SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 07/05/2024
  • Click để copy

Thể dục thể thao ở trường phổ thông: Lực thiếu, chất yếu

09:27, 03/10/2014
Cơ sở vật chất của nhiều trường phổ thông ở TPHCM hiện không đảm bảo yêu cầu tối thiểu, sân trường chật hẹp, thiếu sân bãi, phòng tập thể dục đa năng, dụng cụ tập luyện…

Không hấp dẫn

Quan sát giờ học thể dục ở một số trường tiểu học trên địa bàn các quận nội thành của TPHCM cho thấy học sinh chỉ được giáo viên hướng dẫn tập những động tác vận động đơn giản, chạy, nhảy dây, chơi đá cầu hoặc đi đều bước là chính. Các em được dặn dò là không được la to, nói lớn vì ảnh hưởng đến các lớp khác đang học. Theo nhận định của nhiều phụ huynh, 1 đến 2 giờ học thể dục chính khóa ở trường chỉ học cho vui và ai có điều kiện đều cho con cái học thêm những môn thể thao ngoại khóa hoặc đưa đến các trung tâm thể thao học võ thuật, bơi lội, cầu lông… Bà Kim Anh, Hiệu phó Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ quận 10, cho biết, tuy sân trường tương đối rộng nhưng giờ tập thể dục cũng chủ yếu là vận động tay chân và không thể cho phép các em ồn ào vì ảnh hưởng đến các lớp đang học. Do giờ chính khóa chưa đáp ứng yêu cầu rèn luyện thể lực cho học sinh nên nhà trường đã mở ra nhiều câu lạc bộ thể thao, năng khiếu (võ thuật, cầu lông, bóng đá…) tại trường để sau giờ học, các em có thể tham gia. Thế nhưng, cũng chỉ có khoảng 1/2 học sinh tham gia môn học thể thao tự chọn. 

Là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia và sân trường có diện tích khá rộng, nhưng nhiều học sinh Trường THCS Ngô Tất Tố cũng không hứng thú với những giờ tập thể dục vì chỉ tập những động tác giản đơn, nhàm chán. Một số nữ sinh lớp 7 than rằng: Giờ học thể dục là chán nhất, tuần nào cũng lặp đi lặp lại bài tập vận động chạy bộ hoặc đi đều giậm chân tại chỗ… Điều mà học sinh - lứa tuổi có nhu cầu vận động cao là ao ước được học những môn tự chọn theo sở trường. Nếu được rèn luyện trong những phòng tập thể dục đa năng có đầy đủ điều kiện, dụng cụ thì ai cũng hứng thú. Thế nhưng, câu chuyện “học mà chơi, chơi mà học” cũng chỉ là mơ ước của nhiều học sinh. 

Trường THPT Hùng Vương là một trong những ngôi trường có sân rộng rãi nhưng giờ dạy môn thể dục cũng chỉ giới hạn với những bài tập, động tác vận động giản đơn. Nhà trường có tổ chức các câu lạc bộ như bóng bàn, cầu lông, bơi lội để học sinh chọn lựa và tham gia theo sở trường, trong đó môn bơi lội phải thuê ở bên ngoài. “Để tạo điều kiện cho học sinh tham gia rèn luyện thể thao học đường và được chọn lựa những môn học yêu thích thì nhà trường chưa làm được. Hơn nữa, chương trình học chính khóa hiện quá nặng nên học sinh ít có thời gian tham gia các câu lạc bộ thể thao, năng khiếu do trường tổ chức. Bên cạnh đó, ý thức rèn luyện thể thao trong học sinh còn yếu…” - thầy Hoàng Văn Quang, Trường THPT Hùng Vương, cho biết.

Khảo sát thực tế ở một số trường học trên địa bàn TPHCM cho thấy với 2 giờ thể dục chính khóa/tuần và dạy học trong điều kiện thiếu sân bãi, dụng cụ luyện tập tối thiểu nên môn học này chưa phát huy tác dụng nâng cao thể chất, nuôi dưỡng đam mê, phát hiện tài năng thể thao. Trừ một số ít trường học đạt chuẩn, mới xây dựng, có điều kiện lý tưởng như mặt bằng rộng, đầu tư sân bãi, phòng tập thể dục đa năng, hồ bơi… đạt chuẩn, còn lại đều thiếu trầm trọng từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên có chuyên môn. Chính vì thế, thể thao học đường chưa tạo được sân chơi hấp dẫn, đáp ứng sở trường, kích thích đam mê rèn luyện thể lực của học sinh như đặt ra.

Thiếu và yếu

Trong một khảo sát nhỏ tại các trường THPT ở quận Gò Vấp TPHCM của giảng viên Lê Thị Hồng Hà, khoa Giáo dục thể chất của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho thấy hầu hết các trường học thiếu cơ sở vật chất trầm trọng, nhiều trường hầu như không có sân bãi, dụng cụ luyện tập nên phải chọn học các môn như cờ vua (hơn 80% trường thực hiện), đá cầu (85% trường) để giảng dạy trên cơ sở yêu cầu học sinh tự túc về cầu hoặc cờ. 

Tương tự, PGS-TS Huỳnh Trọng Khải cũng cho rằng, ngoài nguyên nhân thời lượng môn học quá ngắn, phương pháp giảng dạy không lôi cuốn, trở ngại chung của nhiều trường học tại TPHCM là trường lớp chật hẹp, khuôn viên không có. Trong khi môn học thể dục đòi hỏi phải vận động nhiều, la hét lớn thì các em buộc phải im lặng để không gây ồn ào, phiền toái cho các môn học khác. Những rào cản này đã khiến chất lượng dạy môn thể dục kém hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu phát triển thể chất của học sinh.

Bằng nhiều nỗ lực, những năm qua TPHCM đã đầu tư cho nhiều dự án, chương trình mở rộng các mô hình thể thao học đường, nâng cao thể chất học sinh như phổ cập bơi lội, phát triển bóng đá, các câu lạc bộ năng khiếu... Nhờ vậy, hoạt động thể thao học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn trước đây. Cụ thể là quy mô của đề án “Chương trình bóng đá học đường dành cho học sinh tiểu học TPHCM giai đoạn 2014-2018” với sự tham gia của Sở GD-ĐT, Sở VH-TT-DL và Liên đoàn Bóng đá TPHCM. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, việc đưa môn bóng đá vào trường học sẽ giúp học sinh tiểu học phát triển đam mê, sở trường, tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh. Ngoài 41 trường đã tham gia đề án thí điểm, năm học mới này có thêm 80 trường được chọn để gầy dựng phong trào bóng đá học đường. Tuy đã nhóm lửa đam mê môn “thể thao vua” này cho cả ngàn học sinh tiểu học nhưng nhiều trường học đang gặp trở ngại thiếu sân bãi đạt chuẩn, thiếu nguồn kinh phí đầu tư trang bị dụng cụ, đồ thể thao cho học sinh. Theo nhiều giáo viên thể dục, rất ít trường học ở TPHCM có sân bóng mi ni nhân tạo và phần đông các cầu thủ nhí đều phải đá bóng trên sân bê tông, sân gạch… không đảm bảo an toàn.

Nếu giáo dục thể chất vẫn tiếp tục bị xem nhẹ hoặc thiếu giải pháp đầu tư đúng và đủ theo yêu cầu của trường học thì học sinh – lứa tuổi có nhu cầu vận động cao – sẽ phát triển lệch lạc như thế nào?

Tin khác

Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức khai trương, phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài; tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên môi trường về kết quả kiểm tra việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu cao bất thường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều ngày 4/5, Chánh Văn phòng, Người pháp ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin về tiến độ chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7.