SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Nhiều bất cập trong hoạt động môi giới bất động sản

15:01, 29/06/2020
(SHTT) - Tại hội thảo Vai trò hoạt động môi giới bất động sản trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập và đề xuất những giải pháp khắc phục trong hoạt động môi giới bất động sản trong nước.

Gần 90% môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho biết, có gần 90% môi giới bất động sản hoạt động không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém...

Theo ông Lập, chỉ có khoảng 1000 đơn vị thành lập sàn giao dịch trong số hàng vạn công ty tham gia dịch vụ môi giới bất động sản. Đến tháng 6/2019 có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động lĩnh vực môi giới; trong đó chỉ có 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ 2006, còn theo luật mới là 8.000 người.

Tính ra, tỷ lệ môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ hành nghề là hơn 88%. Tại Đà Nẵng, hơn 10 năm triển khai đào tạo và cấp chứng chỉ, đến nay cũng chỉ mới có hơn 1.600 chứng chỉ môi giới được cấp.

Ông Lập cũng cho biết, luật Đất đai năm 1993 ra đời đã góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường bất động sản Việt Nam hình thành và phát triển.

Năm 2006, Quốc hội thông qua luật Kinh doanh bất động sản đầu tiên; từ đây các hoạt động đầu tư, tạo lập, mua bán, chuyển nhượng bất động sản và hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có môi giới bất động sản được điều chỉnh trong khuôn khổ pháp luật. Có thể xem như nghề môi giới được “khai sinh” từ đây, được thừa nhận, địa vị pháp lý của nhà môi giới được xác lập rõ ràng.

BDS

 Hội thảo Vai trò hoạt động môi giới bất động sản trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam.

 Tuy nhiên, ông Lập cho rằng, phần lớn lực lượng môi giới hiện nay thiếu kiến thức căn bản để hành nghề. Đặc biệt là kiến thức về pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

“Môi giới phần lớn hoạt động không khác gì người “dẫn mối” hoặc là như sale bán hàng; không ít môi giới bắt tay với nhà đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất ở khắp các địa phương, gây náo loạn thị trường, thổi giá để trục lợi... Họ là tác nhân chính khiến giá nhà đất lên cao vượt quá khả năng chi trả của người dân. Không ít khách hàng là nạn nhân bị “cò đất” lừa đảo, mất trắng tài sản tích cóp cả một đời người. Hệ lụy để lại cho xã hội là vô cùng to lớn”.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đức Lập, TS Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cho hay theo khảo sát của Bộ Xây dựng, có đến hơn 80% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.

Một số người hành nghề môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, các quy định quản lý. Một số lượng không nhỏ các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch... Thực tế cho thấy, người hành nghề môi giới bất động sản chân chính chưa được bảo vệ…

Theo TS Trần Hữu Hà, môi giới bất động sản ở Việt Nam có trình độ thấp, thiếu chuyên nghiệp và còn thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật. Hoạt động đào tạo bài bản chuyên sâu cho người hành nghề chưa thực sự được quan tâm, đang thiếu một giáo trình hoàn chỉnh cho công tác đào tạo chứng chỉ hành nghề.

Cần quy hoạch lại hoạt động môi giới bất động sản

Trước thực trạng trên, theo các chuyên gia, để hướng đến một thị trường dịch vụ môi giới BĐS chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đại diện Khoa Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị) cho hay, vấn nạn giao dịch ngầm “cò đất ” trong thị trường bất động sản đang làm đau đầu các nhà quản lý. Do vậy, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cho hoạt động môi giới bất động sản.

Để dịch vụ môi giới bất động sản phát triển thì niềm tin của khách hàng sẽ là điều kiện sống còn. Đã đến lúc chúng ta phải thay khái niệm “cò đất” bằng “nhà môi giới”

Để làm được điều này, cần phải quy hoạch lại hoạt động môi giới bất động sản và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước với các quy định luật lệ rõ ràng, cấp thẻ hành nghề môi giới và đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhà nước phải tăng cường kiểm soát hoạt động của các tổ chức trung tâm môi giới hiện nay như yêu cầu người làm dịch vụ tư vấn môi giới bắt buộc phải đăng ký hoạt động và được nhà nước cấp phép. Đồng thời, cần có chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Cần công khai thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm hỗ trợ sàn giao dịch bất động sản.

BDS 1

 Nhiều bất cập trong hoạt động môi giới bất động sản.

 Theo đề xuất của ông Nguyễn Đức Lập, trước hết, cần chấn chỉnh lại công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới. Theo đó, cần điều chỉnh lại bộ khung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là, cần quy định bắt buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ, cũng như quy định bổ sung cập nhật kiến thức hàng năm để hành nghề…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới BĐS. Hiện nay, công tác thanh kiểm tra hoạt động môi giới, đặc biệt là môi giới tự do đang bị bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường môi giới BĐS đầy méo mó và nhiều tiêu cực.

Cùng với đó, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề hiện chưa đủ sức cần răn đe, do đó cần phải có những chế tài mạnh hơn. Ngoài ra, giá trị pháp lý của chứng chỉ môi giới cần rút ngắn thời hạn để yêu cầu các nhà môi giới BĐS cần phải liên tục tìm hiểu và học hỏi sâu hơn về nghề của mình….

Các chuyên gia cùng chung nhận định, Nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà môi giới tham gia sâu hơn vào giao dịch bất động sản hoặc ràng buộc bằng cơ chế pháp lý buộc giao dịch phải có sự tham gia của nhà môi giới.

Cùng với đó, cần phát triển các trung tâm đào tạo môi giới bất động sản chuyên nghiệp. Nhà nước quan tâm hơn nữa tới những ngành dịch vụ liên quan đến thị trường bất động sản vì hiện nay hệ thống hạ tầng cho đào tạo nghề môi giới bất động sản ở nước ta còn thiếu hụt.

Cần có xác nhận của môi giới với mã số hành nghề riêng rồi mới đến bước ký hợp đồng sang nhượng, cho thuê; chấn chỉnh lại công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới bất động sản đúng quy định pháp luật; quy định cơ chế báo cáo đối với các đơn vị môi giới không phải là sàn giao dịch… Như vậy, thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn nếu đội ngũ môi giới được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ hơn.

Hải Lan

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Startup nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc vừa lọt top 3 trong bảng xếp hạng “ngôi sao đang lên” của Edtech thế giới năm 2024 do tạp chí TIME (Mỹ) và hãng nghiên cứu thị trường Statista thực hiện...
Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - VPBank là ngân hàng đầu tiên trên thị trường triển khai chương trình tài trợ trọn gói cho vay vốn thuê/mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp (BĐS KCN, CCN) với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng và chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê/mua BĐS.
Kinh tế 5 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.