SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 20/05/2024
  • Click để copy

Áp lực chuyện lì xì ngày Tết

18:22, 28/01/2024
Từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhưng phong tục lì xì ngày Tết đang dần mất đi ý nghĩa khởi nguyên mà biến tướng thành "áp lực vô hình" đối với nhiều người.

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho cả người tặng và người nhận trong năm mới. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong đựng số tiền nhỏ tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập mà người lớn muốn gửi đến người trẻ.

Tuy nhiên, ý nghĩa phong bao lì xì đang dần mất đi những nét đẹp vốn có của nó. Thậm chí, lì xì đang trở thành áp lực vô hình đối với nhiều người.

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. (Ảnh minh họa)

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. (Ảnh minh họa)

Áp lực vô hình mang tên lì xì

Khi Tết đến vốn đã phải chi tiêu quá nhiều thứ, nhiều người càng mệt mỏi hơn khi suy nghĩ đến số tiền phải bỏ ra cho việc lì xì. Đặc biệt với những người đi làm, người có gia đình mà thu nhập trung bình, phong tục này dường như đã trở thành một áp lực.

Tùy theo mức thu nhập, điều kiện kinh tế cũng như số lượng thành viên trong gia đình, mỗi người sẽ tiết kiệm một khoản tiền khác nhau cho việc lì xì. Đối với chị Hương Quỳnh (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội), lì xì chính là một áp lực khiến chị không dám ra ngoài tiếp khách đến chúc Tết, do khách đưa theo nhiều trẻ con.

Với thu nhập hơn 8 triệu đồng một tháng, năm nay công ty không có thưởng Tết cho nhân viên khiến việc chi tiêu mùa Tết của chị Quỳnh càng trở nên khó khăn "Chỉ riêng biếu bố mẹ và sắm đồ Tết mà tôi đã tốn hơn 5 triệu đồng, đã vậy còn phải tính đến lì xì cho cả chục đứa trẻ con trong nhà, họ hàng. Nếu khách đến chúc Tết mà mang theo nhiều trẻ con, chắc tôi chỉ dám trốn trong phòng chứ không dám ra", chị Quỳnh tâm sự.

Chị Quỳnh kể: "Lúc tôi còn bé, mọi người ở quê chỉ lì xì lấy may, lấy lộc. Tôi còn nhớ khi đó anh chị em tôi được bà ngoại mừng tuổi 500 đồng. Tờ 500 đồng màu hồng đỏ, phẳng phiu, mới cứng, số seri liền kề nhau. Từng đứa một xếp hàng ngay ngắn chờ bà ngoại phát lì xì. Đứa nào đứa nấy mặt cũng tươi cười hớn hở nhận lấy bằng hai tay, lễ phép nói 'con xin'. Nhưng bây giờ, cả trẻ con và người lớn gần như quan tâm đến giá trị đồng tiền hơn là ý nghĩa cầu chúc may mắn của lì xì". 

Khi giá trị đồng tiền nặng hơn giá trị lời chúc, mỗi năm Tết đến, chị Quỳnh lại phải đau đầu suy nghĩ lì xì bao nhiêu cho hợp lý, vì có nhiều người thậm chí ngầm đánh giá tình hình tài chính, địa vị xã hội của người khác thông qua số tiền người đó lì xì. 

"Bây giờ mà mừng tuổi ít thì trẻ con không thích, lại làm mình ngại, thiếu tự tin. Nhưng mừng tuổi nhiều thì thật sự quá tốn kém khi phải lì xì cho hàng chục đứa... Nghe nhiều người kể phải tốn 6, 7 triệu để mừng tuổi trẻ con mà tôi sốc, vì số tiền đó gần ngang với một tháng tôi 'bục mặt' đi làm", chị Quỳnh trải lòng. "Có lẽ vì thế mà tôi sợ thay vì thấy vui khi Tết đến".

Nhiều người ngầm đánh giá tình hình tài chính, địa vị xã hội của người khác thông qua số tiền người đó lì xì. (Ảnh minh họa)

Nhiều người ngầm đánh giá tình hình tài chính, địa vị xã hội của người khác thông qua số tiền người đó lì xì. (Ảnh minh họa)

Đối với những người đã lập gia đình, chuyện tính tiền mừng tuổi cho con cháu trong nhà, họ hàng, con của sếp, đồng nghiệp,... lại càng đau đầu. Từ khi lấy vợ, anh Văn Hùng (30 tuổi, trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đột nhiên mắc bệnh "sợ Tết". 

Với đồng lương công nhân ít ỏi, vợ chồng anh Hùng càng thêm áp lực khi Tết cận kề. Khi mỗi lần về quê đón Tết, vợ chồng anh đôi khi xảy ra tranh cãi về việc quà cáp họ hàng hai bên, lì xì trẻ con nội, ngoại thế nào.

"Các anh chị em nhà nội và ngoại tôi đều có 1 - 2 đứa con, coi như là 'nguồn thu nhập' bù lại chi tiêu ngày Tết. Còn gia đình tôi không có con thì coi như lỗ nếu phải mừng tuổi mấy đứa trẻ con trong họ. Mừng thì tốn mà không mừng thì cũng không ổn", anh Hùng chia sẻ.

Không những thế, việc lì xì "ai nhiều hơn, ai ít hơn" cũng khiến đôi vợ chồng trẻ xảy ra tranh cãi, vô tình tạo nên những điều không hay trong dịp Tết. 

Giữ gìn nét đẹp văn hóa của phong tục lì xì

Nhiều người cho rằng những người không gặp áp lực lì xì chỉ có những người giàu, thu nhập cao. Tuy nhiên thực tế, vẫn còn nhiều người thu nhập trung bình nhưng vẫn lì xì người khác trên tinh thần tự nguyện, không vướng bận bất cứ áp lực nào về "món nợ" mang tên lì xì. 

Đối với chị Kim Ngọc (39 tuổi, trú tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), lì xì là phong tục tặng quà đầu năm mang nặng giá trị tinh thần, động viên, cố kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Là giáo viên tiểu học, chị Ngọc cũng đã tuyên truyền, giáo dục học sinh về ý nghĩa của phong tục này khi Tết đang đến gần.

"Tôi thường dạy các con rằng lì xì là nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến Xuân về, có ý nghĩa lấy may, lấy lộc, cầu chúc may mắn, sức khỏe. Dù giá trị tiền lì xì là bao nhiêu thì đó cũng là lời chúc may mắn, không nên đặt nặng vật chất", chị Ngọc nói.

Mỗi tháng, đồng lương giáo viên chỉ cung cấp cho chị Ngọc vài triệu đồng, nhưng chị vẫn vui vẻ lì xì cho con cháu trong nhà cũng như con của đồng nghiệp. Chị Ngọc cho biết: "Có nhiều mừng nhiều, có ít mừng ít. Tôi cũng dạy các con không nên làm các hành động như chê bai số tiền lì xì hay trực tiếp mở bao lì xì ra trước mặt người tặng, vì như vậy sẽ là mất lịch sự".

Empty

Đồng quan điểm với chị Ngọc, anh Khắc Tuấn (40 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết: "Lì xì ngày Tết cho con cháu để động viên các cháu học giỏi, chăm ngoan. Còn lì xì cho ông bà, bố mẹ là một cách để chúc sức khỏe năm mới. Không nên để chuyện tiền bạc chi phối ý nghĩa tốt đẹp này của phong tục lì xì".

Anh Tuấn hiện làm nhân viên giao hàng cho một công ty chuyển phát nhanh. Anh và vợ thống nhất chi ra khoảng 60% thu nhập trung bình hằng tháng để biếu ông bà, bố mẹ nội ngoại hai bên, cũng như để mừng tuổi cho trẻ con trong nhà. Số tiền còn lại, vợ chồng anh dùng vào chi tiêu thức ăn, quần áo, đồ trang trí nhà cửa,... trong ngày Tết.

"Tết Nguyên đán là Tết Đoàn viên sum họp gia đình mà, đi làm cả năm để mang tiền về cho gia đình là điều đương nhiên", anh Tuấn chia sẻ quan điểm. "Tôi lì xì cho ông bà và con cháu, đổi lại tôi nhận được những lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn chân thành cũng quá đủ cho một ngày Tết trọn vẹn rồi".

Chia sẻ suy nghĩ về chuyện lì xì, em Thanh Xuân (11 tuổi, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: "Bọn em ai cũng thích lì xì hết. Người lớn lì xì bao nhiêu bọn em cũng thích. Mẹ em bảo người lớn quý mình mới mừng tuổi cho mình, nên mỗi khi được lì xì em thích lắm. Được lì xì xong em còn biết cảm ơn, biết chúc sức khỏe lại các cô chú ấy nữa".

Lì xì sao cho đúng?

Giá trị văn hóa truyền thống của việc lì xì dịp đầu Xuân vẫn còn được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ cho đến nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách lì xì sao cho đúng với ý nghĩa truyền thống văn hóa.

Không dùng bao lì xì khác màu đỏ và vàng

Hiện nay, các mẫu bao lì xì với thiết kế độc đáo, ấn tượng, in những câu nói bắt trend như “Bao nhiêu hạt thính, bấy nhiêu lì xì”, “Ai lì xì không quan trọng, quan trọng là bao nhiêu”,... đang được ưa chuộng bởi sự độc lạ, thú vị. 

Tuy nhiên theo quan niệm xưa nay, màu đỏ và màu vàng của bao lì xì mới tượng trưng cho may mắn và tài lộc đầu năm mới. Người xưa quan niệm bao lì xì phải là bao đỏ để ứng với sự tích bao lì xì. Bên cạnh đó bao lì xì màu đỏ còn là biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc đến nhà.

Tránh số 4

Tiền lì xì ngày Tết cần phải tránh số 4 như 40 ngàn, 400 ngàn, bởi theo quan niệm dân gian, số 4 đọc là "tứ", phát âm gần giống chữ "tử", mang đến điềm không tốt nên người ta rất kỵ số này.

Con số thích hợp để lì xì là số 8 ý nghĩa là phát tài phát lộc. Có thể lì xì những con số mang ý nghĩa may mắn là 68, 86, 99,...

Tránh lì xì tiền cũ

Khi lì xì bạn cần phải dùng tiền mới bởi năm mới mọi người đều mong muốn những gì đã cũ thì trôi qua và tiếp nhận những gì mới mẻ. Bên cạnh đó tiền cũ đặt trong bao lì xì mang lại âm khí xấu. Chính vì thế mà dịp cuối năm mọi người thường đi đổi tiền mới là như vậy.

Không lì xì tiền lẻ

Để số tiền chẵn trong bao lì xì với hàm ý một năm đầy đủ, trọn vẹn. Tương tự khi bạn đi đám cưới, đám tiệc cũng sử dụng tiền chẵn. Có khi người ta còn chuẩn bị số tiền ứng với phát tài phát lộc như 168.000 hay 188.000 đồng.

Không nhận lì xì bằng một tay

Khi nhận lì xì dù là người lớn hay nhỏ hơn đều phải nhận bằng hai tay để bày tỏ sự tôn trọng với người tặng.

Không vòi thêm lì xì

Nhất là những đứa trẻ thường hay vòi thêm lì xì từ ông bà, cha mẹ, điều này là bất kính cùng với đó là làm mất đi ý nghĩa truyền thống của bao lì xì ngày đầu năm.

Không mở bao lì xì trước mặt người tặng

Việc mở bao lì xì là việc rất riêng tư và khi mở bao lì xì trước mặt người tặng được xem như là hành động bất lịch sự, xem nặng đồng tiền hơn tấm lòng của người tặng.

Tin khác

Tin Tổng hợp 7 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 10 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 10 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.