'Vàng thau lẫn lộn', tỏi Lý Sơn sẽ được truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain
Thăm "vương quốc tỏi"
Chúng tôi rời cảng Sa Kỳ sầm uất, theo mũi thuyền ra đảo khám phá vùng đất núi lửa cũ.
Mất khoảng 30 phút lênh đênh, màu xanh mướt của tỏi Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã hiện ra trước tầm mắt. Đó là tinh hoa kết tặng từ sỏi núi Thới Lới đến cát biển trắng phủ lên mặt ruộng đất bazan, tạo nên "vương quốc tỏi" giữa huyện đảo Lý Sơn vốn có nhiều cảnh hoang sơ, tươi đẹp. Thổ nhưỡng đặc biệt qua bàn tay người dân lam lũ và tập quán canh tác độc đáo tạo dựng thương hiệu hàng trăm năm.
"Tháng 9 hàng năm trời trở tiết gió thu, mát mẻ là khi người dân bắt đầu tách tép, lấy từng nhánh, bóc vỏ để gieo, trồng đến tháng 2 âm lịch sẽ thu hoạch", bà Nguyễn Thị Hiếu (48 tuổi, Quảng Ngãi) chia sẻ.
Năm 1980, nhà văn Nguyễn Thành Long lần đầu tiên đưa hình ảnh tỏi Lý Sơn đi vào bối cảnh truyện ngắn "Lý Sơn, mùa Tỏi". Ông miêu tả đầy quyến rũ về hương vị dịu thơm, cay nhẹ không hăng, nồng, cay xé lưỡi và giá trị nhất là tỏi 2 nhánh còn gọi là tỏi "mồ côi", tỏi "cô đơn". Tỏi đi vào đời sống tinh thần người dân và nổi tiếng tự bao giờ
Mỗi gia đình xưa chỉ trồng tỏi Lý Sơn từ vài chục đến khoảng trăm m2 bởi không đủ sức, điều kiện để sản xuất trên diện tích rộng. "Thời miền Nam chưa có vùng nào trồng tỏi, miền Bắc và miền Trung trồng với quy mô nhỏ, lẻ. Giá trị vài chục kg tỏi Lý Sơn đổi ra được 1 chỉ vàng vào những năm 1983 – 1984", bà Hiếu cho hay.
Trải qua năm tháng, tỏi Lý Sơn dần định hình trong tâm trí người tiêu dùng. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tỏi Lý Sơn, do UBND huyện Lý Sơn quản lý, mở ra cơ hội nâng tầm thương hiệu cho sản vật này.
Tất bật chạy những đơn hàng cuối năm, chúng tôi sắp xếp hẹn mãi mới có dịp trò chuyện với ông Phạm Văn Công (xã Vĩnh Sơn, huyện Lý Sơn).
Ông Công nhớ lại quá trình bỏ TP.HCM về quê lập nên công ty Cổ phần Dori với nhãn hiệu "Vua tỏi Lý Sơn" bằng niềm tin mãnh liệt và khát vọng giữ nguyên vị tỏi đảo Ré (tên gọi của Lý Sơn trước đây). "Duyên nghiệp đó mãi đuổi theo tôi, cả trong giấc ngủ", ông Công cười và nói.
Qua cảm quan, nhìn tỏi Lý Sơn tép bé hơn về cả trọng lượng, đường kính, chiều cao. Vỏ tỏi Lý Sơn mỏng, láng, trơn chứ không nổi đường vân vàng. Đáy rễ và thân trên hình dáng khác hẳn. Tỏi Lý Sơn sẽ thơm, đậm vị, còn những tỏi khác nhạt, không thơm, hay tỏi Thái Lan sẽ cay hơn. Một số loại khác như tỏi Khánh Hòa, Ấn Độ, Trung Quốc có cảm giác nước nhiều, giống với tỏi Lý Sơn nhất là những loại giả, nhái nhiều nhất. Cùng với hai cách trên, về yếu tố lý hóa, các hàm lượng tinh dầu khác biệt cũng sẽ là công cụ pháp lý xác định hàng giả nhái, giả.
Theo ông Phạm Văn Công "Vua tỏi Lý Sơn", tỏi Lý Sơn chính hiệu được phân biệt dựa trên ba yếu tố.
Từ tâm huyết, ông Công nhanh chóng phát triển đưa sản phẩm của Dori vào hệ thống siêu thị buổi đầu khởi nghiệp. Thế nhưng, ông luôn mang nỗi niềm: "Tất cả khách hàng đến với công ty tôi đều hỏi: Đây có phải là tỏi Lý Sơn hay không? Qua đó thấy người tiêu dùng có nhiều lo ngại về nguồn gốc của giống tỏi này".
Khi một thương hiệu bị gán mác nhiều hàng giả, nhái
"Khi nổi tiếng rồi, câu chuyện gian lận bắt đầu xảy ra", ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn chia sẻ. Nhiều chiêu trò lạm dụng, giả danh thương hiệu xâm hại nghiêm trọng đến danh tiếng và hình ảnh tỏi Lý Sơn, ảnh hưởng đời sống người nông dân sản xuất tỏi.
Là người "lên bờ xuống ruộng" với tỏi, ông Công càng thấm thía nỗi đau hàng giả, hàng nhái tỏi Lý Sơn bát nháo thị trường. "Không chỉ trà trộn, thực tế hiện nay có nơi dùng 100% loại tỏi không phải của Lý Sơn để bán và nói đó là tỏi Lý Sơn", ông Công chua xót nói.
Những chuyến tàu từ lén lút đến công khai bán hàng nhái, hàng giả. Có nhiều đợt, các cơ quan chức năng Lý Sơn liên tục phát hiện hàng chục trường hợp tỏi từ nơi khác được vận chuyển ngược ra đảo, rồi từ đảo bán đi cả nước dưới danh nghĩa tỏi Lý Sơn. Biết vậy, song việc nhập tỏi về đảo dưới hình thức như một hàng hóa thông thường gây khó khăn trong công tác xử lý.
"Tôi nhiều khi hoa mắt vì ở đâu chào bán cũng nói đây là tỏi Lý Sơn. Nhưng mức giá khác nhau rất nhiều", chị Vương Hải Yến (du khách Hà Nội) nói. Người tiêu dùng thường không đủ thời gian, kiên nhẫn và kiến thức tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ nên đa phần chọn mua hàng rẻ.
Từ sự nhầm lẫn của người tiêu dùng, người kinh doanh chân chính ảnh hưởng cực lớn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng so với trước đây. Người tiêu dùng nghĩ đang mua ủng hộ người dân Lý Sơn, thực tế họ mua nhầm. Được biết, tỏi Lý Sơn có giá 120 ngàn đồng/kg, còn tỏi Khánh Hòa bán với tên gọi Lý Sơn cũng chỉ chênh giảm 10 – 20 ngàn đồng/kg.
"Nguy hiểm hơn, vừa qua, tôi tham gia một số hội chợ OCOP, hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam tại các tỉnh phía Bắc bày bán tỏi gắn thương hiệu tỏi cô đơn Lý Sơn. Nhưng khi phản ánh sự việc, đại diện đoàn có đi kiểm tra nhưng chưa có biện pháp mạnh nào xử lý hoặc vượt thẩm quyền giải quyết", ông Công đau đáu nghĩ.
"Cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên, liên tục hàng tuần, hàng ngày từ siêu thị đến người buôn bán lẻ dọc đường, điểm du lịch từ đó có biện pháp, khuyến nghị phù hợp ngay tại các bên tàu", ông Công tha thiết đề xuất.
Việc quản lý gặp nhiều khó khăn do mới mẻ, để phòng chống hàng giả, hàng nhái, huyện Lý Sơn đang xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain, triển khai dùng tem truy xuất nguồn gốc chống giả ma trận, in màu chống nước.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn và chuyên sâu cho cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển tài sản trí tuệ. Tiếp tục thực hiện một số đề án về khoa học - công nghệ để bảo vệ và khai thác tốt tỏi Lý Sơn", ông Trần Công Hòa – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Quảng Ngãi khẳng định.
Đến nay, huyện tiếp nhận 12 hồ sơ đăng ký và dự kiến cuối năm 2022 sẽ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Sau khi Dori rút khỏi siêu thị vì khó cạnh tranh với dòng sản phẩm giá thấp năm 2015 khiến doanh thu sụt giảm đến 80% và nhiều khó khăn, ông Công triển khai thêm mô hình trồng tỏi theo hướng VietGap, hữu cơ. Sản phẩm của Dori dần trở lại với thị trường siêu thị cao cấp ở TP.HCM và các tỉnh nội địa. Thế nhưng, ông hiểu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý - "mỏ vàng" tỏi Lý Sơn vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa khai thác xứng tầm.
Ông Công không khỏi buồn lòng: "Đôi khi chúng tôi cảm thấy thật cô đơn trên con đường mình đi. Nhiều người bây giờ đã chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không quan tâm tới thương hiệu của cả một vùng quê".
Bảo Hòa