SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Phát triển thị trường khí Việt Nam

07:36, 23/11/2023
(SHTT) - Ngày 22/11 tại Hà Nội, Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan chủ trì tổ chức “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.
1

Quang cảnh Diễn đàn 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Tại Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”

Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%). Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Tuy nhiên, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng, hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành, việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án điện khí vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: vướng mắc trong đàm phán giá điện do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá mua đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý cho các dự án khí hóa lỏng chưa hoàn thiện; khó thu xếp vốn cho dự án khí hóa lỏng…

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, nguyên tắc phát triển điện lực là ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ được chứng thực. Nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nhiên liệu sơ cấp.

Cùng với đó, đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050. Không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế và công nghệ cũ sẽ dừng hoạt động (dự kiến sau 40 năm vận hành), định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối - amoniac sau 20 năm vận hành. Đến năm 2050, dừng sử dụng than cho phát điện. Xem xét chuyển đổi một số dự án nguồn điện dự kiến sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng LNG. Phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu ở quy mô phù hợp.

Riêng về khí LNG, đại diện Bộ Công thương đánh giá, những năm gần đây, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.

Tại Việt Nam, theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,  đánh giá lộ trình đạt mức phát thải ròng sẽ bằng 0 vào năm 2050. Dầu, khí đốt tự nhiên và than chiếm khoảng 4/5 tổng nguồn cung năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2021. Trong kịch bản, tỷ lệ này giảm xuống khoảng 2/3 vào năm 2030 và dưới 1/5 vào năm 2050. Từ năm 2021 đến năm 2050, nhu cầu than giảm 90%, dầu giảm khoảng 80% và khí đốt tự nhiên giảm hơn 70%.

2

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết, năng lượng mặt trời và năng lượng gió có công suất bổ sung hàng năm đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2022, tăng trung bình khoảng 11% mỗi năm. Việc mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo có thể được xây dựng dựa trên động lực mạnh mẽ gần đây.

Nói về hành trình hướng tới Net Zero - Năng lượng mới, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khi được sản xuất từ năng lượng tái tạo, hydro xanh có thể giúp khử carbon trong một loạt lĩnh vực “khó giảm thiểu”, bao gồm vận tải đường dài, hóa chất, sản xuất sắt và thép.

Hydro cũng có thể hỗ trợ việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau trong hệ thống điện, là một trong số ít lựa chọn để lưu trữ điện trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Là một phần của mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, nhiên liệu hydro và nhiên liệu gốc hydro có thể tránh được tới 60 gigaton phát thải CO2 vào giữa thế kỷ này, tương đương với 6% tổng lượng phát thải tích lũy giảm được. Hydro xanh hoặc hydro không phát thải được sản xuất bằng máy điện phân chạy bằng năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng hydro tính đến đầu năm 2022, phần lớn vẫn được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.

Chi phí năng lượng tái tạo và công nghệ điện phân tiếp tục giảm. Đến năm 2030, giá thành máy điện phân có thể giảm 70% so với giá năm 2022.

Cũng theo ông Kiên, năm 2022, Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á về chuyển đổi và sử dụng năng lượng tái tạo, đây là điểm sáng. Trong sơ đồ điện VIII thì dư địa điện khí còn nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc ở vấn đề hợp đồng mua bán điện, đảm bảo chuyển đổi đồng nội tệ nên các đàm phán về mua bán điện không thực hiện được. Vấn đề thứ hai là chúng ta chưa có phương án khả thi cho việc xây dựng nhà máy, kho chứa…

Theo ông Kiên, hiện nhiều địa phương từ chối sản xuất điện than, chỉ sản xuất điện khí như: Hậu Giang, Long An. Nhưng thực tế lại chưa thực hiện được, do yếu tố kỹ thuật, kinh tế, địa chính trị. Chúng ta cũng chưa giải quyết được bài toán phát điện tập trung hay phát điện phân tán. Nhìn vào nguồn cung trước mắt, dự báo mùa hè năm 2024 sẽ thiếu điện.

PV

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp lần thứ 4 của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào sáng nay, ngày 3/5.
Tin tức 4 giờ trước
Từ ngày 8 - 11/5/2024, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến nhiều người ngộ độc tại Đồng Nai.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ra quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi tại 63 tỉnh, thành phố.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Nữ sinh Nghệ An Nguyễn Quỳnh Mây là một trong 30 người trên toàn thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm 2024, thu hút nhiều sự quan tâm.