SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Quy định xử phạt học nhờ, thi hộ có giơ cao đánh khẽ?

12:06, 22/03/2013
Dự thảo Nghị định về quản lý giáo dục do Bộ GD-ĐT vừa công bố quy định, mức xử phạt hành chính đối với hành vi thi hộ, chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi hoặc làm bài, trợ giúp thí sinh làm bài phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Nhiều người lo ngại quy định trên chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính, đối với các kỳ thi quốc gia như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH- CĐ. Riêng đối với những kỳ thi tổ chức ở từng cơ sở giáo dục, ai sẽ là người kiểm tra, xử lý? Mức phạt 5 - 10 triệu đồng liệu có đủ sức kêu gọi tinh thần tự giác của sinh viên?

Mỗi nơi một kiểu

Khoản 2, Điều 19 Quy chế đào tạo ĐH, CĐ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2006 quy định rõ: “Sinh viên thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai”. Song trên thực tế các trường áp dụng mỗi nơi một kiểu. Đơn cử như ở Trường ĐH dân lập Văn Lang, sinh viên (SV) khi bị phát hiện có hành vi thi hộ sẽ bị đình chỉ học tập một năm, tuy nhiên không phải đình chỉ ngay sau khi nhận quyết định kỷ luật mà áp dụng khi đã hoàn thành toàn bộ chương trình học.

Nói cách khác, SV không bị gián đoạn thời gian học tập, chỉ bị lùi thời gian cấp bằng tốt nghiệp. TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tùy từng trường hợp cụ thể, chúng tôi áp dụng các hình thức kỷ luật mềm dẻo, linh hoạt khác nhau. Tuy nhiên cần lưu ý, việc đình chỉ học tập chỉ được tính khi SV đã hoàn thành hết chương trình học, nếu quá thời hạn tối đa cho phép học tại trường, SV sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp. Đồng thời, trong suốt thời gian học tập sau khi nhận quyết định đình chỉ, SV nếu vi phạm thêm các lỗi khác sẽ phải chịu hình thức xử phạt cao hơn”.

Ngoài ra, cũng nhằm mục đích “giơ cao đánh khẽ”, nhiều cơ sở giáo dục hiện nay chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, nhắc nhở đối với SV lần đầu vi phạm. Trong trường hợp những người này tái phạm, tổ giáo vụ khoa mới chuyển hồ sơ xuống phòng đào tạo để hội đồng kỷ luật nhà trường xem xét và đưa ra các hình thức kỷ luật cao hơn. Đây là cách làm hiện đang được nhiều trường trung cấp và trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, cô Đàm Lê Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THPT Đức Trí bày tỏ, nhà trường ngoài mục tiêu rèn chữ còn có vai trò giáo dục đạo đức cho học sinh. Trừ những trường hợp học sinh tái phạm nhiều lần, không có tinh thần khắc phục, sửa chữa, còn lại đều cần tạo cơ hội cho các em thay đổi hành vi, lối sống, thể hiện năng lực bản thân. 

Quản không nổi?

Nói đến học nhờ, thi hộ, giới học sinh, SV đều nhắc đến trang web hocthue.net. Website ra đời vào tháng 9-2010, sau hơn 2 năm hoạt động với tốc độ lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư mạng, đến nay đã thu hút hàng trăm lượt truy cập mỗi ngày. Nhu cầu học nhờ, thi hộ ban đầu chỉ giới hạn ở nhóm đối tượng SV cao học, SV hệ tại chức, đào tạo từ xa hay văn bằng 2 - những người không thể dành nhiều thời gian cho việc học, bận rộn chuyện gia đình, con cái. Tuy nhiên đến nay, nhu cầu này đã lan sang cả hệ đào tạo ĐH, CĐ và trung cấp chính quy.

Với mỗi buổi đi học hộ, “người đóng thế” được thân chủ trả từ 50.000 - 80.000 đồng/buổi 2 tiếng, làm bài kiểm tra trên lớp được cộng thêm từ 100.000 - 150.000 đồng/môn, riêng đối với các kỳ thi hết học phần, giá cho người thi hộ lên đến khoảng 250.000 - 300.000 đồng/lần thi. Chỉ cần gõ cụm từ “học hộ, thi hộ” trên Google, người truy cập dễ dàng nhận thấy hơn 70 triệu kết quả tìm kiếm, trong đó có không ít mẫu quảng cáo rầm rộ về “dịch vụ học hộ, thi hộ chuyên nghiệp” trên các trang web raovat.com, rongbay.com, kenhsinhvien.net và cả mạng xã hội facebook.

Qua đó có thể thấy, mặc dù là hoạt động phi pháp nhưng học nhờ, thi hộ đã và đang trở thành dịch vụ ăn nên làm ra, đối tượng khách hàng ngày càng mở rộng. Nhất là đối với những đơn vị đã chuyển từ hình thức đào tạo niên chế qua tín chỉ, tổ chức lớp học không thống nhất, SV cùng lúc tham dự nhiều lớp học khiến giảng viên khó lòng nhớ hết mặt sinh viên.

Trong khi đó, trước mỗi kỳ thi kết thúc học phần, các trường thường huy động giám thị từ nguồn SV năm cuối hoặc nhân viên giáo vụ, số lượng có hạn nên chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ điểm danh, ký tên phát đề thi và giữ trật tự phòng thi hơn là việc kiểm tra SV có nhờ người thi hộ hay không.

Hơn nữa, nói như tâm sự của hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập trên địa bàn TP, nhà trường chỉ đóng vai trò giáo dục, truyền thụ tri thức, vấn đề xử phạt, thu tiền vi phạm không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm cho phép của nhà trường. Ngoài ra, mức thu tiền phạt 5 - 10 triệu đồng vẫn bị cho là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Chính vì vậy, dư luận lo ngại dự thảo lần này mang tính bình ổn là chính, chưa gãi vào được chỗ ngứa của nền giáo dục nước nhà.


 

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 1302/UBND-KTTH chỉ đạo một số Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp lần thứ 4 của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào sáng nay, ngày 3/5.
Tin tức 1 ngày trước
Từ ngày 8 - 11/5/2024, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến nhiều người ngộ độc tại Đồng Nai.
Tin tức 1 ngày trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.