Bình Định: Tái hiện hào khí Tây Sơn, kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tổ chức dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt (thuộc Bảo tàng Quang Trung), cùng nhau ôn lại những chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn.
Trước đó, đoàn đại biểu đã thành kính dâng hương tại khu tâm linh Đài Kính Thiên ở núi Ấn, thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường; tại Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt ở Di tích Gò Lăng (huyện Tây Sơn) và tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng về cội nguồn, tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn đã lập nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh, Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dậy non sông cách đây đã 235 năm nhưng mỗi mùa xuân đến, nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn bồi hồi nhớ lại chiến công thần tốc năm ấy dưới sự chỉ huy tài ba của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Càng xúc động, tự hào và ý nghĩa biết bao khi kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức trên chính quê hương Tây Sơn Tam Kiệt. Đây không chỉ là dịp để ôn lại tinh thần của cuộc tiến công thần tốc và chiến tích chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, mà còn làm sống dậy hào khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của các vị tướng lĩnh kiệt xuất, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Theo ông Thanh, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 và cũng là năm đầu tiên Bình Định tập trung triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những bước tiến thần tốc, táo bạo đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lẫy lừng vào mùa xuân huyền thoại năm 1789. Năm nay, cũng với tinh thần ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Định sẽ tăng cường đoàn kết, đồng tâm nhất trí, đổi mới trong cách nghĩ, quyết liệt trong cách làm. Đồng thời phấn đấu xây dựng Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung như Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Tại lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Ban Tổ chức đã sử dụng các phân cảnh tái hiện hào khí Tây Sơn, đặc biệt là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đó là chiến thắng được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của phong trào nông dân kết hợp với truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, chiến thắng của quyết tâm và ý chí “Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Tây Sơn” có 3 nội dung: Tây Sơn tụ nghĩa; Ngọc Hồi - Đống Đa, bản hùng ca bất tử; Viết tiếp bản hùng ca, với sự tham gia của hơn 400 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, võ sư, võ sinh Bình Định biểu diễn.
Phần 1 mở đầu bằng hoạt cảnh tái hiện bối cảnh xã hội đất nước ta vào thế kỷ XVIII, với nhiều biến loạn; ở Đàng Ngoài họ Mạc lập giang sơn riêng, Chúa Trịnh lấn át Vua Lê; ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, ở Bình Định có khởi nghĩa Chàng Lía đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức dân gian.
Ở phần 2 chương trình là những hoạt cảnh tái hiện chiến công hiển hách trận Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Thanh Vân