Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô
Ngày 25/11, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình diễn tập phương án chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2023. Chương trình huy động trên 300 người, 11 phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc các lực lượng từ cấp xã đến cấp tỉnh. Các nội dung, tình huống diễn tập được triển khai đúng mục đích, yêu cầu của Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh. Quá trình diễn tập đã vận hành đúng cơ chế, phát huy tốt năng lực người chỉ huy, điều hành chữa cháy rừng; nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng tham gia.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh, cho biết: Sau diễn tập, chúng tôi tập trung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân trong phát hiện, xử lý, phòng chống cháy rừng; chỉ đạo các chủ rừng thành lập các tổ phòng cháy chữa cháy, hoàn thiện các phương án phòng cháy chữa cháy từng địa phương, đơn vị; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phối hợp, chỉ huy các lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực của các lực lượng ứng phó nhanh trước các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 55%. Trong mùa hanh khô, ước tính có trên 250.000ha rừng dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng thông, bạch đàn, keo và rừng hỗn giao tre, nứa. Đây là những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa nếu cháy xảy ra trên diện rộng, nhất là vào thời điểm thời tiết hanh khô.
Để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch tăng cường bảo vệ rừng, trong đó đảm bảo công tác PCCR; triển khai hiệu quả phương án 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ) khi có cháy rừng. Đồng thời, thành lập các đội nghiệp vụ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, canh gác lửa rừng, phát hiện sớm nguy cơ cháy và có phương án hiệp đồng cùng các lực lượng để chữa cháy; ký cam kết trong việc phát thực bì an toàn, đúng quy trình đối với các chủ rừng sản xuất, đặc biệt là các chủ rừng nhỏ lẻ.
Công tác chuẩn bị của các lực lượng chức năng, các địa phương cũng tuyên truyền, yêu cầu các chủ rừng, các đối tượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thực hiện ngay các biện pháp vệ sinh, xử lý thực bì giảm vật liệu cháy đảm bảo các quy định về phòng cháy rừng; xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, người nhận khoán trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, thông báo cấp dự báo cháy rừng, khi xảy ra cháy rừng phải kịp thời triển khai các phương án chữa cháy để hạn chế thấp nhất thiệt hại…
Là một trong những hộ nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng từ nhiều năm qua, ông Triệu Quý Tài (thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) thường xuyên tiến hành kiểm tra, chủ động phát hiện các hành vi xâm hại đất và nguy cơ gây cháy rừng. Ông Tài cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 9ha trồng rừng sản xuất, đối với những tháng hanh khô nguy cơ cháy rừng là rất cao nên gia đình cũng thường xuyên tuần rừng, ngăn chặn người dân sử dụng lửa trong những khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, theo dõi kỹ các điểm có nguy cơ cháy cao để thông báo ngay cho lực lượng kiểm lâm nếu xảy ra cháy rừng nhằm xử lý kịp thời.
Nguyễn Thanh