SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm: Nhằm xóa dấu vết quy hoạch sai?

12:55, 04/05/2018
Cách nói của giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM về việc mất bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm do di chuyển công sở là rất vô lý, thậm chí khôi hài.
ban-do-goc-quy-hoach-thu-thiem-nham-xoa-dau-vet-quy-hoach-sai
Chưa tìm thấy bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm Ảnh phối cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm 

Bản đồ “thất lạc” là bản đồ nào ?

Những ngày qua câu chuyện thất lạc tấm bản đồ gốc quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Bởi quy hoạch 1/5.000 là quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung có vai trò định hướng phát triển. Trong đó, sẽ rõ ràng là mốc giới, địa giới của các phần đất dành để phát triển hạ tầng đường, cầu, cống, điện, trường học, khu dân cư, cây xanh, hồ nước... Trên cơ sở đó, mới phát triển các quy hoạch phân khu 1/2.000, rồi từ đó mới đến quy hoạch chi tiết 1/500.

Vậy bản đồ quy hoạch 1/5.000 bị mất là bản đồ nào? Được lập từ bao giờ?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch trình Thủ tướng năm 1996. Khi đó, TP HCM xác định vùng đất Thủ Thiêm rất quan trọng nên cân nhắc rất kỹ mọi yếu tố quy hoạch ranh giới.

Trước khi lập quy hoạch, đơn vị thực hiện đã điều tra cơ bản rất kỹ khu vực Thủ Thiêm, sau đó hoàn thành đồ án quy hoạch, hồ sơ cùng với bản đồ tỷ lệ 1/5.000 trình Thủ tướng năm 1996.

Theo quy định, sau khi hoàn tất dự thảo sẽ trình hồ sơ kèm theo bản đồ dự án lên UBND TP HCM xem xét trước trình lên Thủ tướng. Sau khi nhận được dự thảo quy hoạch, Văn phòng Chính phủ rà soát các mặt chuyên môn, thủ tục và lấy ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên – Môi trường ... Cuối cùng Thủ tướng mới ký quyết định phê duyệt dự án.

ban-do-goc-quy-hoach-thu-thiem-nham-xoa-dau-vet-quy-hoach-sai
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết bản đồ Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến giờ này vẫn chưa tìm ra.

Sau khi dự án được phên duyệt, năm 2001 TP HCM có quyết định thu hồi đất, bắt đầu giải tỏa quy mô lớn từ 2002 - 2003. Đến nay có gần 15.000 hồ sơ đền bù, giải tỏa được giải quyết, tỷ lệ đạt gần 100%. 

Căn cứ để TP HCM lý giải việc thu hồi, giải tỏa chính là tấm bản đồ gốc quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng ký ngày 4/6/1996. Tuy nhiên tấm bản đồ này hiện nay đang bị “thất lạc”.

Mấu chốt vấn đề không chỉ nằm ở tấm bản đồ. Thời điểm đó bản đồ này được vẽ tay, chỉ có xác nhận của đơn vị đo vẽ, tư vấn, thẩm định. Nếu có tìm thấy tấm đó cũng chỉ là phác thảo không gian quy hoạch chung.

Tuy nhiên tấm bản đồ lại rất quan trọng bởi nội dung Quyết định 367 của Thủ tướng không đề cập ranh quy hoạch cụ thể, mà chỉ nêu “có kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/5.000”.

Trong khi đó, thời gian qua, nhiều người dân trong diện giải toả đền bù của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP HCM) xúc vì có nhiều giá bồi thường khác nhau từ 15-21 triệu đồng/m2. Mức giá bồi thường 10 năm qua không thay đổi nên người dân đề nghị nâng giá bồi thường ngang bằng các dự án khác. 

Ngoài ra người dân yêu cầu TP HCM phải cung cấp bản đồ quy hoạch 1/5.000 vì cho rằng quy hoạch hiện nay không đúng, vượt diện tích được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy do tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm không còn đồng nghĩa việc UBND TP HCM không trả lời cho người dân về cơ sở nào đưa ra bản đồ chi tiết 1/2.000 và 1/500. Qua đó không thể quản lý dự án toàn diện từ khâu duyệt chi tiết, bồi thường, giải tỏa. 

Vi phạm nghiêm trọng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM bình luận, tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước khi trình Thủ tướng Chính phủ được đưa qua rất nhiều đơn vị phê duyệt, ký tên thẩm định trong đó có Kiến trúc sư trưởng (hiện nay Sở Quy hoạch kiến trúc), UBND TP HCM, Bộ Xây dựng…, qua đơn vị nào phê duyệt, thẩm định thì đơn vị đó đều phải lưu trữ.

“Một công ty nhỏ như chúng tôi khi làm dự án trình hồ sơ cũng lên đến 11 bộ hồ sơ trình cho 11 đơn vị. Vì thế không thể nào nói mất bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được. Nói như vậy rất phi lý

Cách nói của giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM về việc mất bản đồ do di chuyển, dời công sở…nên mất là rất vô lý, thậm chí khôi hài”, ông Đực nhận định.

2_111399
Theo ông Nguyễn Văn Đực, cách nói của giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM về việc mất bản đồ do di chuyển công sở là rất vô lý, thậm chí khôi hài.

Theo ông Đực, bản đồ quy hoạch 1/5.000 của Khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1996 chỉ hơn 600 héc-ta. Nhưng không hiểu vì sao TP HCM lại giải tỏa hơn 900 héc-ta, tức vượt 50%, đây vấn đề rất lớn.

“Như vậy việc giải tỏa hiện nay vi phạm pháp luật, trái với phê duyệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Lỗi này có thể nói cực kỳ lớn. Thanh tra Chính phủ trước đây nhiều lần vào thanh tra nhưng không phát hiện ra, bây giờ mới đưa ra lý do mất bản đồ. Mất bản đồ để cơ quan quản lý chứng minh không phạm lỗi.

Hiện nay người ta khăng khăng bản đồ 2005 là đủ thẩm quyền nhưng bản đồ 2005 từ đâu mà ra, lý do làm sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký năm 1996 mà bản đồ lại quy hoạch năm 2005. Ai người ký duyệt bản đồ đó. Việc khăng khăng nói bản đồ 2005 là chuẩn mà trong khi người dân đòi bản đồ 1996 lại không có”, ông Đực nêu quan điểm.

Liên quan đến những khiếu nại của người dân Thủ Thiêm, trả lời báo chí ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), cho rằng UBND TP HCM cần phải trả lời thật với dân trong việc để thất lạc bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định số 367/1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, cho đến nay đang có khoảng hơn 100 hộ dân Thủ Thiêm khiếu nại về việc thu hồi đất nhưng không thể hiện ranh trong quy hoạch.

 “Những khiếu nại này đã xảy ra cách đây từ rất lâu, địa phương không giải quyết nên người dân ra Trung ương. Từ khiếu nại, họ đã bắt đầu chuyển sang tố cáo rất gay gắt”, ông Nguyễn Hồng Điệp cho hay.

Trước đó, Ban Tiếp dân Trung ương đã có đề xuất Thanh tra Chính phủ lập đoàn kiểm tra nhưng thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành cuộc thanh tra về việc quản lý đất đai, dự án trên địa bàn theo kế hoạch, nên đề xuất này chưa được Tổng thanh tra Chính phủ chấp thuận.

Cũng theo ông Điệp, cho đến nay, việc thanh tra đã kết thúc nhưng chưa ban hành kết luận và trong thời gian này người dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo gây sức ép rất lớn tới Ban Tiếp công dân Trung ương.

Hoàng Lâm

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 22 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo phối hợp với Liên đoàn Cờ Đà Nẵng tổ chức “Giải cờ vua các vận động viên chuyên nghiệp TP Đà Nẵng mở rộng lần thứ IV năm 2024 – Tranh cúp Sở hữu trí tuệ”, diễn ra vào ngày 18 – 19/5.