SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Tổng Công ty Sông Hồng mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu, không có khả năng trả nợ

07:49, 10/11/2020
Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ, tổng doanh thu năm 2019 của Công ty mẹ đạt 34 tỷ đồng, giảm 178,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 83,8%.

Lỗ liên tiếp

Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai thoái hết hơn 49% vốn tại Tổng công ty Sông Hồng trước ngày 30/11/2020.

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tổng công ty gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới.

Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ gần 67 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2019 âm tới 651 tỷ đồng.

Trước tình trạng thua lỗ, tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Hồng khẳng định, nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Để “vớt vát” phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua, tổ đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Trước tình hình thực tế khó khăn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.

Tuy nhiên, việc Tổng công ty Sông Hồng phải đề xuất Thủ tướng cho bán gấp cổ phần nhà nước tại tổng công ty để "vớt vát" phần nào tài sản, vốn Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp là điều không lạ nhưng khó hiểu.

Đơn giản, vì Nhà nước bỏ tiền vào doanh nghiệp nhưng không thu được lợi nhuận, ngược lại phải chạy theo gỡ vướng cho doanh nghiệp, chỉ mong thu lại một phần vốn. Tổng Sông Hồng không những kinh doanh bết bát, mà còn vướng vào những dự án lớn khiến việc gỡ rối càng khó.

Nếu chỉ nhìn bề nổi và qua các con số, tình trạng của Sông Hồng khó có thể bán vốn Nhà nước để có thể thu lời. Nhưng ở một số góc nhìn khác, Sông Hồng vẫn còn nhiều giá trị được quan tâm.

Từng là thương hiệu xây lắp có uy tín, với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP.Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)...

Những tưởng dòng vốn tư nhân sẽ giúp Sông Hồng trở nên năng động, vững vàng hơn trước sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp xây lắp tư nhân. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Kể từ khi được cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng “ngập” trong thua lỗ.

Ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi vài trăm triệu đồng, Sông Hồng đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại, trong đó đáng chú ý hai năm 2015-2016 lỗ sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng và 187 tỷ đồng, cuốn bay vốn điều lệ của doanh nghiệp (270 tỷ đồng).

Không có khả năng trả nợ

Về hiệu quả hoạt động đầu tư, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại ngày 31/12/2019, Sông Hồng có số dư đầu tư tài chính tại 30 Công ty với tổng số tiền là 284 tỷ đồng; cổ tức được chia năm 2019 là 1,4 tỷ đồng; tỷ suất sinh lời rất thấp là 0.5%.

“Trong số 30 doanh nghiệp Sông Hồng có góp vốn đầu tư, Tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại 22 đơn vị với tổng số tiền là 221 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra ngoài của Sông Hồng không có hiệu quả”, Bộ Tài chính đánh giá.

Theo Bộ Tài chính, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, đầu tư của Sông Hồng rất khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.

Đến thời điểm ngày 31/12/2019, Sông Hồng bị mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu, số lỗ lũy kế lớn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty không được bảo toàn.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty khẩn trương xây dựng các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản đầu tư, cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục của Tổng công ty.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Tin khác

Tin Tổng hợp 7 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.