SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Vẫn còn vướng mắc về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

09:45, 02/05/2013
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới được xem là có nhiều bổ sung cần thiết phù hợp như ngưỡng tính thuế, vấn đề khấu trừ thuế và hoàn thuế... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các quy định trong dự thảo vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ. 

 

Ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TPHCM, phân tích bản chất của thuế GTGT là thuế đánh trên sự tiêu thụ do người mua phải chịu thuế chứ không phải người bán giống như thuế doanh thu trước đây. Do đó, mọi chiếu cố bằng cách quy định càng nhiều đối tượng không chịu thuế chừng nào thì càng gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp (DN) bán hàng chừng nấy, chứ không mang lại ưu đãi cho DN được chiếu cố. Lý do là DN sẽ mất quyền khấu trừ thuế đầu vào của hàng hóa và dịch vụ khi mua vào. Cụ thể như hóa đơn tiền thuê văn phòng, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, internet, văn phòng phẩm... Đối với DN bán hàng hóa và dịch vụ vừa thuộc đối tượng chịu thuế vừa thuộc đối tượng không chịu thuế thì lại phải tốn nhiều thời gian và nhân lực trong việc hạch toán hoặc phân bổ số thuế đầu vào được khấu trừ.


Trên thực tế, việc hạch toán riêng số thuế đầu vào xem như bất khả thi, còn việc phân bổ số thuế đầu vào được khấu trừ theo doanh thu bán hàng hoàn toàn có tính cách tương đối, không phản ánh số thuế được khấu trừ và số thuế phải nộp của DN. Vì vậy, nên giảm đối tượng không chịu thuế từ 25 nhóm như hiện nay xuống càng ít càng tốt. Ngoài ra, về thuế suất theo quy định hiện hành, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.


Dự thảo luật kỳ này đã làm rõ khái niệm xuất khẩu đối với hàng hóa nhưng vẫn chưa giải quyết một cách rốt ráo thế nào là dịch vụ xuất khẩu. Nói cách khác, dự thảo luật chưa giải thích rõ nguyên tắc “nơi tiêu dùng” để làm cơ sở áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu. Do vậy, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn để tránh việc cán bộ thuế tùy tiện giải thích luật, gây khó khăn và thiệt hại cho DN. 

Liên quan đến vấn đề thuế suất, đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho rằng: Đối với dịch vụ bưu chính viễn thông, thực tế tại các KCX TPHCM trước thời điểm 1-3-2012, các DN được áp dụng mức thuế suất 0%. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành và quy định trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, DN chế xuất sẽ phải chịu mức thuế suất 10%.


Trong khi đó, DN này không phải là đối tượng nộp thuế, hoàn thuế GTGT. Do đó, không có cơ sở để được hoàn lại thuế GTGT đầu vào như các DN khác. Mặt khác, dịch vụ bưu chính viễn thông là cần thiết và phát sinh thường xuyên phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Nhằm tạo được sự công bằng giữa DN trong các KCX và các DN khác cũng như hỗ trợ DN trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM đề nghị xem xét áp dụng mức thuế suất 0% cho các DN hoạt động trong KCX khi sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP, chia sẻ: “Chưa bao giờ tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, đặc biệt đối với các DN thuộc Hội Doanh nhân trẻ TPHCM vốn phần lớn là DN vừa và nhỏ. Vì vậy, việc hỗ trợ DN thông qua chính sách ưu đãi về thuế được xem là khoản đầu tư tương lai”. Liên quan đến Luật Thuế GTGT, một trong những khó khăn của DN hiện nay là xác định mức thuế mình chịu do quy định không rõ ràng, lúc nói 5% cũng được, lúc nói 10% cũng được. Điều này dẫn đến khó khăn cho DN trong việc áp dụng. Vì vậy, trước mắt nên quy định các tiêu chí cụ thể của các nhóm 5% và 10% để các DN áp dụng rõ ràng khi triển khai.


Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhất là trong 2 - 3 năm tới dự báo còn khó khăn, nên chăng kéo nhiều mức thuế GTGT từ 10% xuống 5%. Bởi lẽ, việc giảm thuế GTGT đồng nghĩa với việc tăng kích cầu tiêu dùng xã hội. Ngoài ra, hiện nay theo dự thảo thời hạn kê khai thuế là 12 tháng. Tuy nhiên, một số DN cho rằng bộ phận kế toán chưa mạnh, chưa giỏi nên kéo dài thời gian kê khai thuế 24 tháng thay vì là 12 tháng. Theo dự thảo, mức giá trị được hoàn thuế GTGT là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện nhiều DN cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay nên giữ nguyên mức 200 triệu đồng vì hầu hết DN đang gặp khó khăn về vốn. 

Nếu các vướng mắc nêu trên được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, hy vọng các DN trên địa bàn TPHCM nói riêng, cả nước nói chung sẽ có thêm nguồn lực và quyết tâm nhằm vượt khó, vươn lên trong thời gian tới.

Tin khác

Pháp luật 17 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Theo cảnh báo của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, hình thức cung cấp dịch vụ cấp lại mật khẩu, chỉnh sửa thông tin ứng dụng VssID - BHXH có lấy phí là trái pháp luật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Phần mềm độc hại Trojan được đặt tên là "Brokewell" ngụy trang dưới dạng bản cập nhật cho Google Chrome sẽ thu thập dữ liệu bí mật, có thể “đánh bay” tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.