SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Sau nửa chặng đường, tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận ngân hàng phân hóa

16:45, 18/08/2022
Sau nửa chặng đường kinh doanh, tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó, một số nhà băng có tiến độ thực hiện thấp...

Tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận ngân hàng đang ra sao?

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán SSI Research dự báo mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong sáu tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2021 tương đối thấp.

Trong năm 2022, có 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm trước. Bên cạnh đó, vẫn có 8,5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 (tăng so với tỷ lệ 5,8% tổ chức tín dụng dự kiến tại kỳ điều tra tháng 3/2022) và 3,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Còn nhớ hồi đầu năm, trong khi con số tăng trưởng mục tiêu của ngân hàng nhóm Big4 được nhận định là lạc quan thì tại một số ngân hàng cổ phần, những kỳ vọng về kết quả năm 2022 đánh giá là khá tham vọng. Có ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tới ba chữ số. Điển hình như Eximbank lên kế hoạch năm 2022 với lợi nhuận trước thuế 2022 tăng 127% so với kết quả năm 2021, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.

loi-nhuan-ngan-hang

Sau nửa chặng đường kinh doanh, tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó, một số nhà băng có tiến độ thực hiện thấp khi tỷ lệ chỉ từ 24% đến 40%.

Đơn cử như ngân hàng OCB năm 2022 lên kế hoạch lãi trước thuế tăng 29% so với năm trước, đạt 7.110 tỷ đồng. Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.739 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ 2021, nhà băng này mới chỉ thực hiện vỏn vẹn 24% kế hoạch lợi nhuận sau nửa chặng đường.

Đối với VietBank, 6 tháng đầu năm trích đến 168 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 6 lần cùng kỳ. Do đó, ngân hàng thu được gần 388 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 19%. Nếu so với kế hoạch 1.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, VietBank chỉ mới thực hiện được 36%.

Tại nhóm Big4 ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV có mức tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm 2022 ở mức cao trong nửa đầu năm, từ 54% đến 62.

Đáng chú ý, một số nhà băng đã sắp cán đích mục tiêu lợi nhuận cả năm 2022 sau nửa chặng đường.

Điển hình tại Saigonbank, năm 2022 đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với kết quả năm 2021. Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 176 tỷ đồng, tăng 28%, nhà băng này đã thực hiện được 93% kế hoạch chỉ sau nửa đầu năm.

Theo sau Saigonbank, ngân hàng VietCapital Bank, Eximbank và LienVietPostBank có tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm 2022 ở mức cao trong nửa đầu năm, từ 75-79%.

Thứ hạng lợi nhuận ngân hàng lại xáo trộn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng Sáu, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 9,35%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, bức tranh lợi nhuận tại các ngân hàng đều mang một gam màu sáng khi liên tục báo lãi tăng 20-30%, thậm chí có ngân hàng lãi tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

loi-nhuan-ngan-hang-1

Từ mức nền thấp trong nửa đầu năm 2021, Eximbank là nhà băng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 khi đạt 1.903 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,4 lần; lãi sau thuế đạt 1.519 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm nay tại SHB tăng đến 84% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.848 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lãi sau thuế đạt 4.678 tỷ đồng nhờ nguồn thu chính tăng cùng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.

Xét về số dư tuyệt đối, quý 1/2022 Vietcombank để tuột khỏi tay ngôi vị quán quân lợi nhuận, đến quý 2/2022 Vietcombank đã nhanh chóng lấy lại “phong độ” và giành lại ngôi quán quân lợi nhuận 6 tháng khi đạt trên 13.909 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Đáng nói, trật tự mới về lợi nhuận một lần nữa có sự thay đổi khi giờ đây “Big 4” ngân hàng không hẳn chỉ dùng cho những ông lớn gốc “nhà nước”, mà thay vào đó là các nhà băng tư nhân.

Trong đó, đứng vị trí thứ hai là VPBank với 12.241 tỷ đồng, tăng mạnh gần 70% so với cùng kỳ. Ngân hàng Agribank đứng ở vị trí tiếp theo với lợi nhuận sau thuế đạt 12.073 tỷ đồng và cũng có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, với mức tăng gần 60%. Kế đến là Techcombank đạt 11.494 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 24%. Vị trí thứ 5 là Vietinbank đạt 9.379 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng nhẹ 7%, tiếp đến là  MBB đạt 9.169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 49%. Ngân hàng BIDV ở vị trí thứ 7 với lợi nhuận sau thuế đạt 8.902 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chỉ có 2 trong tổng số 27 ngân hàng công bố báo cáo tài chính ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đi lùi do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Thực tế, hoạt động tín dụng và nguồn thu từ phí của các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt từ đó giúp các ngân hàng ghi nhận lãi cao trong quý 2 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung.

Theo giới chuyên môn, ngân hàng vẫn \'\'kiếm đậm\'\' trong 2 quý vừa qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức mạnh nhất trong nhiều năm gần đây.

Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15-16%.

SSI Research cũng dự báo những nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.

Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng, các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.

Hoàng Long

Tin khác

Tin Tổng hợp 7 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.