SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Chuyển đổi sản xuất xanh tạo lợi thế cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường

10:06, 16/06/2023
Xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam và thế giới. Việc bắt kịp xu hướng, chuyển đổi sản xuất xanh sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, mở rộng thị phần, cũng như tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp.

Hiện nay, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh,… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do các thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu quy định.

Chuyển đổi sản xuất xanh là xu hướng tất yếu

Tại hội thảo “Xu hướng tiêu dùng xanh: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức, ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) - cho biết trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không thể tách rời nhau và phải cân bằng.

z4436006619123_cb08859810

Hội trường hội thảo “Xu hướng tiêu dùng xanh: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Theo ông Vũ, hiện nay, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương mại xanh,… đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng xanh của thương mại quốc tế khi Việt Nam đang tham gia và thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) với các cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao liên quan phát triển bền vững.

Thực hiện thành công chuyển đổi xanh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được lợi thế đáng kể khi tiếp cận các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xu hướng tiêu dùng xanh không phải là một xu hướng mới nhưng nó đã trở nên phổ biến hơn khi nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, được thể hiện thông qua các cam kết tại COP26, COP27…

z4436006721062_e2829a9cec

Theo ông Nguyễn Anh Dương, chuyển đổi xanh phải chuyển đổi từ góc nhìn về tư duy và quy trình hoạt động của chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi các FTA thế hệ mới, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn các cam kết về môi trường trong các FTA để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu, tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan trong các FTA.

Mạnh dạn biến khó khăn thành cơ hội để phát triển

Việc chuyển đổi sản xuất xanh sẽ tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp và mang lại nhiều cơ hội như tránh được lộ trình thuế carbon, thu hút thêm khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh… đặc biệt là tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi chuyển đổi sang các mô hình sản xuất xanh hướng tới phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghị - Chuyên gia xúc tiến xuất khẩu CBI, Hà Lan, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp nhận thức đúng về tầm quan trọng cũng như lợi ích mà chuyển đổi sản xuất xanh mang lại. Vẫn còn lãnh đạo doanh nghiệp tư duy chuyển đổi là khó khăn là tốn kém; bên cạnh đó họ cũng thiếu kiến thức, thông tin và cách vận hành giai đoạn chuyển đổi, hiệu quả sau chuyển đổi… Đặc biệt, một trong những thách thức lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư.

z4436006519910_24c59668e1

Ông nghị cho rằng thách thức lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là về vốn đầu tư.

Do đó, ông Nghị cho rằng ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính, cần có các chính sách ưu đãi tín dụng, kích cầu đầu tư, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng để chuyển đổi sản xuất thì tư duy rất quan trọng, sau đó là chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Dưới góc độ là chuyên gia, ông Dương cho biết tư duy của doanh nghiệp cũng thể hiện qua cách nhìn nhận về chi phí chuyển đổi. Nhiều doanh nghiệp nhận thức đúng về lợi ích sản xuất xanh nhưng không có kinh phí chuyển đổi. Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính nhưng lại chưa quyết tâm để chuyển đổi vì ngại tốn kém.

Sự băn khoăn của các doanh nghiệp hiện nay là đầu tư vào chuyển đổi xanh sẽ làm tăng giá thành. Tuy nhiên, khi sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững thì cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm được nâng lên một phân khúc giá trị mới, giá bán đó sẽ bù đắp vào giá thành đầu tư. Đặc biệt, khi sản phẩm lên phân khúc giá mới, vươn lên là sản phẩm xanh dẫn đến số lượng đối thủ cạnh tranh giảm, đồng thời sản phẩm được nhận diện tốt hơn.

z4436006079085_0c078eae32

Các chuyên gia chia sẻ những khó khăn và cơ hội cho doanh nghiệp khi chuyển đổi xanh bắt kịp xu thế tiêu dùng xanh.

Tại hội thảo, ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân - cho biết Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về vấn đề rác thải nhựa ra môi trường. Hằng năm, lượng nhựa phát sinh là 3,3 triệu tấn tương đương với khoảng 2 nghìn tỷ chai nhựa và rác thải nhựa ra đại dương khoảng 0,73 triệu tấn. Trong khi đó, khối lượng thu gom lại theo thống kê là 27% và tái chế là 10% (tái chế thô sơ).

Là doanh nghiệp nghĩ xanh, làm xanh để phát triển bền vững, Công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling – DTR) đã có bước đi đầy bất ngờ vào kinh tế xanh và ghi dấu ấn tượng. Một dự án tái khởi nghiệp của Nhựa Duy Tân, đã trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nhựa tái chế tại Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp, ông Lê Anh - cho biết hiện nay Công ty nhựa tái chế Duy Tân một ngày thu gom được khoảng 60 - 80 tấn nhựa, nghĩa là một ngày khoảng 100 triệu chai nhựa thu gom rồi sau đó là tài xế lại để thành sản phẩm. Trên thực tế, lượng nhựa trên so với lượng nhựa sử dụng tại Việt Nam thì chỉ chiếm khoảng 3%, còn 9,7% còn lại đang trôi nổi ngoài môi trường. Trong khi đó, sản xuất xanh, tuần hoàn không đơn thuần là xu hướng mà đó là yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững cả về kinh tế, môi trường và xã hội.

Nhận thấy được các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực EU thường xuyên nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường trong các sản phẩm tiêu dùng, bởi trong một thời gian dài việc tổ chức kinh tế tuyến tính và tiêu dùng nhanh đã thải ra môi trường một lượng chất thải khổng lồ, đặc biệt là rác thải nhựa không được tái chế và xử lý.

z4436006266305_a22d2ce262

Ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp trong ngành tái chế rác thải nhựa.

Do đó, Công ty nhựa tái chế Duy Tân đã chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới, nhằm khai  thác nguồn nguyên liệu rác thải nhựa cho hoạt động sản xuất. Cụ thể là tái chế các chai nhựa được thu gom thành hạt nhựa và chai nhựa mới theo tiêu chuẩn đựng thực phẩm. Điều này cũng làm giảm đi một lượng rác thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, nhà máy tái chế còn được vận hành với tiêu chuẩn 3 không: không chất thải, không khí thải và không nước thải gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, các sản phẩm tái chế của Duy Tân đã được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và tham gia chuỗi cung ứng cho các nhãn hàng, thương hiệu trong ngành thực phẩm, đồ uống lớn trên toàn cầu.

Qua đó có thể thấy, chuyển đổi sản xuất xanh đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp không chỉ thị trường trong nước mà trên cả thế giới.

Thanh Thảo

Tin khác

Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại TPHCM, quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Startup nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc vừa lọt top 3 trong bảng xếp hạng “ngôi sao đang lên” của Edtech thế giới năm 2024 do tạp chí TIME (Mỹ) và hãng nghiên cứu thị trường Statista thực hiện...
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - VPBank là ngân hàng đầu tiên trên thị trường triển khai chương trình tài trợ trọn gói cho vay vốn thuê/mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp (BĐS KCN, CCN) với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng và chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê/mua BĐS.