tươi trong nước bất ngờ tăng vọt.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý II dự báo có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trước những tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp của tỉnh cần thay đổi nhanh chóng để hoạt động xuất khẩu nông sản thực sự bền vững.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh một số ngân hàng thương mại chủ động điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, thị trường bất động sản được kỳ vọng có khả năng sẽ phục hồi mạnh. Đây là yếu tố thuận lợi vừa giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, vừa kích cầu trở lại đối với phân khúc nhà ở/căn hộ chung cư.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái.