SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

'Ô cửa sách': Thúc đẩy văn hóa đọc và sự sáng tạo cho trẻ

11:39, 04/07/2022
Dự án “Ô cửa sách” do ThS. Vũ Thanh Tâm sáng lập nhằm phát triển văn hóa đọc, gồm thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, các buổi đọc sách, các hoạt động viết và dịch sách cho trẻ em,...Tại đây, trẻ em được thỏa sức sáng tạo với các hoạt động đọc sách và viết lách.

Với dự án Ô cửa sách, ThS. Vũ Thanh Tâm đã mở ra các hoạt động đọc sách và viết lách cho trẻ. Trước đó, Ô cửa sách là lớp Đọc sách và viết lách được thành lập vào năm 2018. Vào năm con trai lớn được 8 tuổi, cô giáo Thanh Tâm đơn giản chỉ muốn con có bạn cùng đọc sách và tạo thói quen tốt cho con. Hơn nữa, cô cũng nhắc nhở trách nhiệm của một người mẹ cho chính bản thân mình.

“Khi con còn bé, tối nào mẹ con cũng thủ thỉ đọc sách cùng nhau. Đến khi con 6 tuổi, một phần vì tôi có thêm em bé, phần khác vì công việc của một giảng viên rất bận rộn, tôi đã không còn thời gian đọc sách cùng con. Con dần không còn là con mọt sách đáng yêu, thay vào đó bắt đầu bị cuốn hút bởi điện thoại thông minh, tính cách cũng thay đổi hẳn. Mùa hè 2018, tôi giật mình nhận ra ‘nếu không phải bây giờ thì sẽ là quá muộn để xây dựng lại thói quen đọc sách cho con’. Thế là tôi mở lớp dạy đọc sách cho các bạn khác đến làm bạn, đọc sách cùng con”, cô Thanh Tâm chia sẻ.

Sách như một “ô cửa” mở ra thế giới

Cái tên Ô cửa sách được hình thành từ những cuộc trò chuyện của cô giáo Thanh Tâm và học sinh. Đến một lúc, trong hình dung của cô và các học trò, đây không chỉ là một lớp học, một website mà còn có thể là một dự án phát triển văn hóa đọc. Từ đó, Ô cửa sách truyền đi thông điệp sách như một ô cửa mở ra thế giới. 

Thời gian thành lập Ô cửa sách cũng là thời gian cô Thanh Tâm cùng các bạn học sinh Phổ thông Năng Khiếu cùng làm dự án thiện nguyện quyên góp sách cho trẻ em khó khăn. Lúc này, cô đắm mình trong niềm vui được làm việc cùng học sinh vì ở đó, cô nhận ra khả năng vô hạn và sự nhiệt huyết của người trẻ khi được trao quyền.

Từ quá trình làm bạn với trẻ, mục tiêu và giá trị cốt lõi của Ô cửa sách hình thành: niềm tin vào khả năng tiềm ẩn của trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, sự trao quyền sáng tạo cho người học, sự kết nối và chia sẻ vì cộng đồng.

Bên cạnh lớp học và các hoạt động trên trang mạng, mảng hoạt động thứ ba của Ô cửa sách là những hoạt động thiện nguyện quyên góp sách cho trẻ em nghèo. Từ khi có dự án, cô Thanh Tâm kết nối nhiều hơn với các nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi để tổ chức loại hoạt động thứ tư là  các buổi giao lưu nhà văn với bạn đọc yêu sách. Trong thời gian chuyển về Đà Lạt, cô Thanh Tâm bắt đầu làm nhiều video cho kênh YouTube Ô cửa sách - đây được xem là mảng hoạt động thứ năm.

z3521638548113_a0992414b828a5b7b638ddfe7d3fb3f1

 Hoạt động đọc sách ngoài trời của "Ô cửa sách".

Sự ra đời của Ô cửa sách không chỉ đem lại giá trị cho cộng đồng mà chính cô giáo Thanh Tâm còn thu về được nhiều niềm hạnh phúc. “Giờ đây tôi cảm thấy mình quá giàu có. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là tôi có một đứa con trai yêu sách, cũng là một cộng sự của tôi, cùng tôi làm tất cả mọi điều. Ô cửa sách sinh ra là để cho con, nó lớn lên cùng con, và khiến con được kết nối với nhiều bạn nhỏ khác”, cô chia sẻ. 

Thúc đẩy văn hóa đọc cho trẻ

Trong thời đại công nghệ, các thiết bị điện tử đã làm thay đổi thói quen đọc sách của trẻ. Theo cô Thanh Tâm, để thúc đẩy văn hóa đọc cho trẻ, chúng ta cần từ bỏ tư duy truyền thống, không nên xem đọc sách là hoạt động “tinh hoa” mà tách rời nó khỏi các hoạt động vui vẻ thường ngày. Nếu cứ như vậy, trẻ sẽ sợ việc đọc sách.

Mỗi hoạt động khuyến đọc ở Ô cửa sách đều được tổ chức như những lễ hội tràn ngập niềm vui. Tại đây, Ô cửa sách kết hợp việc đọc sách với trải nghiệm, ví dụ như đọc sách ngoài trời, đọc sách cùng tác giả. Nếu chỉ cho trẻ đọc sách trong thư viện hay trường học, quá nhấn mạnh vào giá trị giáo dục mà quên mất chức năng giải trí thì trẻ sẽ không thể nào yêu thích việc đọc sách được.

z3521639226474_75d567c8fed89c7332fb17afdbf7cb12

 Cô giáo Thanh Tâm cùng học trò tham gia hoạt động đọc sách tại thư viện.

Đằng sau những lớp học vui vẻ, cô Thanh Tâm và các cộng sự tại Ô cửa sách luôn phải học tập nghiêm túc. Việc lựa chọn sách làm sao cho phù hợp với độ tuổi của trẻ, thúc đẩy được sự sáng tạo của trẻ luôn là điều rất quan trọng. Ngoài tập trung vào chuyên môn như giáo dục học, nghệ thuật học, văn học và cô Thanh Tâm còn tìm hiểu thêm cả khoa học.

Sự lựa chọn sách của cô giáo Thanh Tâm trước hết dựa vào kiến thức chuyên môn để biết đâu là sách hay, phù hợp với lứa tuổi, kết hợp được sách kinh điển và sách đại chúng, sách trong và ngoài chương trình học Ngữ văn. Ngoài ra, sách phải phù hợp với quan điểm tôn trọng sự khác biệt và sự đa dạng.

“Nói chung, tôi khó tính trong việc lựa sách, nên nếu tôi kể hết các nguyên tắc về những loại sách không lựa đọc, có những tựa sách best-seller nhưng không bao giờ tôi để trong thư viện Ô cửa sách, chắc mọi người sẽ… sợ luôn”, cô Thanh Tâm nói.

Mới đây nhất, bộ sách “Covid trong mắt trẻ thơ” là thử nghiệm đầu tiên của dự án “Khi trẻ là tác giả”. Bộ sách được đánh giá cao tại Giải thưởng Dế Mèn và nhận được sự yêu thích từ nhiều bản đọc nhỏ tuổi. Hơn thế, bộ sách còn cho thấy được năng lực sáng tạo đáng nể của trẻ em. Bộ sách cũng như toàn bộ dự án "Khi trẻ là tác giả" đều muốn gửi gắm thông điệp: Nếu trẻ được trao quyền sáng tạo, trẻ sẽ làm nên những tác phẩm hấp dẫn và có giá trị, phù hợp với đối tượng cùng độ tuổi của các em.

z3521640817343_bab376ae63b4d96caf93fbb78e4276d9

"Ô cửa sách" phối hợp cùng các đơn vị khác để tổ chức hoạt động khuyến đọc cho trẻ.

Ở lớp Đọc sách và viết lách, trước khi cho trẻ viết, cô Thanh Tâm thường cho các em làm thủ công, cắt dán và làm bánh,… Bởi lẽ, theo một lẽ tự nhiên, cô hiểu rằng có một mối liên kết chặt chẽ giữa ngôn ngữ nói và cảm xúc được hình thành từ những trải nghiệm của trẻ.

Theo cô, muốn trẻ viết tốt, trước hết phải nuôi dưỡng cảm xúc và sự sáng tạo của con qua các hoạt động như vậy. Khi cô gặp bài thơ “Một trăm ngôn ngữ”, bài thơ ấy cho cô niềm tin chắc chắn hơn vào công việc của mình. Bởi lẽ, trẻ em không chỉ nói bằng miệng mà trẻ còn nói bằng tay. Giấy, đất sét, màu, bột mì, chocolate,… đều là ngôn ngữ của trẻ. 

Võ Liên

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 4 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
Liên kết hữu ích