Hàng giả, hàng nhái 'lộng hành' dịp giáp Tết
Nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đang trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng.
Mặc dù lực lượng chức năng tích cực ngăn chặn nhưng hiện nay, bán hàng giả, hàng nhái có mặt ở hầu hết các phân khúc của thị trường, từ quầy hàng tạp hóa, các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến cả hệ thống siêu thị hiện đại,…
Đáng chú ý, lợi dụng hiệu ứng lan tỏa của Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài, gắn mác hàng các thương hiệu trong nước để đánh lừa người tiêu dùng.
Nguy hiểm hơn, xuất hiện tình trạng người nước ngoài trực tiếp làm giả hàng Việt Nam hoặc núp bóng xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng đánh giá, càng về cuối năm tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Sáng 01/12/2019 vừa qua, Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) Cục QLTT Phú Yên phối hợp với lực lượng CSKT và CSGT Công an tỉnh Phú Yên tổ chức dừng, kiểm tra xe ô tô khách mang biển kiểm soát 74B-000.83 do tài xế Lê Hữu Phước, sinh năm 1970, trú tại Phường 1, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị trực tiếp điều khiển.
Kết quả khám tại hiện trường, Đoàn kiểm tra phát hiện tài xế Lê Hữu Phước đang vận chuyển 4.320 chai bia các loại mang các nhãn hiệu Heineken, Corona, Budueiser do nước ngoài sản xuất và một số hàng hóa khác như quần, áo, nó, dép các loại.
Đoàn kiểm tra, tiến hành tạm giữ một số toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại ga Giáp Bát (Hà Nội), ngày 27/11, lực lượng Đội kiểm tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường sắt số 1 thuộc Phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông (Đội 1) đã bắt giữ 37 thùng carton chứa mỹ phẩm nhãn mác Hàn Quốc nhưng không có hóa đơn chứng từ ước tính giá trị gần 1 tỷ đồng.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở,...Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì việc phát hiện, xử lý càng khó khăn hơn (chẳng hạn như: hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật,…).
Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định được vi phạm. Chẳng hạn như việc phân biệt, xác định được sự khác biệt giữa nông sản nhập khẩu và nông sản trong nước gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến việc mua bán nông sản, đặc biệt là các loại quả không chỉ được thực hiện tại các chợ, các siêu thị, cửa hàng mà theo thói quen tiêu dùng còn được thực hiện chủ yếu ngay tại các sạp nhỏ lẻ ở các chợ cóc, các gánh hàng rong, xe ô tô dừng đỗ dọc đường hoặc xe thồ di chuyển trên đường gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Vân Anh