SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 04/12/2024
  • Click để copy

Bảo hộ an toàn dữ liệu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI)

15:29, 20/06/2023
(SHTT) - Để có thể số hóa thành công, mọi doanh nghiệp đều phải làm tốt khâu xây dựng và bảo mật dữ liệu bởi dữ liệu trong nền kinh tế tương lai chính là nguồn nhiên liệu chính giúp nhà kinh doanh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển.

 Chúng ta đang ở thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0 với kinh tế số là một trong những chân kiềng giúp doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách và hội nhập vào chuỗi công nghệ toàn cầu nhằm tạo ra các giá trị to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Để có thể số hóa thành công, mọi doanh nghiệp đều phải làm tốt khâu xây dựng và bảo mật dữ liệu bởi dữ liệu trong nền kinh tế tương lai chính là nguồn nhiên liệu chính giúp nhà kinh doanh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển.

Kinh tế số có thể hiểu là hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các kết nối trực tuyến hàng ngày giữa mọi người, doanh nghiệp, thiết bị, dữ liệu và quy trình. Nó bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số để tạo, xử lý, phân phối hàng hóa và dịch vụ. Kinh tế số ngày càng quan trọng trong thế giới ngày nay, khi ngày càng có nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…, được số hóa; từ mua sắm trực tuyến đến phương tiện truyền thông xã hội và thực tế ảo.

Một trong những đặc điểm chính của kinh tế số là tầm quan trọng của dữ liệu. Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, chuyển đổi số quốc gia cần gắn liền chặt chẽ với "tài nguyên đầu vào" là công nghệ số và dữ liệu số.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hiệp hội Internet Việt Nam, dữ liệu trên Internet ngày nay đã trở thành mạch máu của nền kinh tế và là động lực cho sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu trên Internet một cách thông minh có thể tạo tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Và ở trên thế giới, việc xây dựng và bảo vệ dữ liệu an toàn đã được nhiều tập đoàn chú trọng. Để hiểu rõ hơn vai trò của dữ liệu trong nền kinh tế tương lai, cũng như cách thức bảo vệ dữ liệu an toàn Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo xin mời bạn đọc tham khảo các ý kiến về vấn đề này được tác giả James Nurton đưa ra trong bài viết được đăng tải trên trang chủ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) dưới đây!

Dữ liệu có sức mạnh khiến các sản phẩm và dịch vụ đổi mới, cải thiện xã hội và giải quyết các thách thức về sức khỏe và môi trường nhưng cần phải làm gì để có thể cân bằng giữa việc trích xuất giá trị từ dữ liệu với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các quyền khác.

Bạn đã có gì cho bữa sáng nay? Bạn cao bao nhiêu? Áp suất lốp xe của bạn là bao nhiêu? Lần cuối cùng bạn mua sắm trực tuyến là khi nào? Dấu vân tay di truyền của bạn là gì? Luôn có dữ liệu trong mọi khía cạnh cuộc sống, và trong vài năm qua, khả năng lưu trữ và phân tích dữ liệu của chúng ta đã tăng lên theo cấp số nhân. Điều đó đặt ra những câu hỏi phức tạp như: Làm thế nào để bạn định giá được dữ liệu, làm thế nào để trích xuất được giá trị đó, làm thế nào để chia sẻ nó một cách an toàn và những quyền nào cần được công nhận và bảo vệ?

Các công nghệ tiên phong bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật và khoa học người máy, và những công nghệ này ước tính sẽ trở thành thị trường có giá trị 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

1

Phiên thứ tư trong Cuộc đối thoại của WIPO về IP và các Công nghệ tiên phong, mang tiêu đề “Dữ liệu – Bên kia AI trong một thế giới kết nối hoàn toàn”, vào tháng 9 năm 2021, đã thảo luận về sự tương tác giữa IP và Dữ liệu. (Ảnh: WIPO) 

Đã có hơn 1.600 người từ 130 quốc gia đã đăng ký tham gia vào Phiên thứ tư trong Cuộc đối thoại của WIPO về IP và các Công nghệ tiên phong, mang tiêu đề “Dữ liệu – Vượt xa AI trong một thế giới kết nối hoàn toàn”, vào tháng 9 năm 2021. Trong 5 giờ thảo luận xoay quanh vấn đề bảo vệ và quản lý dữ liệu, vai trò của dữ liệu trong trí tuệ nhân tạo và làm cách nào để cân bằng giữa quyền truy cập và kiểm soát, với các ví dụ về cách sử dụng dữ liệu trong nghiên cứu và kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc WIPO, Daren Tang, cho biết, quá trình số hóa đã được đẩy nhanh nhờ đại dịch COVID-19: dự kiến sẽ có 43 tỷ thiết bị được kết nối với mạng Internet vạn vật vào năm 2023, và có hơn 1 triệu thuê bao 5G mới mỗi ngày.

Ông nhận định: “Nếu số hóa là động cơ của nền kinh tế tương lai, thì dữ liệu chính là nguồn nhiên liệu của nó”. Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng 60% dân số thế giới hiện đang trực tuyến: “Khả năng kết nối ngày càng tăng lên và luồng dữ liệu thu được đang thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên phong. Trong thế giới liên kết này, điều quan trọng là chúng ta hiểu được bản chất của dữ liệu và giá trị của nó”.

2

“Nếu số hóa là động cơ của nền kinh tế tương lai, thì dữ liệu chính là nguồn nhiên liệu của nó,” Tổng giám đốc WIPO Daren Tang (ở trên) cho biết tại Phiên đối thoại thứ tư về chủ đề IP và các công nghệ tiên tiến vào tháng 9 năm 2021. (Ảnh: WIPO/Berrod) 

Giá trị của dữ liệu

Một ví dụ nổi bật về sức mạnh của dữ liệu đã được đưa ra bởi Dean Jolliffe của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, Dean cho biết: “Năm 1999, cơn lốc xoáy có tên BOB 06 đã tàn phá bang Odisha của Ấn Độ, giết chết gần 10.000 người. Để đối phó với tình huống tương tự, cơ quan quản lý thảm họa nhà nước được giao nhiệm vụ thu thập, đánh giá và phân tích các dữ liệu về thời tiết. Trước khi một cơn lốc xoáy tương tự lại tấn công Odisha vào năm 2013, hơn 1 triệu người đã phải sơ tán và nhờ đó hàng nghìn người đã được cứu sống..”

Trường hợp của Odisha cho thấy giá trị của dữ liệu – mặc dù dữ liệu đã được thu thập và theo dõi trong nhiều năm – có thể tăng lên như thế nào khi áp dụng tính chính xác: “Nhờ được xây dựng thành một hệ thống mà dữ liệu có thể dễ tương tác và truy cập hơn và cho phép truyền đạt các lệnh tìm kiếm theo các cách kịp thời và dễ hiểu. Những dữ liệu như thế này trở nên vô giá”.

Với các thiết bị và cảm biến thông minh hiện có ở khắp nơi, dữ liệu có thể biến đổi mọi khía cạnh của doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, bà Aruba Khalid, Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của tổ chức Dubai Future Foundation ở UAE cho biết: “Giá trị của dữ liệu phụ thuộc rất nhiều vào những hiểu biết mà nó được sử dụng để hình thành nên quy mô mà những hiểu biết đó được áp dụng”.

Bà Khalid nói rằng dữ liệu có thể được sử dụng để hợp lý hóa các hoạt động và cải thiện hiệu suất chi phí (ví dụ: nhà sản xuất máy bay Airbus đã cắt giảm được thời gian giao hàng của nhà cung cấp từ vài tuần xuống chỉ còn vài giờ bằng cách chia sẻ với họ dữ liệu thiết kế và kỹ thuật). Dữ liệu cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên việc tạo ra các sản phẩm phù hợp (chẳng hạn như Amazon, Netflix và Facebook). Đồng thời, nó cũng có thể tạo ra các lĩnh vực và doanh nghiệp hoàn toàn mới mà nếu không có nó thì không thể tưởng tượng được ra: các ví dụ bao gồm tất cả các ngành công nghiệp dựa vào dữ liệu từ thông tin vệ tinh và lĩnh vực mới nổi của y học chính xác.

3

Với các thiết bị và cảm biến thông minh hiện có ở khắp nơi, dữ liệu có thể biến đổi mọi khía cạnh của doanh nghiệp và xã hội. (Ảnh: metamorworks/iStock/Getty Images) 

Giá trị về mặt tài chính và xã hội

Những ví dụ nêu trên đã cho thấy, các sản phẩm sáng tạo thường yêu cầu dữ liệu từ nhiều nguồn được kết hợp và dựng nên các rào cản có thể ngăn giá trị này được thực hiện.

Diane Coyle, Giáo sư Bennett về Chính sách công tại Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh, lập luận rằng việc chia sẻ dữ liệu không những cần thiết mà còn có cả những tranh luận để một số dữ liệu nhất định được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Dữ liệu có giá trị về mặt tài chính nhưng cũng có giá trị cả về mặt xã hội. Tuy nhiên, vì nó khó có thể đong đếm và có thể không mấy thu hút các nhà đầu tư tư nhân, do đó, các chính phủ trong một thời gian dài đã cung cấp loại các dữ liệu như số liệu thống kê quốc gia dưới dạng hàng hóa công cộng.

Vì dữ liệu có giá trị nhất khi nó được tích lũy nên Jiro Kokuryo, Giáo sư tại Khoa Quản lý Chính sách tại Đại học Keio, Nhật Bản, đã đặt câu hỏi liệu cách tiếp cận kiểu phương Tây đối với quyền sở hữu dựa trên quyền sở hữu tư nhân có thể ít phù hợp hơn so với các nguyên tắc cởi mở đang được áp dụng tại khu vực Á Đông hay không.

Theo những lý thuyết này, dữ liệu tốt nhất có thể được hiểu là dữ liệu thuộc về toàn xã hội chứ không phải thuộc về cá nhân nào. Giáo sư Jiro nói: “Chúng tôi nhấn mạnh đến sự hài hòa và tôn trọng, thay vì sự tự chủ và các quyền cá nhân độc lập”. Hoặc có thể tìm ra cách thứ ba, liên quan đến sự trung thành với bất kỳ người nào cung cấp dữ liệu gốc?

Giáo sư Kokuryo cho biết: “Chúng ta cần suy nghĩ về các đặc tính nào mà nền kinh tế kỹ thuật số nên có”.

Có cấu trúc và khả năng tương tác

Khả năng tích lũy lượng dữ liệu khổng lồ (big data) tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng của chúng ta như khả năng kết nối của các thiết bị và các kho lưu trữ giá rẻ hơn và tốc độ băng thông cao hơn.

Tổng giám đốc WIPO cho biết, 90% lượng dữ liệu trên thế giới đã được tạo ra trong hai năm qua và mỗi ngày lượng dữ liệu được tạo ra lớn hơn 2.500 lần so với lượng dữ liệu được lưu trữ trong Thư viện vương quốc Anh. Tuy nhiên, quy mô của dữ liệu này đặt ra những thách thức riêng như: Làm cách nào để xác định dữ liệu có liên quan và làm cách nào để chúng ta thúc đẩy khả năng tương tác, đảm bảo tính công bằng và toàn diện, đồng thời giảm thiểu sự thiếu hiệu quả trong việc chia sẻ?

4

Khả năng tích lũy lượng dữ liệu khổng lồ (big data) tùy thuộc cơ sở hạ tầng, khả năng kết nối và tốc độ băng thông rộng (Ảnh: sefa ozel / E+ / Getty Images) 

Ví dụ, trong lĩnh vực y tế, dữ liệu y tế có thể rất hiệu quả trong việc chẩn đoán hoặc dự đoán bệnh, nhưng chỉ khi nó được kết hợp với các thông tin khác. Một số dữ liệu có thể giữ nguyên giá trị ngay cả sau khi nó được sử dụng, nhưng một số – chẳng hạn như dữ liệu về giao thông hoặc thời tiết – có thể giảm giá trị rất nhanh.

Hiểu biết chi tiết về dữ liệu, có tính đến những bối cảnh khác nhau, yêu cầu phải tạo ra dữ liệu có cấu trúc. Dữ liệu này có thể được truyền đi mà không làm mất giá trị của nó, đồng thời là các quy trình để thúc đẩy khả năng tương tác.

Trong bài phát biểu của mình tại phiên đối thoại, ông Kung-Chung Liu, Giáo sư Luật tại Đại học Quản lý Singapore ở Singapore, đã đề xuất một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng dữ liệu để thúc đẩy giao dịch dữ liệu kể cả xuyên biên giới.

Ma trận các quy định  

Các cuộc thảo luận về chia sẻ và giao dịch dữ liệu đặt ra những câu hỏi khó khăn về cách xác định, phân loại và quản lý dữ liệu. Chúng liên quan đến những câu hỏi về bảo mật, đạo đức, quyền riêng tư, quyền sở hữu và các vấn đề khác. Một tập hợp phức tạp các thỏa thuận khu vực và quốc gia để giải quyết những vấn đề này. Nhiều câu hỏi trong đó cũng tập trung đến các quyền căn bản.

Hiện nay, chúng ta đang quá tập trung quá nhiều vào quyền riêng tư, điều này giúp đảm bảo sự an toàn cho cá nhân, tuy nhiên nó cũng sẽ “làm tăng nguy cơ bỏ lỡ những lợi ích có giá trị”. Do đó, chúng ta cũng cần phải tìm giải pháp cho vấn đề nan giải này.

Những giải pháp có thể bao gồm việc đảm bảo rằng dữ liệu chỉ được sử dụng cho một mục đích cụ thể; yêu cầu sự đồng ý cho tất cả các mục đích sử dụng; thiết lập các nguyên tắc như công bằng và đạo đức; hoặc thậm chí tạo ra nghĩa vụ ủy thác của lòng trung thành với cá nhân người cung cấp dữ liệu. Dù giải pháp là gì, dữ liệu cũng cần phải được theo dõi để có thể đảm bảo tính toàn vẹn.

Bên cạnh đó, một khi giải quyết được những vấn đề này, doanh nghiệp và chính phủ  cũng cần lùi lại một bước để cân nhắc về các giá trị thúc đẩy từ việc sử dụng dữ liệu.

Vào tháng 11 năm 2021, Đại hội đồng của UNESCO đã thông qua Khuyến nghị về Đạo đức của Trí tuệ nhân tạo, sau quá trình tham vấn nhiều bên liên quan và ý kiến đóng góp của các quốc gia thành viên. Bản khuyến nghị bao gồm 10 nguyên tắc để đảm bảo rằng “việc phát triển và sử dụng các công nghệ AI được hướng dẫn bởi cả nghiên cứu khoa học phù hợp cũng như sự phân tích và đánh giá về mặt đạo đức”.

Khuyến nghị cũng bao hàm nội dung về dữ liệu cá nhân, chia sẻ và quản trị dữ liệu, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp một khuôn mẫu cho cuộc tranh luận về dữ liệu tiếp diễn.

5

 Các cuộc thảo luận về chia sẻ và giao dịch dữ liệu đặt ra những câu hỏi khó về cách xác định, phân loại và quản lý dữ liệu do hiện nay, hầu hết dữ liệu chưa thể phù hợp với các khung pháp lý hiện có, chẳng hạn như các hệ thống sở hữu trí tuệ (IP) hiện có. (Ảnh: utah778/iStock/Getty Images Plus) 

 Các quyền sở hữu trí tuệ phù hợp vào đâu?

Hầu hết dữ liệu không phù hợp gọn vào các khung pháp lý sẵn có chẳng hạn như các hệ thống sở hữu trí tuệ (IP) hiện có. Theo ông Bret Hrivnak, thuộc Hiệp hội Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (AIPPI): Quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ “những sáng tạo của trí óc” nhưng hầu hết dữ liệu đều không mang tính sáng tạo. Bằng sáng chế có thể bảo vệ các quy trình sử dụng dữ liệu hoặc cách dữ liệu được tạo ra, chứ không phải bản thân dữ liệu, trong khi bảo vệ bản quyền có thể bảo vệ một số loại dữ liệu nhưng thường chỉ ở những trường hợp có cấu trúc và tính nguyên bản.

Ông Hrivnak cho biết: “Các quyền sở hữu trí tuệ này bị hạn chế – giải pháp thay thế là bí mật thương mại và luật về hợp đồng”.

Elisabeth Kasznar Fekete từ một văn phòng luật ở Brazil cho biết, bí mật thương mại cung cấp “một hệ thống linh hoạt” có thể bảo vệ dữ liệu, đồng thời các hợp đồng cũng có thể làm rõ hơn các quy định quyền sở hữu và cấp phép dữ liệu cũng như sự cân bằng giữa các quyền.

Dữ liệu đặt ra những vấn đề phức tạp cho hệ thống IP. Sở hữu trí tuệ có thể đóng vai trò vừa là sự khuyến khích cho đầu tư vào việc tạo dữ liệu, ví dụ như thông qua quyền cơ sở dữ liệu, hoặc là sự cản trở cho việc truy cập dữ liệu, do các điều khoản khai thác dữ liệu và văn bản có giới hạn.

Ở EU, đã có Quyền cơ sở dữ liệu từ năm 1996 để khích lệ cho sự đầu tư vào việc sản xuất ra cơ sở dữ liệu, nhưng phải có sự đầu tư đáng kể vào việc thu thập và tổng hợp dữ liệu mới có thể tạo nên một cơ sở dữ liệu.

Đặt ra câu hỏi “Liệu quyền bảo vệ cơ sở dữ liệu có thể đóng vai trò bảo vệ hợp pháp dữ liệu do AI tạo ra thông qua khai thác dữ liệu không? Quá trình xử lý có được thực hiện bằng cách tạo dữ liệu hoặc thu thập dữ liệu của hệ thống AI không?” Tatiana Eleni Synodinou, Phó giáo sư về Luật tư nhân và thương mại tại Đại học Síp, đã kết luận: “Vẫn chưa rõ ràng liệu luật pháp có bảo vệ các cơ sở dữ liệu kiểu này hay không”.

Khai thác dữ liệu – quá trình trích xuất các bộ dữ liệu lớn – đặt ra một số vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là khi dữ liệu có thể có liên quan hoặc được bảo vệ bởi luật bản quyền. Một số quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, đã cung cấp các ngoại lệ rộng rãi đối với bản quyền cho việc khai thác văn bản và dữ liệu để thúc đẩy sự phát triển của AI. Tuy nhiên, theo luật bản quyền của Hoa Kỳ, việc khai thác dữ liệu có được phép hay không rơi vào trường hợp ngoại lệ sử dụng hợp pháp chung. Tại EU, một điều khoản khai thác dữ liệu và văn bản đã được triển khai cho phép khai thác để nghiên cứu. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa sử dụng thương mại và phi thương mại có thể dẫn đến sự không chắc chắn.

Kết luận: Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh chung

Sở hữu trí tuệ có thể vừa là sự khuyến khích đầu tư vào việc tạo ra dữ liệu, ví dụ như thông qua quyền cơ sở dữ liệu, nhưng cũng sẽ là sự cản trở cho hoạt động truy cập dữ liệu, do các điều khoản hạn chế khai thác dữ liệu và văn bản.

Như vậy, với sự phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng to lớn của trí tuệ nhân tạo (AI) việc hài hòa giữa khai thác dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ với dữ liệu vẫn đang là vấn đề mà nhiều tổ chức, các nhà làm luật, các doanh nghiệp vẫn còn đau đầu đi tìm giải pháp.

Điều này làm nổi bật vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong việc quản lý dữ liệu. Mặc dù nhiệm vụ của WIPO liên quan trực tiếp đến việc phát triển một hệ thống sở hữu trí tuệ công bằng và hiệu quả, nhưng tất cả các phần khác của bức tranh toàn cảnh cần được cân nhắc để đảm bảo cách tiếp cận mạch lạc và nhất quán cho những câu hỏi kiểu này.

– Ths Lê Xuân Trường –

Giảng viên Khoa Điều tra, Học viện Cảnh sát Nhân dân

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Ở tuổi 73, ông Hoàng Thịnh – một nhà sáng chế cho nông dân vẫn “nằm đất ở nhờ” tại quê nhà Thừa Thiên Huế mỏi mong chờ đợi nhìn thấy sáng chế máy sấy khô nông sản của mình đi vào cuộc sống, đóng góp cho quê hương.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Báo cáo NRI 2024 có tên gọi là “Xây dựng tương lai số: Đầu tư công - tư và hợp tác toàn cầu để sẵn sàng số” do Viện Portulans và Trường Kinh doanh Saïd tại Đại học Oxford công bố mới đây cho thấy, Việt Nam xếp thứ 45 về chỉ số sẵn sàng mạng 2024.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Liên hiệp hội tỉnh Thanh Hóa mới đây đã tổ chức họp Ban Tổ chức, Ban Thư ký Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ 14 (2024-2025).
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Từ điển Oxford mới đây đã công bố cụm từ đại diện cho năm 2024 sẽ là Brain rot (tạm dịch: hoại não). Là thuật ngữ mô tả trạng thái suy giảm trí tuệ hoặc tinh thần của một người, đặc biệt là hậu quả của việc nghe hoặc xem quá nhiều nội dung vô bổ trên mạng xã hội.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 03/12/2024, tại Khu Triển lãm nông nghiệp Việt Nam số 489, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Công nghệ vi sinh, khoáng và nước xử lý môi trường trong chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn”.
.
Liên kết hữu ích
..