SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Để chương trình OCOP vươn xa

14:03, 04/11/2022
(SHTT) - OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp.

Đa dạng sản phẩm OCOP

Cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã (HTX), 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.

Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

ocop

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP thu hút đông đảo quan khách thăm quan 

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…

Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Cần có nhạc trưởng gắn kết cho OCOP

Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình OCOP là một bức tranh đa dạng, đa sắc màu nhưng vẫn còn phân rã, lẻ tẻ, cần sự sắp xếp lại, phân màu, phân mảng nhất định. Tuy nhiên, khi hỏi các chủ thể sản xuất OCOP họ đều trả lời là sản phẩm của họ không biết bán ở đâu nên đành đưa vào các khu vực bán hàng thông thường. Khi vào các siêu thị, các kệ hàng tôi đi thấy các sản phẩm OCOP gần như bị bão hòa, không có tiếng nói.

Các chuyên gia khuyên rằng, OCOP chưa có hệ sinh thái dành riêng, do vậy, các chủ thể OCOP nên ngồi lại với nhau tự tìm ra màu, mảng riêng cho mình để liên kết cùng phát triển. Hiện nay, cả nước cũng chưa có trung tâm nào đủ rộng đủ tầm để trưng bày tất cả sản phẩm OCOP, để hình thành không gian cho OCOP tự kể câu chuyện của mình.

Có một thực tế khác là sản phẩm OCOP mang tính lẻ tẻ. Cụ thể như tỉnh Sơn La có 123 sản phẩm OCOP với sức lan tỏa phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô sản phẩm OCOP của Sơn La còn lẻ tẻ, nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm OCOP còn hạn chế bởi nội lực của các hợp tác xã không lớn và hỗ trợ của địa phương chưa tương xứng.

Nâng tầm giá trị

Câu chuyện đầu tiên để nâng tầm sản phẩm OCOP là về du lịch nông thôn. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, trong những năm qua, du lịch nông thôn đã phát triển ở nhiều địa phương, xuất hiện một số mô hình du lịch, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các Điểm du lịch nông thôn đặc sắc.

Bên cạnh đó, Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Mặc dù còn khó khăn về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất cũng như kỹ năng nghiệp vụ… nhưng đây cũng đã đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ du lịch của Việt Nam, thúc đẩy nội tour tuyến, mở rộng không gian đưa khách du lịch về nông thôn.

ocop1

 Hội chợ là cơ hội giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Tiếp đó là câu chuyện tận dụng lợi thế vùng. Tận dụng lợi thế về vùng nguyên liệu sẵn có của xứ cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Công ty TNHH MTV Minh Ðức Thành (Kocana) đã khai thác vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp tăng cường đầu tư công nghệ chế biến hiện đại tạo ra nhiều món ăn mới từ cá tra, với nhiều hương vị đặc trưng. Đây cũng là một doanh nghiệp có tới 7 sản phẩm đặc sản đạt OCOP 4 sao trong năm 2021 của thành phố, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Đồng Nai đang tập trung xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định cũng đang là mục tiêu các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hướng tới.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, điển hình như ở huyện Xuân Lộc.

Trong khi đó, có thực tế là lãnh đạo tỉnh hay Giám đốc Sở NN&PTNT cũng không hề nắm thông tin sản phẩm OCOP của tỉnh mình như thế nào.

Các chuyên gia cho rằng, chương trình OCOP là một tiềm năng lớn, cần tạo thêm không gian phát triển kinh tế, hòa quyện chung cho giai đoạn sắp tới để phát triển kinh tế nông thôn. Theo ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng NN&PTNT: “Chúng ta phải làm sao cuối nhiệm kỳ không chỉ thông báo có bao nhiêu huyện, xã đạt nông thôn mới, mà chúng ta còn tự hào có bao nhiêu di sản nông thôn có thể tự tin giới thiệu với thế giới”.

Nói thêm về sự cần thiết của xây dựng Chương trình OCOP, Bộ trưởng Hoan cho rằng, đây là thời đại có quá nhiều sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, sự cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh trở nên căng thẳng hơn, gặp nhiều tranh chấp hơn. Lối thoát cho thế khó này chính là đưa ra một câu chuyện đầy cảm xúc để bán hàng. Bộ trưởng Hoa đặt câu hỏi: “Tại sao bà con sản xuất nhiều sản phẩm mà chưa vượt trội được? Bà con thường nghĩ tạo ra một sản phẩm để bán được 1 đồng, 10 sản phẩm được 10 đồng, nhưng đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ tạo ra 1 sản phẩm tích hợp để bán được 10 đồng. Điều này đặt ra yêu cầu cần liên kết các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất tạo thành một cộng đồng cùng tạo ra lợi ích và cùng chia sẻ lợi ích. Đó chính là ý nghĩa của OCOP”.

Thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng khắp thế giới lựa chọn. Ở nước ta, mật ong có từ Hà Giang đến Cà Mau; tưởng rằng trà hoa vàng chỉ có ở Quảng Ninh, ai ngờ Bắc Kạn cũng nhận đó là đặc sản của địa phương. Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng.

Ở nước ta, quả măng cụt chủ yếu được bán tươi. Tuy nhiên, ở Thái Lan sản phẩm đa dạng gồm: măng cụt sấy; nước ép măng cụt; nước măng cụt lên men; viên nén bổ sung chất chống ô-xi hóa từ vỏ măng cụt; sirum chiết xuất từ quả măng cụt dành cho mỹ phẩm.

Không những thế, từ quả xoài, người Thái Lan đã tạo ra những sản phẩm xoài sấy dẻo và tạo tác thành những bông hoa, đựng trong hộp bảo quản trong suốt để đưa vào các nhà hàng, khách sạn cho thực khách thưởng thức cùng nước trà, cà phê… Từ những góc tiếp cận và cách làm sáng tạo ấy, người Thái có thể nâng giá trị sản phẩm cao gấp 10 lần so với những sản phẩm thông thường.

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ… Do vậy, các tỉnh, thành cần quan tâm, xây dựng các không gian để quảng bá sản phẩm OCOP tại các vị trí đắc địa, các khách sạn, nhà hàng, nơi có nhiều người qua lại, nhằm thu hút người dân và du khách quốc tế được biết và trải nghiệm các sản phẩm OCOP.

Thục Huy

Tin khác

Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Năm 2024, VECOM tiếp tục hoàn thiện tính chỉ số thương mại điện tử (TMĐT). Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn DN VECOM còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho TMĐT.