SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Quảng cáo TPCN sai sự thật: Bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người tiêu dùng

10:12, 22/07/2022
(SHTT) - Với sự bùng nổ các sàn thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để quảng cáo một số thực phẩm chức năng (TPCN) không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định, lừa dối người tiêu dùng.

Kinh tế nước ta đang phát triển theo nền kinh tế thị trường, một nền kinh tế có sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt. Và một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp trên thị trường là hoạt động quảng cáo. Trong nhiều năm qua, hoạt động quảng cáo đã diễn ra với nhiều hình thức khác nhau đa dạng và phong phú, đặc biệt là việc quảng cáo TPCN. Hiện nay, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo TPCN (bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt) vẫn xảy ra, phổ biến là quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã thẩm định.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là nhiều loại TPCN (một cách gọi khác là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ) đang được “thần thánh hóa”, coi như là sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh được quảng cáo rầm rộ trên rất nhiều kênh, trong đó, trên các trang website và mạng xã hội (Facebook, Zalo…) chiếm phần lớn nhằm lừa gạt người tiêu dùng.

quang cao thuc pham chuc nang3

 

Liên tục cảnh báo về vấn nạn quảng cáo TPCN sai sự thật 

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo người tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia và An Khánh Đan LMD quảng cáo sai sự thật.

Cụ thể, trong thời gian qua trên một số trang mạng xã hội và website quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia có nội dung quảng cáo sai sự thật, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia được quảng cáo có thành phần xuyên tâm liên, Xuyên khung, hoàng bá nam, bạch chỉ, mạch môn, tía tô, tinh chất tỏi đen, đại hồi nam, quế chi… có tác dụng hỗ trợ giúp bổ phế, hỗ trợ giảm ho, hỗ trợ giảm đờm, hỗ trợ giảm đau rát họng, khản tiếng do viêm họng, viêm phế quản.

Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Thảo dược Hà Nội (xóm Tân Hòa, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất và Công ty TNHH Sản xuất & Xuất nhập khẩu Nguyên Hà - Phạm Gia (Địa chỉ: Số 8A, tổ 3 đường Đông Quan, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo tương tự đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Khánh Đan LMD. Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Dược phẩm Phú Tín (địa chỉ Thôn Vân La, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) sản xuất và Công ty Cổ phần Dược phẩm LMD Việt Nam (lầu 7, block A, Tòa nhà Waseco, số 10 đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Sản phẩm An Khánh Đan LMD được quảng cáo hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém; thanh lọc cơ thể (làm sạch máu, tăng khả năng dẫn xuất các chất dinh dưỡng, vi lượng cung cấp cho tế báo);

Giải quyết các bệnh lý về hệ tim mạch (giảm cholesterol, hạ huyết áp, tăng độ đàn hồi nội mạch, chống xơ vữa…); hỗ trợ bệnh nhân điều trị tiểu đường tuýp 2, các bệnh nhân ung thư, có nhiều bệnh nền, các bệnh mãn tính như viêm xoang, đau nhức…; giúp cơ thể thải độc do ô nhiễm môi trường, thực phẩm hàng ngày; nâng cao sức khỏe chủ động cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng thông báo đến người tiêu dùng sản phẩm Viên uống Tauna, Bảo Nhãn Vương vi phạm quy định quảng cáo, đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào nội dung quảng cáo để mua và sử dụng sản phẩm.

Hệ lụy của việc quảng cáo TPCN sai sự thật

quang cao thuc pham chuc nang2

 

Có thể thấy, hệ lụy của vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN là rất nghiêm trọng, gây tổn hại sức khỏe của người dân khi mua phải hàng giả, kém chất lượng, có bệnh mà không chữa trị kịp thời do lầm tưởng sử dụng TPCN như thuốc chữa bệnh, thiệt hại về tài chính,...

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên. Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình quảng cáo và tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiện nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo nhiều nội dung sai sự thật.

Chưa kể, có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học đóng giả bác sĩ, dược sĩ thực hiện tư vấn.  

Vậy việc cố tình quảng cáo sai nhằm bán hàng có phải là 1 trong những hành vi lừa đảo hay không?

Cần xử lý mạnh tay, chấn chỉnh nghiêm

Tại buổi làm việc về vấn đề quảng cáo thuốc, TPCN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan liên quan cần có những vi biện pháp xử lý mạnh tay, chấn chỉnh nghiêm… các hành vi vi phạm trong quảng cáo thuốc, TPCN. Mọi công tác phải được thực hiện với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), với từng khâu của cả quá trình.

Để kiểm soát hiệu quả việc quảng cáo TPCN, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần rà soát lại quy trình cấp phép quảng cáo các sản phẩm loại này. Cùng với đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cần phải công khai các cơ sở vi phạm, thậm chí là trang điện tử vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Đặc biệt, trong công cuộc chống vi phạm hoạt động quảng cáo TPCN rất cần sự phối hợp của người dân, không mua TPCN khi không thật sự cần thiết (có sự tham khảo, khuyến cáo của người thực sự có chuyên môn) và không mua sản phẩm quảng cáo qua tuyên truyền miệng. Chủ động tìm hiểu về sản phẩm trên các trang thông tin của ngành chuyên môn y tế để bảo đảm sản phẩm đã được cấp phép hoặc sản phẩm không thuộc diện bị thu hồi do phát hiện các lỗi về chất lượng sau khi đưa ra thị trường, tránh “tiền mất tật mang”.

Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 13 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.