SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 19/03/2024
  • Click để copy

Sóc Sơn – Hà Nội: Quyền lợi của bà con tiểu thương đến bao giờ mới được giải quyết?

14:16, 17/06/2019
(SHTT) - Đơn thư của các tiểu thương chợ Sóc Sơn phản ánh về những khuất tất trong việc điều tra nguyên nhân cháy chợ, từ ngày 21/6/2018 đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận. Điều này làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các tiểu thương, đẩy họ vào cảnh nợ nần chồng chất, phá sản hàng loạt.

Theo đơn thư của bà con tiểu thương chợ Sóc Sơn gửi tới Sở hữu trí tuệ, để được vào kinh doanh trong chợ thì từ những năm 1990, bà con đã phải đóng góp tiền để xây dựng chợ. Mức đóng góp từ 150.000 đồng; 300.000 đồng; 600.000 đồng; 800.000 đồng. Chị Đinh Thị Hồng, một tiểu thương hồi tưởng lại: “Trước năm 1990, chợ Sóc Sơn là một khu chợ quê. Khi huyện có chủ trương xây dựng nâng cấp chợ lên, bà con ủng hộ nhiệt tình. Lúc đó kinh phí xây chợ không có, bà con kinh doanh trong chợ nhất trí đóng góp tiền của và công sức để xây dựng với phương châm Nhà nước có đất, người dân bỏ kinh phí. Thực sự, khi khu chợ đi vào hoạt động, người dân ai cũng hân hoan vì đã có một nơi tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người và là nơi giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương”.

cho soc son

 Chợ Sóc Sơn hiện nay chỉ còn dãy kiốt ngoài mặt đường

Trong thời gian kinh doanh tại chợ, tất cả các tiểu thương đều kí kết hợp đồng bảo vệ tài sản, hàng hóa gửi qua đêm tại chợ Sóc Sơn với Ban quản lý chợ. Điều 2 trong hợp đồng ghi rõ: Ban quản lý chợ Sóc Sơn có trách nhiệm trông coi bảo vệ, đảm bảo an toàn, nguyên vẹn tài sản, hàng hóa của tiểu thương gửi qua đêm tại chợ. Trường hợp để mất mát tài sản, hàng hóa của tiểu thương gửi qua đêm thì Ban quản lý chợ có trách nhiệm bàn bạc, thỏa thuận và bồi thường thỏa đáng.

Hợp đồng ghi rõ ràng như vậy, thế nhưng khi chợ Sóc Sơn bị thiêu rụi từ ngày 21/6/2018 đến này, phía Ban quản lý chợ chưa hề có ý kiến gì với tiểu thương để bàn bạc, thỏa thuận bồi thường. Theo thống kê của bà con, vụ cháy chợ Sóc Sơn ngày 21/6 khiến 223 trong tổng số 662 sạp hàng với diện tích 2.300 m2 bị cháy rụi. Thiệt hại về hàng hóa khoảng 70 tỷ. Đặc biệt là nguyên nhân vụ cháy và người chịu trách nhiệm đến nay vẫn chưa có kết luận mặc dù cơ quan công an đã chỉ ra những sai phạm của Ban quản lý chợ Sóc Sơn. Cụ thể:

Ban quản lý chợ không xuất trình được sổ theo dõi hoạt động của máy bơm chữa cháy cố định; không phân công người làm công tác vận hành, sửa chữa máy bơm thường xuyên. Bình chứa nhiên liệu của máy bơm chữa cháy cạn hở đáy, máy không trong tình trạng thường trực nên khi xảy ra cháy thì máy không hoạt động. Ban quản lý chợ chưa trang bị về hệ thống đèn chiếu sáng, đèn báo sự cố đầy đủ cho cả khu vực; chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc... Năm 2017 và 2018, phòng Cảnh sát cứu hoả số 5 đã kiểm tra, yêu cầu khắc phục một số thiếu sót trong công tác phòng cháy nhưng đơn vị không thực hiện.

cho soc son 1

 

cho soc son 2

 Bà con tiểu thương bức xúc khi sự việc cháy chợ gần 1 năm nay chưa đưa được ra ánh sáng

Ngày 11/7/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sóc Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về Phòng cháy Chữa cháy”. Thế nhưng từ đó đến này, theo phản ánh của bà con thì sự việc vẫn giậm chân tại chỗ vì chưa có kết luận cuối cùng. Chính vì cơ quan chức năng chưa đưa sự việc ra ánh sáng đã đẩy hàng trăm tiểu thương vào cảnh bi đát.

Chị Phạm Thị Phương, một tiểu thương trong chợ cho biết: “Gia đình tôi buôn bán ở chợ từ khi chợ này chưa được xây dựng. Khi huyện Sóc Sơn có chính sách góp vốn để xây dựng chợ những năm 1990, gia đình tôi đã góp 300.000 đồng vào xây chợ. Để có vốn làm ăn, ngoài việc dồn hết vốn liếng, gia đình còn đi vay ngân hàng 300 triệu đồng. Khi chợ bị cháy, bao nhiêu tiền của của gia đình bị thiêu rụi sạch bách. Cả gia đình tôi chỉ trông vào số tiền kiếm ra từ việc buôn bán tại chợ. Hiện nay, do hết sạch vốn liếng làm ăn, ngân hàng lại không cho vay nữa buộc chúng tôi phải đi vay ngoài với lãi suất cao để làm đồng vốn buôn bán. Thực sự, hoàn cảnh gia đình tôi cũng như bao người khác ở chợ đang lâm vào tình cảnh quá bi đát mà không biết trông chờ vào đâu. Không biết chúng tôi còn có thể duy trì cuộc sống cho đến khi sự việc được sáng tỏ hay không nữa”.

Nghẹn ngào trong nước mắt, chị Trần Thị Vững, một tiểu thương có bố là liệt sĩ uất ức: “Sự việc đã quá rõ ràng rồi mà không hiểu tại sao các cơ quan chức năng lại không giả quyết dứt điểm vụ việc cho người dân. Chúng tôi kinh doanh buôn bán tại chợ có hợp đồng rõ ràng. Tại thời điểm đám cháy xảy ra khoảng 5h30, lúc đó trách nhiệm thuộc về Ban quản lý chợ. Cơ quan công an cũng chỉ ra quá nhiều sai phạm của Ban quản lý chợ thì tại sao đến giờ huyện vẫn không giải quyết cho bà con mà vẫn đùn đẩy nhau?”.

cho soc son 3

 Hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ đều tạm bợ, không điện, không nước tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Dư luận đang đặt câu hỏi rằng, ngày 07/8/1990 UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định số 263/QĐ-UB Quy định về chức năng quyền hạn và nhiệm vụ của BQL chợ Sóc Sơn. Theo đó: Ban quản lý chợ Sóc Sơn là một đơn vị quản lý sự nghiệp có thu, gắn liền với tự hạch toán về kinh doanh thương nghiệp đưới sự quản lý, chỉ đạo, giám sát và điều hành trực tiếp của UBND huyện. Như vậy rõ ràng Ban quản lý chợ Sóc Sơn là một đơn vị sự nghiệp của huyện Sóc Sơn, chịu sự chỉ đạo điều hành của huyện, vậy các sai phạm của Ban quản lý chợ chẳng nhẽ không liên quan gì đến UBND huyện Sóc Sơn? UBND huyện Sóc Sơn phải chịu trách nhiệm gì khi để những sai phạm của Ban quản lý chợ xảy ra trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy? Phải chăng chính vì sợ liên đới trách nhiệm cho nên UBND huyện đang “bao che” và kéo dài sự việc?

Thực tế hiện nay, do không còn chờ đợi được sự việc đi đến hồi kết, 1/3 số tiểu thương trong chợ đã bỏ quầy để đi tìm kiếm công việc khác. Rất nhiều người trong số họ đã bị phá sản. Số còn lại vẫn kiên trì bám trụ lại chợ để kinh doanh buôn bán cho dù hiện nay toàn bộ các hoạt động trong chợ đều bị “cô lập”, không điện, không nước, không bảo vệ. Điều kiện kinh doanh quá tồi tàn nhưng với họ, họ vẫn tin vào Đảng và Nhà nước, vẫn từng ngày sống “lay lắt” để chờ kết quả cuối cùng. Hầu hết các hộ còn bám trụ đều phải đi vay ngoài để có vốn kinh doanh buôn bán. Tất cả đều đang trông chờ các cơ quan chức năng đưa sự việc ra ánh sáng để tập thể, cá nhân nào làm sai thì phải chịu tội trước pháp luật. Bên cạnh đó, quyền lợi của bà con phải được đảm bảo vì sự việc không phải do bà con gây ra và trong hợp đồng về bảo vệ tài sản, hàng hóa gửi qua đêm tại chợ Sóc Sơn với Ban quản lý chợ đã ghi rất rõ ràng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Nhóm PV

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Youtube mới đây đã ban hành chính sách mới, theo đó, từ ngày 26/3, các nhà sáng tạo nội dung sẽ buộc phải gắn nhãn cho các video được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là nỗ lực nhằm minh bạch các nội dung được đăng tải trên nền tảng này trong tình hình AI ngày càng bùng nổ.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Các công cụ trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh kéo theo việc chúng thể hiện một cách khéo léo hơn thái độ phân biệt chủng tộc. Báo cáo cho thấy, ChatGPT và Gemini đang có sự phân biệt đối xử với người dùng sử dụng tiếng Anh bản ngữ của người Mỹ gốc Phi (AAVE).
Tin tức 7 giờ trước
Nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và kinh doanh ẩm thực, dịch vụ lưu trú tại Việt Nam kì vọng có thể kết nối với các thương hiệu quốc tế thông qua triển lãm Food & Hotel Vietnam 2024.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Phần lớn các huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ninh nằm tiếp giáp biển. Tỉnh có trên 6.100 km2 mặt nước, vùng biển. Với lượng tàu, thuyền của ngư dân khá lớn, thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Chiều 18/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức gặp mặt 8 học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023-2024.