SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Chiêm ngưỡng ma nhai tại Ngũ Hành Sơn: Di sản sáng tạo quý giá của tiền nhân

14:18, 28/01/2023
Ma nhai - Thơ văn Hán, Nôm khắc trên vách núi đá, hang động tại Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) - được ví như “tàng thư” độc đáo và duy nhất vừa được UNESCO ghi nhận là di sản tư liệu thế giới.

Hệ thống ma nhai tại Ngũ Hành Sơn tạo thành thư viện tài liệu “in” trên đá. Ma nhai nơi đây “chuyên chở” câu chuyện lịch sử, nghệ thuật, văn hoá và khoa học từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX.

Vọng âm từ trên vách đá

Du xuân về với vùng nước biếc biển Đông, kề bên 5 ngọn núi đá sừng sững được nữ sĩ Bang Nhãn ngợi ca: “Núi chen sắc đá pha màu gấm, chùa nấc hơi hương khói lẫn mây”. 

Hoà vào dòng người hành hương, từ chùa Tam Thai mở ra theo đường rêu mềm như dải nhung xanh, rẽ vào lối bên trái dẫn đến động Hoa Nghiêm và động Huyền Không. Đây là nơi có nhiều bia ma nhai nổi bật.

324602259_953049445684084

Du khách thong dong tản những bước bộ hành lên xuống theo bậc thang đến với ngọn Thuỷ Sơn - một trong 5 ngọn núi lớn nhất, cao nhất, đẹp nhất ở Ngũ Hành Sơn.

Du khách tới động Hoa Nghiêm choáng ngợp lặng lẽ chiêm bái, bên phải động là tấm bia ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” (Phật trong hang thiêng núi Phổ Đà - Phổ Đà là tên gọi khác của Ngũ Hành Sơn) khắc trên vách động tạo lập năm 1640.

322821762_882124819574664

Tương truyền ma nhai được những người thợ điêu khắc đá làng mỹ nghệ Non Nước chế tác trực tiếp lên các vách đá tự nhiên.

Tấm bia có niên đại cổ nhất Ngũ Hành Sơn nay bị phong hoá nhưng vẫn thấy rõ đế chạm hình hoa sen như một bức thư được chăm chút thảo lên vách đá. Tấm bia ngợi ca hoàng đế đương thời cùng những thương nhân nước ngoài tại thương cảng Đà Nẵng – Hội An cúng dường đảnh lễ. Đỉnh bia hình ovan được điêu khắc dáng quả cầu lửa ở giữa, hai bên hé đôi cánh hoa hướng dương.

323822844_687453123119642

323822844_687453123119642

Tại danh thắng Ngũ Hành Sơn có 78 văn  bia ở động Hoa Nghiêm, động Huyền Không, động Tàng Chơn, động Vân Thông, động Linh Nham thuộc ngọn Thuỷ Sơn. Ngoài ra có một số thơ văn được khắc tại hang Vân Cân Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc vẫn còn lưu lại ngự bút của vua Minh Mạng.

Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế đơn vị có công đầu làm sống dậy giá trị nhân văn của một di sản hàng trăm năm ngủ quên trên vách núi.

Theo Đại đức Thích Không Nhiên – Trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm này - qua khảo sát so với những nơi lưu dấu ma nhai nổi tiếng tại Việt Nam như Bắc bộ, Bắc Trung bộ, ma nhai Ngũ Hành Sơn đã có niên đại từ lâu, nhiều thế hệ tác giả là danh nhân ba miền đất nước và có cả ngoại kiều.

Qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn, Đại đức Thích Không Nhiên chia sẻ ấn tượng với nghệ thuật điêu khắc ma nhai tinh xảo, đọng lại qua những bia ký thời các chúa Nguyễn. “Trong đó đặc sắc nhất là ma nhai Nam Bảo Đài hinh bi được xem là bia ma nhai có kích thước lớn nhất với hệ thống hoa văn trang trí mang đặc trưng mỹ thuật một thời”, Đại đức Thích Không Nhiên nói.

Cùng với bút tích của nhân dân, các cao tăng, tao nhân mặc khách, các thương gia, văn sĩ, ma nhai tại Ngũ Hành Sơn đặc biệt còn có vua Minh Mạng từng dừng chân nơi đây ngẫu hứng lưu đề.

Tại động Huyền Không, nơi có tên động được vua ngự bút có vòm động cao 28 m, ngước mắt lên chạm ánh nhìn vào trần động có khoảng trống ánh sáng tràn vào, lọt nắng lọt mưa. Vách đá bằng phẳng bên hệ thống ma nhai được nghệ nhân điêu khắc đá chế tác khá công phu.

Ma nhai để lại những dữ kiện thú vị cho thấy bức tranh mậu dịch của các thương nhân Nhật Bản ở Hội An trong giai đoạn này sinh động hơn nhiều so với những gì trong sử sách đã ghi chép lại.

324930575_1525721084594335_1719412762324416784_n

Ma nhai di sản tư liệu thế giới thể hiện  nét đẹp văn hoá tín ngưỡng của cư dân bản địa.

Theo các nhà nghiên cứu, văn bia ở động Hoa Nghiêm còn ghi lại cuộc hôn phối giữa người phụ nữ bản địa với thương nhân nước ngoài tại thương cảng Hội An. Chứng tỏ văn hóa bản địa có sức hút riêng đối với các gia đình “đa văn hóa”. Họ vẫn theo truyền thống là cúng dường, góp của vào công trình tâm linh tín ngưỡng.

“Di sản ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những tư liệu cực kỳ giá trị và đặc sắc, phản ánh chính xác tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia. Ma nhai ca ngợi vẻ đẹp thắng cảnh, ghi lại công đức cúng dường viết rất dễ hiểu, đơn giản chứ không phải như kinh dịch, triết học…”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - cho hay.

"Đây là lần đầu tiên tôi đến với thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Tôi rất tò mò khi trên vách động có những văn bia được chạm khắc công phu và muốn hiểu về ý nghĩa của những dòng chữ này", du khách Trần Bá Sáng (36 tuổi, tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ.

Giữ lấy lời vàng trên đá

“Trăm năm bia đá cũng mòn”, di tích ma nhai ở Ngũ Hành Sơn không chỉ bị phong hoá trước sự hà khắc của thời gian, mà còn bởi tác động thô bạo của con người và từng nhiều lần bị hủy hoại bởi chiến tranh.

322942675_870980697443619_2461242403862422863_n

 Ma nhai di sản tư liệu thế giới cần bảo tồn, quản lý bằng cách cấm các hình thức xâm hại trực tiếp, dập bản số hoá toàn bộ văn bản để lưu trữ và trưng bày.

“Tôi chỉ vào để ngắm động cho thoả trí tò mò, thắp hương đảnh lễ chứ không để ý đến ma nhai vì hang thiếu sáng”, du khách Đinh Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, TP HCM) nói.

Tiêu biểu có nhiều ma nhai ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn khiến không ít chùa miếu bị đốt phá, văn bia bị đập vỡ hoặc đục bỏ. Chúng tôi không khó để nhận ra nhiều ma nhai tại Ngũ Hành Sơn không còn nguyên vẹn, chữ mờ dần, một số bị bồi lấp hay sơn, xi măng.

“5/8 bia ký thời chúa Nguyễn bị đục hết nội dung chữ. Hình thức những họa tiết nội dung chữ xung quanh vẫn còn nguyên”, nhóm nghiên cứu Trung tâm Phật giáo Liễu Quán Huế cho hay.

322855233_1839109113110525_394395712834117689_n

 Nhiều chữ viết vẽ bậy trên vách động xâm hại tới bia ma nhai di sản.

Ngay tại những nơi có văn bản ma nhai, không ít cái tên “lạ” do người trẻ thiếu hiểu biết khắc đè lên khiến ma nhai đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Hành động vô ý thức đã xâm hại nghiêm trọng đến những tác phẩm giàu tính thẩm mỹ, giàu tình yêu với thiên nhiên kỳ tú của đất nước.

Theo thống kê của Bảo tàng Đà Nẵng, động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai. Tuy nhiên, chỉ có 15 ma nhai còn đọc được, có 9 ma nhai quá mờ, không còn đọc được nội dung; 6 ma nhai bị bôi trát bởi xi măng và sơn.

324000036_938989857101618_3968165288085831381_n

 

Ngày 26/11/2022, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã công nhận Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, là Di sản ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Động Tàng Chơn có 15 bia khắc rõ chữ, còn đọc được nội dung; 5 ma nhai bị mờ hoặc đục hết chữ hay bôi trát bởi xi măng và sơn.

Ngoài ra, các nơi như phía sau miếu Linh Động Chơn Tiên, Động Linh Nham nhiều bia bị đục bỏ nhưng may phía dưới trán bia còn lưu lại các chữ tiêu đề. Các ma nhai khắc vào vách đá bố trí rải rác các nơi trong động, tuy nhiên do vách đá không bằng phẳng nên tạo ra nhiều hạn chế trong quá trình tiếp cận, khảo sát nội dung.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, sau Tết Nguyên Đán, UBND TP sẽ làm lễ vinh danh ma nhai vinh danh Di sản tư liệu thế giới. Đồng thời, đầu tư hệ thống chiếu sáng để du khách chiêm ngưỡng ma nhai.

Ông Thiện chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ gắn mã QR Code cho ma nhai để cung cấp thông tin đến du khách khi tham quan tại Ngũ Hành Sơn có thể truy cập xem được nội dung, giá trị, thông tin về ma nhai.

Đá lặng lẽ mà văn trên đá đầy âm vọng lời tiền nhân lưu truyền gửi hậu thế. Ẩn chứa trong từng ma nhai nét đẹp văn hoá Việt Nam ở tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa qua loạt bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối trên vách đá.

Việc bảo tồn ma nhai là giữ gìn những nét đẹp văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng, khẳng định lối sống hướng về chân – thiện – mỹ của người Việt.

Bảo Hoà 

Tin khác

Giải trí 9 giờ trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 10 giờ trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại Khu du lịch Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề: Hà Tĩnh - thanh âm ngày nắng mới. Chương trình với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc đã thu hút đông đảo người dân và du khách trên địa bàn cả nước tham gia.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Có thể nói, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua, để lại những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi được hoà mình vào không khí lễ hội.