Giao lưu – ra mắt sách Giáo dục hiện đại
Buổi giao lưu là một dịp hội ngộ của những thế hệ triển khai và đồng hành cùng Công nghệ giáo dục từ năm 1978 đến nay, các cựu phụ huynh, học sinh và những độc giả quan tâm cùng nhìn lại hành trình thăng trầm 45 năm của Công nghệ giáo dục (CGD), toạ đàm chia sẻ về giáo dục hiện đại và chia sẻ những cảm nghĩ của mình về “một đời – một việc” của GS Hồ Ngọc Đại.
Đoạn trích phóng sự tư liệu “Hồ Ngọc Đại – một đời, một việc” ghi lại hành trình tâm huyết của GS Hồ Ngọc Đại trong suốt 45 năm qua trong giáo dục. Cho dù vô cùng gian nan, trắc trở, đối mặt với rất nhiều sự chỉ trích, ông vẫn không ngừng khẳng định và tìm giải pháp đưa công trình khoa học của mình ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Cả một đời ông chỉ dành cho một việc, với mong muốn cháy bỏng mong những em thơ “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”.

Hỏi đáp cùng giáo sư Hồ Ngọc Đại
Theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Giáo dục hiện đại chính là phương thức thiết kế và thi công, thay vì giảng giải – ghi nhớ theo phương thức truyền thống, với mục tiêu để cho mỗi em trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lí triết học của Nghiệp vụ sư phạm. “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu Thầy không giảng? Từ “giảng” sang “không giảng” thì mới là đổi mới căn bản và toàn diện”.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đưa ra các phân tích, lập luận chặt chẽ về những giới hạn của phương pháp giáo dục đại trà truyền thống, ông viết: “Vượt bỏ công thức cũ: Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ thì cái mới là gì? Đó chính là Cách làm mới: Thầy thiết kế – Trò thi công; Trẻ em tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì chính mình, để trở thành chính mình”. Nguyên tắc cơ bản của Nghiệp vụ sư phạm hiện đại là không đưa đến cho Trẻ em sản phẩm làm sẵn, buộc phải chấp nhận (học thuộc lòng). Thầy hiện đại giao việc cho Trẻ em làm. Trẻ em tự mình làm, làm theo trật tự của công nghệ giáo dục, chỉ làm một lần, chỉ tiêu dùng lượng thời gian cấp cho việc ấy. Mỗi em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, lấy năng lượng mới cấp cho mình phát triển: Không đưa sản phẩm làm sẵn đến cho Trẻ em, buộc Trẻ em phải chấp nhận”.
Là một cuốn sách về giáo dục nhưng được diễn giải dưới góc nhìn triết học, Giáo dục hiện đại chính là mảnh ghép còn lại cho toàn bộ những gì mà giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói và làm trong 45 năm qua. Nhiều người rất yêu quý ông nhưng thành thật thừa nhận là “tôi không hiểu hết những gì ông làm”. Nhiều năm qua, dù biết rằng Công nghệ giáo dục là một phương pháp giáo dục được chứng minh tính hiệu quả vượt trội, nhưng rất nhiều người vẫn chưa có câu trả lời cho các câu hỏi: Tại sao lại là Công nghệ giáo dục? Tại sao Giáo sư Hồ Ngọc Đại kiên quyết cho rằng Công nghệ giáo dục chính là lời giải cho đổi mới toàn diện, tận gốc rễ giáo dục hiện đại? Tại sao một người có thể kiên trì theo đuổi một việc trong suốt 45 năm ròng với bao nhiêu thử thách?.
Trong Giáo dục hiện đại mang theo trong những lần suy niệm về gốc lõi của giáo dục. Với lối viết khúc chiết, gãy gọn, nhưng lại rất “thơ”, lại có “nhạc” trong từng câu chữ; cuốn sách có thể mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho những ai luôn đau đáu nghĩ về giáo dục.
Thanh Tùng
TIN LIÊN QUAN
-
'Chia sẻ cùng thầy cô': Cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục
-
Việt Nam coi khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu
-
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lắng nghe tâm huyết của các nhà giáo, cán bộ giáo dục
-
Hoa Kỳ và Việt Nam tổng kết dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục đại học trong lĩnh vực STEM
Tin khác
Thanh Hóa: Nghĩa cử cao đẹp của chủ nhà hàng tìm vị khách trả lại tiền nhầm tới hàng trăm triệu đồng
