Đoàn Việt Nam điều hành khóa họp Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 1200 đại biểu từ 191 quốc gia thành viên. Đoàn công tác Việt Nam gồm 7 đại biểu do ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu.
Đây là lần đầu tiên Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Dương Chí Dũng điều hành khóa họp với tư cách là Chủ tịch Đại Hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019.
Kỳ họp lần này sẽ thông qua các báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước. Khóa họp thường niên lần thứ 58 Đại Hội đồng WIPO có sự tham dự của khoảng 1.200 đại biểu đến từ 191 nước thành viên WIPO.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Giám đốc WIPO, ông Francis Gurry, cho rằng sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, trong việc phát triển các chính sách và thương mại quốc tế. Những thay đổi công nghệ nhanh chóng, toàn diện và sâu sắc, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về quyền sở hữu trí tuệ, củng cố vai trò trung tâm của sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo.
Theo ông Gurry, Chính phủ, doanh nghiệp, truyền thông và công luận đều quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ trong đổi mới sáng tạo và chiến lược công nghiệp.
Tổng Giám đốc WIPO nhấn mạnh bức tranh đổi mới sáng tạo có những thay đổi sâu sắc theo hướng toàn cầu và đa cực, trong đó công nghệ giữ vai trò thống trị trong nền kinh tế, thể hiện rõ qua việc sử dụng ngày tăng các dịch vụ sở hữu trí tuệ của WIPO trên phạm vi toàn cầu.
Ông cũng cho biết hiện nay châu Á là lục địa có nhiều đơn yêu cầu xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhất trên thế giới, chiếm 60% tổng số yêu cầu.
Ông Francis Gurry cũng đề cập đến các thách thức của WIPO và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Để vượt qua những thách thức này, nhà lãnh đạo WIPO kêu gọi tăng cường chia sẻ kiến thức về cách thức các công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ hệ thống sở hữu trí tuệ, như trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu tại phiên khai mạc của Đại hội đồng WIPO, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao các hoạt động WIPO gần đây cũng như những phát triển mới trong lĩnh vực xây dựng các thể chế bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế mới. Thứ trưởng cam kết Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với các Thành viên khác để xây dựng một hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới công bằng và bao trùm. Việt Nam ghi nhận những trợ giúp kỹ thuật của WIPO trong năm vừa qua và mong muốn tiếp tục hợp tác với WIPO triển khai dự án xây dựng hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp WIPO IPAS tại Cục Sở hữu trí tuệ, xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và sớm hoàn thành thủ tục gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Phóng viên TTXVN tại Geneva cũng cho hay, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry đã thông báo với các đại biểu tham dự kỳ họp về việc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang từ trần hôm 21/9.
Tổng Giám đốc WIPO nhắc lại cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 3/2017 trong chuyến công tác của ông ở Việt Nam. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bày tỏ với Tổng Giám đốc WIPO mong muốn đảm bảo những điều kiện tốt nhất có thể để hệ thống sở hữu trí tuệ được lớn mạnh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam. Thay mặt Đại Hội đồng WIPO, Tổng Giám đốc Francis Gurry đã chuyển lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến Chủ tịch nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Bên lề hội nghị, Đoàn Việt Nam còn có một số cuộc họp và làm việc song phương với các đối tác như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), Tổng cục Sáng chế Nhật Bản (JPO), Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Mexico và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UK IPO) để mở rộng quan hệ hợp tác.
Vân Hà (t/h)