Đà Nẵng: Làng hoa Dương Sơn áp dụng công nghệ vào trồng hoa
Giáp Tết Nguyên đán, sau những cơn mưa thấm đất dai dẳng, thời tiết Đà Nẵng trở nên lạnh ẩm cuối đông kéo theo những niềm vui sửa soạn chuẩn bị năm mới của bà con làng Dương Sơn.
Tất bật cho mùa hoa mới
Cách trung tâm thành phố chỉ 10 km về phía Đông huyện Hòa Vang, làng hoa Dương Sơn là vùng quê thanh bình nơi có đất phù sa không được bồi đắp. Người dân nơi đây vẫn vun xới từng ngày làm nên nghề trồng hoa lâu năm và nổi tiếng nhất tại Đà Nẵng.
Từ đầu làng Dương Sơn, những ruộng hoa đủ màu sắc sau thời gian “ngủ đông” đang chớm nụ chờ xuân để bung cánh. Trong đó, loài hoa chủ lực của làng là hoa cúc. Những chậu cúc đại lớn biểu trưng của sự sung túc mà nhiều gia đình ở miền Trung rất ưa chuộng chơi hoa ngày Tết được trồng hàng nối hàng tạo thành một bức họa đồng quê rực rỡ và ấm áp.
Hoa được bàn tay của bà con chăm bẵm từng li từng tí, sơn quét lại chậu cây như khoác chiếc áo mới đợi khách tới tìm mua. Sức sống mùa xuân căng tràn với đủ loại thược dược, mào gà, lan, tuyết sương phi hồng, hoa hồng, phong lữ treo giàn, hoa giấy… Mỗi loại hoa ở làng Dương Sơn mang một vẻ đẹp, đa phần không phải loài hoa kiều diễm, đắt đỏ mà là những loài hoa phục vụ cho Tết bình dân.
Nhiều thiết bị công nghệ như tưới nước tự động, nhà che, đèn chiếu sáng cũng “tất bật” tăng công suất theo người trồng hoa trong công đoạn cuối cùng trước khi đưa hoa đi ra phố, về các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh để tiêu thụ.
Làng có diện tích trồng hoa khoảng 4ha, 25 hộ dân trồng hoa thuê cùng 250 nhân công chăm sóc trong suốt từ 5 – 8 tháng/ năm cho đến ngày xuất bán. Trong đó làng có khoảng 19 hộ hiện nay đang ứng dụng công nghệ trong việc trồng hoa để giảm việc “trông trời, trông đất, trông mây”, ảnh hưởng sự bất thường của thời tiết.
Bà Nguyễn Thị Cư đang tỉa và chăm sóc cho hoa, bàn tay chai sần nhưng khéo léo nâng đỡ từng búp hoa, chiếc lá sao cho ngăn ngắn, có thế đẹp. Bà Cư nói: “Có công nghệ cũng đỡ lo thời tiết, nhưng đến cận Tết chúng tôi vẫn đứng trên ruộng ngày 8 – 9 tiếng để chăm sóc, kiểm tra. Quan trọng trong trồng hoa vẫn là con người”.
Bà ngẩng mặt lên, nụ cười tươi như hoa tự hào giới thiệu những chậu đỗ quyên đang rực hồng cuối vườn là thành quả lao động suốt một năm qua.
Trong khi đó, ông Lý Phước An cho biết gia đình ông trồng hơn 1500 chậu hoa treo có ứng dụng nhà màng cùng các trang thiết bị tưới tiêu tự động nên hoa có màu sắc đẹp và nhiều người đặt mua.
Để có được chất lượng hoa tốt, ông An đã nắm bắt được thị hiếu và sớm chuyển sang trồng thêm một số loài hoa cao cấp từ đó thu nhập cũng tăng lên.
Ông Lê Thành Trung - chủ trại lan Mokara - phấn khởi khi đầu tư trồng nhiều chủng loại lan và dự kiến hoa sẽ nở rộ đúng vào giáp Tết. “Hoa lan không khó trồng nhưng cần có kỹ thuật hơn những loài hoa khác. Tôi mong hoa sẽ nở rộ vào đúng Tết và đáp ứng nhu cầu mới, đa dạng của thị trường”.
Ông Trung đang cắt bán dần những nhánh lan màu vàng cam tựa như làn nắng ấm rồi ôm từng bó ra xe đi bán. Ông tươi cười, hào hứng với công việc mang cái đẹp đến cho đời từ niềm say mê với trại lan.
Thời tiết này rồi cũng “kẻ khóc người cười”
Lão nông Lý Phước Dạn (60 tuổi), chủ hộ trồng hoa, tổ trưởng trồng hoa ở làng Dương Sơn có 20 năm làm nghề trồng hoa ở làng Dương Sơn. Ông Dạn đang dạo quanh vườn, hướng dẫn và nhắc nhở cho những người chăm sóc hoa cẩn thận. Ông Dạn cho rằng năm nay thời tiết mưa nhiều dẫn tới có nhiều sâu rầy nên việc đầu tư cũng tốn gấp đôi những năm trước.
Năm nay, gia đình ông Dạn trồng 1000 chậu cúc phục vụ Tết Quý Mão năm 2023 nếu bán ra doanh thu ước đạt 300 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư thuê nhân công, tiền giống, phân bón… sẽ còn khoảng 55 – 60% lợi nhuận.
Cùng với hoa cúc, ruộng hoa nhà ông Dạn còn có nhiều loại hoa khác xen canh như hoa đỗ quyên, hoa treo dàn, hoa hồng. Vườn hoa của ông đang có nhiều dấu hiệu nở không đồng đều. Lão nông trồng hoa trải qua 20 mùa hoa Tết thấm biết bao mùa hoa cười người khóc khi hoa nở quá sớm hay khi hoa ngậm cười nên không khỏi hồi hộp theo sự nở tàn, thắm phai của đời hoa.
“Tuy năm nay, hầu hết các hộ trồng hoa ở Dương Sơn trong đó có gia đình tôi bỏ chi phí đầu tư cao gấp đôi các năm khác do sâu bệnh tuy nhiên dự kiến giá hoa bán ra không tăng. Nếu tăng cũng ở mức nhẹ từ 10.000 – 20.000 đồng/cặp cúc”, ông Dạn tỏ bày..
Hai năm đại dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ hoa ở làng gián đoạn. Nhiều mối thương lái thường lấy hàng ở Dương Sơn đã tìm đến các tỉnh khác như Bình Định, Huế nên năm nay bà con phải kết nối, tìm kiếm các mối mới. Việc đầu ra không ổn định cũng khiến nhiều gia đình lo lắng.
Ông Dạn nhìn những chậu cúc tâm tình thêm: “Với nụ xanh và thời tiết hiện tại rồi cũng sẽ lắm kẻ khóc người cười. Những chậu ra còn quá xanh đang chưa nở đều khả năng không nở kịp Tết. Mong thời tiết sẽ ấm dần lên”.
Trên đường làng, thấp thoáng có đôi ba xe ba gác, xe bán tải đến để chở mùa xuân về phố. Chúng tôi bắt gặp lác đác một vài thương lái và những người yêu hoa ghé làng để tự mình chọn hoa. Chúng tôi cũng lựa mua cho mình những chậu hoa đến thì sắp nở, giá chỉ từ vài chục ngàn đến trăm ngàn về để ủng hộ cho bà con Dương Sơn "thuận buồm xuôi gió" trong mùa hoa mới, thấy như không khí xuân cùng đang theo về.
Bảo Hòa