Đường sắt đô thị cần vượt thách thức, đảm bảo tính khả thi
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại tại Hà Nội. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 400km ĐSĐT.
Đề cập đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Lê Hồng Sơn cho rằng, Luật cần đưa ra các quy định cụ thể, khả thi nhưng cũng phải tạo ra đột phá, vượt trội mới thực hiện được các mục tiêu đề ra, để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu.
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hội thảo về các lĩnh vực của dự án Luật, trong đó có phát triển đường sắt đô thị phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)… để đưa vào Luật.
Tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân, các đại biểu nhất trí cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông của TP Hà Nội đã quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực nội đô và các tuyến đường trục xuyên tâm. Để giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc phục ùn tắc giao thông, tất yếu phải đầu tư cho vận tải hành khách công cộng.
Trong đó, mạng lưới ĐSĐT phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới ĐSĐT là rất cần thiết, không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.
Theo các đại biểu, hệ thống ĐSĐT mang đến nhiều lợi ích, điển hình là giảm tắc nghẽn giao thông trong đô thị, tăng cường khả năng di chuyển và tiếp cận các dịch vụ vận tải, rút ngắn được hành trình giao thông, tăng cường được an toàn đường bộ…
Tuy nhiên, để có được những lợi ích nêu trên, cần phải vượt qua một số thách thức lớn như thách thức về mặt kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, thách thức về hình thành khung chính sách và quy định, thách thức về nguồn kinh phí và tài chính và cả những hạn chế, khó khăn sau khi đưa hệ thống ĐSĐT vào khai thác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, mục tiêu trên đặt ra bài toán không đơn giản cho Hà Nội. Cần tạo ra đột phá và hoàn thiện chính sách pháp luật, cụ thể dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định vượt trội mới thực hiện được các mục tiêu.
Liên quan đến cơ chế phát triển đường sắt đô thị, ông Nguyễn Văn Thái - Ban Quản lý dự án Đường sắt lại đề cập một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ của các dự án là giải phóng mặt bằng. Do vậy, ông Nguyễn Văn Thái kiến nghị cần tách phần giải phóng của dự án đường sắt đô thị thành một dự án thành phần riêng và triển khai thực hiện độc lập để khi dự án chính triển khai thi công, về cơ bản có toàn bộ mặt bằng sạch để thực hiện.
Đồng quan điểm, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cũng đề xuất, phải xây dựng cơ chế, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn lực từ đất trong các khu vực đường sắt đô thị được quy hoạch…
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kiến nghị triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, đảm bảo quy hoạch đi trước. "Trong bối cảnh chúng ta đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trong đó có hệ thống đường sắt, cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy hoạch hệ thống ĐSĐT làm rõ số tuyến xây dựng và có kế hoạch thực hiện đảm bảo khả thi", ông Lê Quang Hùng nói và kiến nghị xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện.
GS.TS Phạm Văn Ký nhấn mạnh, cần tạo thuận lợi cho hành khách ra vào nhà ga, chuyển tuyến thì người dân mới sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn xây dựng đường sắt. Ông Phạm Văn Ký cũng cho rằng cần hoàn thiện tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công và nghiệm thu đường sắt trong khu vực đô thị để đảm bảo chất lượng và tăng nhanh tiến độ, giảm giá thành xây dựng.
PV
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Làm lan can sắt Hà Nội