Tạo giá trị kinh tế, xã hội mới từ dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo
Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Hội nghị là nơi trao đổi về vai trò của dữ liệu mở và xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo trên thế giới, đề ra hành động cụ thể để phát triển dữ liệu mở, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tạo động lực mới trong tăng trưởng kinh tế.
Cổng dữ liệu mở quốc gia khởi động năm 2020 đến nay có 11.000 bộ dữ liệu. Hiện toàn quốc có 13 cơ quan ban hành kế hoạch dữ liệu mở. Theo ông Nguyễn Trọng Khánh - Cục Chuyển đổi số Quốc gia: “Hiện chúng ta đang có chính sách về dữ liệu mở trong chương trình chuyển đổi số quốc gia như: tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển dịch vụ số trong nền kinh tế.”
Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số cũng có những kế hoạch và kết quả cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Huy Dũng - cho biết: “Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia ở Việt Nam. Dữ liệu là yếu tố đầu vào mới, quan trọng nhất và vô tận, động lực mới thúc đẩy chuyển đổi, phát triển kinh tế, phương thức mới để nâng cao năng lực quản lý”.
Theo thứ trưởng, hiện nay trên thế giới, các chính phủ nhận thấy dữ liệu công là nguồn tài nguyên quý giá và cần khai thác hiệu quả. “Mở và chia sẻ dữ liệu cho các bên khai thác giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, xã hội cũng như tăng cường hợp tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân”, ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định.
Tại hội nghị lần này, các diễn giả chia sẻ những tác động tích cực của dữ liệu mở tới tăng trưởng kinh tế, xu thế và kinh nghiệm triển khai, đánh giá, đo lường dữ liệu mở ở quốc tế. Các diễn giả cũng thảo luận về các chính sách, cơ hội, thách thức dữ liệu mở tại Việt Nam. Qua đó, các đại biểu trao đổi về hiểu biết trong việc tối đa hóa giá trị dữ liệu mở nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư phục vụ phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Chuyên gia Toni Eliasz phân tích, ba yếu tố của khế ước xã hội về dữ liệu gồm: Giá trị, công bằng và niềm tin. Trong đó, giá trị đầy đủ của dữ liệu có thể đạt được khi các hệ thống cho phép sử dụng dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau.
Trong đó, dữ liệu mở cần được cân nhắc như một phần của tổ hợp chính sách bao quát hơn cho ngành công nghệ thông tin, khuyến khích phương pháp tiếp cận dữ liệu mở để hỗ trợ nhà nước, các công ty tạo sản phẩm và dịch vụ mới; đảm bảo các cơ quan đổi mới sáng tạo và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tích hợp các thông lệ quốc tế…
Đứng trước xu thế chung, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị mới của dữ liệu, hoàn thiện môi trường pháp lý góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia; xây dựng danh mục tài nguyên dữ liệu trong các ngành để thúc đẩy tích hợp, phát triển và sử dụng dữ liệu liên ngành. Từ đó, tạo ra hệ sinh thái dữ liệu mở hoàn thiện và bền vững.
Hội nghị một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định vai trò của doanh nghiệp hàng đầu với tư cách là chủ thể nghiên cứu và phát triển dữ liệu cần được phát huy đầy đủ. Qua đây, thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ, đưa sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo Việt Nam ra nước ngoài.
Cũng tại hội nghị, Cục Chuyển đổi số quốc gia chia sẻ về Kế hoạch hành động năm Dữ liệu số quốc gia, bao gồm một số nội dung trọng tâm thúc đẩy dữ liệu mở; phát triển phiên bản mới Cổng dữ liệu mở quốc gia data.gov.vn; xây dựng sổ tay hướng dẫn phát triển dữ liệu mở và ra mắt Câu lạc bộ Dữ liệu mở.
Câu lạc bộ Dữ liệu mở sẽ hoạt động như một “Lab” về dữ liệu mở thúc đẩy đối tác công – tư. Câu lạc bộ do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chủ trì. Trong đó, Các thành viên Câu lạc bộ bao gồm: trưởng phó các đơn vị liên quan đến quản lý, quản trị và phân tích dữ liệu; đại diện lãnh đạo Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; các thành viên đang công tác tại các Bộ, Ban ngành. Câu lạc bộ phối hợp công tác chặt chẽ với đơn vị chuyên môn là Cục Chuyển đổi số quốc gia.
Bảo Hòa