SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE: Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư

11:41, 16/10/2019
(SHTT) - Theo GS. Nguyễn Mại, LĐT sửa đổi cần có một chương “Bảo đảm đầu tư” để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi của NĐT.

 Tại hội thảo góp ý cho Dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, các biện pháp bảo vệ quyền lợi NĐT đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, được các NĐT nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào nước ta.

oo

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài.  

Cũng theo ông Mại, điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư, trong khi NĐT đòi hỏi nhiều hơn thế. Chẳng hạn như NĐT cần được bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của họ ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm quyền lợi của NĐT trong hoạt động đầu tư kinh doanh....

Do đó, theo GS. Nguyễn Mại, LĐT sửa đổi cần có một chương “Bảo đảm đầu tư” để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi của NĐT.

Cũng về nội dung này, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, trong dự thảo Luật sửa đổi một số điều của LĐT, không có nội dung bổ sung và sửa đổi Điều 13 Luật Đầu tư 2014 quy định về bảo đảm đầu tư trong trường hợp pháp luật thay đổi.

“Theo Điều 13 Luật đầu tư 2014 thì các dự án đầu tư chỉ được đảm bảo về ưu đãi đầu tư, còn các điều kiện đầu tư khác dù đã được quy định trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được bảo đảm. Bởi vậy, đề xuất cần bổ sung vào Điều 13 Luật Đầu tư 2014 những quy định cụ thể, toàn diện về bảo đảm đầu tư cho NĐT được quy định trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp cho NĐT một cách hợp pháp” – ông Toàn nói.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu chia sẻ: “Quá trình thực hiện Luật Đầu tư và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua cho thấy còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường.... Sự trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về vấn đề này giữa các Luật đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận. 

Ngoài ra, ông Quách Ngọc Tuấn chỉ ra những bất cập khác của Luật Đầu tư hiện hành, bao gồm: “Một số nội dung của Luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm thực thi nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”. 

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, các hình thức đầu tư chậm được đổi mới, cập nhật trong luật, chưa thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới trong bối cảnh Cánh mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Về các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn cho rằng các quy định hiện nay còn dàn trải; hình thức, tiêu chí, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư thiếu tính linh hoạt, chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các ngành, vùng, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

“Liên quan đến các quy định của Luật Đầu tư về thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư… còn một số nội dung thiếu tính khả thi, hợp lý và đồng bộ với các Luật có liên quan”, ông Quách Tuấn Ngọc chỉ ra và nhấn mạnh luật hiện hành cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Cuối cùng, ông Tuấn cho biết các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện chưa được cập nhật, hệ thống hóa để bảo đảm tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài còn phức tạp, thiếu tính khả thi và bất hợp lý.

Minh Châu

 

Tin khác

Tin tức 14 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 14 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.