SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Viện phí tăng tiếp: Ngành y tế phải nâng cao chất lượng phục vụ

09:09, 13/08/2015
Viện phí hiện mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp cấu thành. Theo lộ trình tăng giá dịch vụ y tế và tiến tới việc chuyển viện phí sang cơ chế giá thị trường vào năm 2020, liên Bộ Y tế - Tài chính đang hoàn thiện để sớm ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế với việc tính thêm yếu tố: phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và tiền lương của nhân viên y tế sẽ khiến viện phí tiếp tục tăng mạnh.

Tăng vì nhiều yếu tố

Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế nếu tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trên thực tế dù đã có sự điều chỉnh nhưng viện phí hiện mới tính một phần chi phí trực tiếp, tương đương với 3/7 yếu tố cầu thành, gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; và duy tu, bảo dưỡng tài sản. Vì thế, trong thời gian tới, liên Bộ Y tế - Tài chính tiếp tục điều chỉnh tăng viện phí.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, thực hiện lộ trình điều chỉnh viện phí, trước mắt là những tháng cuối năm 2015 và năm 2016, viện phí sẽ tính thêm các yếu tố cấu thành gồm: phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và tiền lương của nhân viên y tế. Liên bộ Y tế - Tài chính hiện đã hoàn thiện dự thảo thông tư điều chỉnh giá viện phí mới với hơn 17.500 kỹ thuật và đang xin ý kiến thống nhất giữa các bộ, ngành chức năng để sớm ban hành. Theo đó, nếu việc điều chỉnh giá viện phí mới được thông qua, giá giường bệnh tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/ngày, chi phí phẫu thuật, thủ thuật tăng thêm 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca tùy từng chuyên khoa, loại hình phẫu thuật. Đối với việc tính thêm tiền lương cán bộ y tế vào viện phí, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng nhất, chi phí tiền lương là 140.000 đồng/giường bệnh, trong đó cơ cấu lương bác sĩ 33.000 đồng; điều dưỡng, y tá 86.000 đồng và các chi phí quản lý, gián tiếp 20.000 đồng. Mức giá khám bệnh sau khi được kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương đối với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng nhất là 40.000 đồng/lượt, hạng nhì: 39.000 đồng, hạng ba: 34.000 đồng và hạng tư: 31.000 đồng.

Lý giải việc chi phí phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng cao, đại diện Bộ Y tế cho biết, dù số tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật trên một dịch vụ khá lớn nhưng nếu chia cho một kíp mổ thì lại không lớn. Lãnh đạo một số bệnh viện cũng cho biết, có những ca phẫu thuật phức tạp như: mổ tim, ghép tạng, thay khớp chi phí rất lớn, thời gian phẫu thuật 6 - 7 giờ, nhưng nếu chia đều cho những cán bộ y tế tham gia cũng chỉ vài trăm ngàn đồng một người.

Ảnh hưởng trực tiếp đến 30% dân số

Viện phí tăng sẽ tác động mạnh mẽ trực tiếp nhất tới người bệnh cả về yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, buộc các bệnh viện phải phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người bệnh. Hơn nữa, nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, bệnh nhân BHYT sẽ được hưởng vì chi phí hầu hết được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, về cơ bản, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng đến khoảng 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng và khoảng 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... vì các đối tượng này khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí. Dù vậy, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đối với người cận người nghèo, người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình thì viện phí tăng đồng nghĩa với mức đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tăng lên.    

Đáng lo hơn, tăng viện phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới gần 30% dân số hiện nay chưa có BHYT, tương đương khoảng 26 triệu người nhưng trong đó chủ yếu là người lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo. Do đó, để có thể giảm được gánh nặng viện phí mỗi khi đau ốm, không cách nào khác những đối tượng này sẽ phải tham gia BHYT. Tuy nhiên thực tế, với đối tượng người cận nghèo dù đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới 70% chi phí mua thẻ BHYT mỗi năm, còn lại người cận nghèo chỉ phải đóng khoảng 200.000 đồng/năm để có BHYT nhưng đây lại là bài toán nan giải vì số tiền này với nhiều hộ cận nghèo lại không hề nhỏ.

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức khai trương, phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài; tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên môi trường về kết quả kiểm tra việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu cao bất thường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều ngày 4/5, Chánh Văn phòng, Người pháp ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin về tiến độ chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7.