Nhãn hiệu tập thể 'dệt zèng A Lưới': Hồi sinh văn hóa người Tà Ôi
Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch DTTS các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2019, sản phẩm dệt zèng của đồng bào Tà Ôi được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Với chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, các sản phẩm dệt zèng ngày càng có uy tín và được du khách tin tưởng lựa chọn. Sản phẩm cũng đã có mặt tại nhiều quốc gia như: Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp,...
Từ nét đẹp sinh hoạt đến di sản văn hóa
Dệt zèng là một trong những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới. Những tấm zèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng. Mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng đều mang trang phục được làm nên từ zèng, tạo ra nét đặc trưng riêng biệt của đồng bào người Tà Ôi.
Bà Mai Thị Hợp, 59 tuổi (trú tổ dân phố 4, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới), nghệ nhân dệt thổ cẩm zèng cho biết thổ cẩm của người Tà Ôi đặc biệt ở những chi tiết được đính cườm bắt mắt, thay vì thêu chỉ màu. Những tấm zèng chất lượng có thể sử dụng lến đến 40 - 50 năm.
Để tạo ra một sản phẩm zèng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước đây, để tạo nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, người ta phải trồng bông để lấy sợi vải. Khi đã có sợi vải thì tiến hành nhuộm màu bằng những loại lá, vỏ, củ và rễ cây rừng, có chỉ mới bắt đầu lên khung, dàn sợi và dệt. Quá trình này mất gần 1 năm.
Lên khung là công đoạn khó nhất trong kĩ thuật dệt zèng. Người thợ phải hình dung được hoa văn, màu sắc muốn trang trí, sau đó xếp chỉ, kết cườm để các chi tiết, hoa văn đồng đều, hài hòa. Để thành thạo được kĩ thuật lên khung thông thường, người thợ phải mất từ 2 - 3 năm học nghề, nhưng không phải ai cũng có thể làm được sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao.
“Trước đây cả năm chỉ làm được 1 - 2 tấm zèng, cũng vì thế giá trị rất lớn. Một con trâu/bò chỉ có thể đổi lấy từ 2 - 3 tấm zèng. Người Tà Ôi nào sở hữu được nhiều bộ trang phục bằng đồ dệt đắt tiền sẽ là người giàu có”, bà Hợp cho hay.
Màu sắc đặc trưng của thổ cẩm zèng là màu xanh đậm, đen, đỏ kết hợp với những hoa văn hình mặt cá, mặt chim, hình vuông, tròn, và hình cây cối, sông núi. Có thể nói mỗi tấm zèng là bức tranh phản ánh sinh động cuộc sống của người dân Tà Ôi.
Trong văn hóa của đồng bào Tà Ôi, những lễ nghi, các sự kiện lớn luôn gắn liền với bộ trang phục dệt zèng. Trong đám cưới, A-Ăm (mẹ) sẽ trao cho con gái tấm zèng để làm của hồi môn. Mỗi gia đình dù nghèo khó đến đâu cũng phải có ít nhất 1 - 2 tấm zèng. Vì trong văn hóa của Tà Ôi, người phụ nữ đảm đang là người có thể làm ra những tấm zèng đẹp mắt, chắc chắn.
Đặc biệt trong các nghi lễ liên quan đến thần linh, tổ tiên, những tấm zèng trở thành linh vật để kết nối giữa hai thế giới. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nghi thức cúng Pleh - lễ dâng tấm zèng được người Tà Ôi hết sức coi trọng. Hơn hết, việc dâng tấm zèng trong các dịp mừng lúa mới, lễ cưới là sợi dây kết nối mỗi người Tà Ôi, giúp họ thêm quý trọng, gìn giữ và lưu truyền bản sắc của dân tộc mình.
Ngày 21/11/2016, văn hóa dệt zèng huyện A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với danh hiệu đó, dệt zèng đang trở thành sản phẩm mang tính thương hiệu của huyện A Lưới.
Đối với đồng bào Tà Ôi, văn hóa dệt zèng ở A Lưới được công nhận đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân lúc nhàn rỗi, đồng thời có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần giảm nghèo, xây dựng kinh tế.
Phát triển kinh tế từ thương hiệu truyền thống
Bà Mai Thị Hợp hiện là chủ của một cơ sở dệt zèng có tiếng ở A Lưới. Bắt đầu dệt từ năm 12 tuổi đến nay, nghề này đã theo bà gần được 50 năm.
"Những sản phẩm dệt zèng trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân. Hiện nay việc cải tạo hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng với nhiều sản phẩm như: Khăn, túi, khố, váy, giày,... đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới”, bà Hợp cho biết.
Dệt zèng trước đây chỉ mang tính thủ công, là công việc của chị em phụ nữ lúc nông nhàn, phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình. Nhưng hiện nay, nó đã trở thành một nghề kiếm ra thu nhập.
Các hợp tác xã được thành lập hình thành các chuỗi sản xuất quy mô lớn, đã góp phần phát huy giá trị của sản phẩm zèng. Một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng. Giá bán trung bình một tấm zèng loại thường là từ 200.000 đến 1 triệu đồng, giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng lúc nhàn rỗi.
Bà Mai Thị Hợp, Chủ nhiệm HTX thổ cẩm xanh Azakooh cho biết HTX hiện có hơn 100 chị em phụ nữ tham gia. Nhờ có sự hỗ trợ liên kết với nhau trong việc cải tiến mẫu mã, chất lượng, HTX đã có nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn, giúp chị em có thu nhập hàng tháng. Bình quân mỗi năm, HTX thu về lợi nhuận từ 350 triệu đồng.
Hiện nay, nghề dệt zèng thủ công A Lưới chính là điểm đến du lịch cộng đồng hút khách. Việc kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt zèng, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Phan Hòa
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Lăng mộ đá ninh bình giá tốt