SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Ngày thứ hai kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa VIII: Hiến kế nhiều giải pháp thiết thực

09:15, 11/12/2013
Ngày 10-12, kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa VIII tiếp tục làm việc với phần thảo luận tại hội trường của các đại biểu (ĐB). Bên cạnh phân tích, mổ xẻ những tồn tại của nền kinh tế TP, các ĐB cũng hiến kế nhiều giải pháp thiết thực.

Giải pháp căn cơ để phát triển bền vững

Một số ĐB cho rằng báo cáo về bức tranh kinh tế của TPHCM rất khả quan với nhiều kết quả tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy UBND TP đi sâu vào phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, từ đó có giải pháp căn cơ nhằm đưa kinh tế TP tăng trưởng bền vững hơn. ĐB Tô Thị Bích Châu nêu: “Trong báo cáo kinh tế - xã hội thấy UBND TP nói kinh tế đang phục hồi và “ấm” dần nhưng về các quận huyện, quan sát hoạt động của nhiều doanh nghiệp thì vẫn chưa thấy “hơi ấm” đó”.

Ở khía cạnh khác, ĐB Thái Tuấn Chí cho rằng, TP có lợi thế về cảng biển, hàng không và cũng là nơi đầu tiên doanh nghiệp nước ngoài nghĩ đến khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Vậy nhưng, dù TP luôn định hướng phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, trên thực tế lại rất thiếu nguồn nhân lực cao cấp cho các dự án FDI cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. ĐB Từ Minh Thiện góp ý: Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của TP lâu nay mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là các giải pháp kích thích doanh nghiệp tham gia. Các sản phẩm xuất khẩu của TP có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm chủ lực lại không thấy nhiều…

Từ thực tế này, nhiều giải pháp được ĐB đề xuất. Theo ĐB Thái Tuấn Chí, TP cần sớm xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời thành lập ban nghiên cứu các cơ hội từ Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tư vấn chiến lược và đề xuất các chính sách đón đầu các nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp.

Lo lắng trước tình hình kim ngạch xuất khẩu của TP năm 2013 bị giảm sút, ĐB Từ Minh Thiện kiến nghị TP sớm có chiến lược rõ ràng về thị trường và sản phẩm xuất khẩu. “Nếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của TP, doanh nghiệp không được hỗ trợ và chuẩn bị kỹ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì sẽ có hiện tượng doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại, sở hữu và nội lực của doanh nghiệp trong nước ít nhiều bị ảnh hưởng”, ĐB Từ Minh Thiện nêu ý kiến. Ngoài ra, theo ông, TP cần có chính sách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng, nguyên vật liệu thô vì hiện nay lượng nguyên liệu thô xuất sang Trung Quốc rất lớn.

Doanh nghiệp mong được hỗ trợ

Ở góc nhìn khác, theo ĐB Trương Vĩ Kiến, trước những biến động bất thường của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước, nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất và đây là thời điểm doanh nghiệp mong nhà nước hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục trụ vững, vượt khó. Điều đáng mừng là hiện nay nhiều ngân hàng đã tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn mới cho sản xuất khi doanh nghiệp ăn nên làm ra. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản về giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng như miễn, giảm lãi vay, không thu lãi quá hạn và cơ cấu nợ cho doanh nghiệp có thời hạn đến ngày 31-12-2013.

Tuy nhiên, theo ĐB Trương Vĩ Kiến, thời hạn này rất gấp đối với doanh nghiệp nên ông đề nghị UBND TPHCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm thời hiệu của văn bản này. Ngoài ra, ông cũng đặt vấn đề TP nên tiếp tục kiến nghị Chính phủ về nợ đọng thuế hải quan, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể: tạm thời cho doanh nghiệp được giãn nợ thuế, giảm và khoanh nợ phát sinh trong một thời gian nhất định, nếu được hỗ trợ nhiều doanh nghiệp sẽ hồi sinh.

Khẳng định nền kinh tế đang phục hồi, tham gia trả lời kiến nghị của các ĐB, Giám đốc Sở Tài chính TP Đào Thị Hương Lan cho biết: GDP là biểu hiện “sức khỏe” nền kinh tế. Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP đều ở từng quý (quý 1 đến quý 4 tăng lần lượt là 7,6%, 8,1%, 10,3% và 10,7%), điều này khẳng định kinh tế TP dần phục hồi. Còn nếu so sánh với GDP thành phố trong năm 2012 tăng 9,2% thì sang năm 2013 nhích lên 9,3% cũng cho thấy sản xuất vẫn có tăng trưởng. Chưa kể số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhiều hơn giảm. Tính đến tháng 10-2013, số doanh nghiệp tăng thêm 28.586 đơn vị. Ngoài ra có 5.679 doanh nghiệp tái hoạt động, trong khi đó số doanh nghiệp giảm chỉ có 18.997 doanh nghiệp. Hiện nay, TP có tổng cộng 138.586 doanh nghiệp đang hoạt động.

Biểu hiện của sự hồi phục nền kinh tế TP còn được Giám đốc Sở Tài chính minh họa là tỷ trọng số tờ khai có thuế thu nhập của doanh nghiệp tăng dần hàng quý. “Doanh nghiệp có lợi nhuận mới kê khai thuế, chứng tỏ sản xuất có dấu hiệu hồi phục và lâu nay thu thuế từ khu vực sản xuất chiếm đến 70% trong tổng nguồn thu”, bà Đào Thị Hương Lan khẳng định.

Hôm qua, các đại biểu HĐND TPHCM đã thảo luận và thông qua nội dung 13 tờ trình của UBND TP. Trong đó, có một số tờ trình liên quan đến đời sống người dân như: tờ trình điều chỉnh giá gần 2.000 dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập áp dụng từ ngày 1-6-2014 với mức tăng bình quân 49% so với hiện tại; tờ trình về điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội và tại cầu Bình Triệu.

Ngoài ra, một số tờ trình khác cũng được thông qua như tờ trình về bảng giá các loại đất trên địa bàn TP công bố ngày 1-1-2014; tờ trình về chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn TP giai đoạn 2014 - 2015 với tiêu chí hộ nghèo là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và hộ cận nghèo là giai đoạn 2014 - 2015 là 22 triệu đồng/người/năm trở xuống; tờ trình giảm tỷ lệ thu phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) từ 15% xuống còn 10%; tờ trình về bổ sung Quỹ tên đường tại TP...

Người dân TPHCM sẽ đón tết trong yên bình

Trước lo lắng của nhiều ĐB về tình hình tội phạm trộm cắp gia tăng, trong buổi thảo luận tại hội trường hôm qua, Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP, thông tin: Công an TP đã mở một đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm với sự tăng cường các lực lượng trinh sát cũng như công an ở cơ sở nhằm nắm nhanh, chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm có tổ chức và lưu động. Bên cạnh đó, ngành công an TP tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát bằng nhiều tổ tuần tra ở các quận và TP gồm 3 lực lượng: cảnh sát hình sự, cơ động và giao thông. Đồng thời, 24 tổ đặc nhiệm hình sự ở 24 quận huyện và 1 tổ đặc nhiệm của TP sẽ hóa trang, có mặt ngày đêm trên các tuyến phố để sẵn sàng phát hiện và bắt giữ tội phạm. Ở 322 phường xã, lãnh đạo Công an TP cho biết sẽ duy trì các tổ tuần tra như lực lượng công an phường, dân quân, dân phòng… ở khu dân cư và tăng cường phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khu dân cư, xí nghiệp… “Với những công tác trọng tâm và giải pháp nêu trên, từ nay đến Tết Giáp Ngọ, cùng sự tham gia tích cực của người dân TP, chúng ta có quyền hy vọng bà con sẽ đón một cái tết trong an ninh, trật tự và yên lành”, Đại tá Ngô Minh Châu phát biểu.

Tuy nhiên, với phần phát biểu này của đại diện Công an TPHCM, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: “Người dân thì hy vọng, nhưng ngành công an phải đưa ra được cam kết chứ công an mà hy vọng nữa thì e rằng không ổn!”. Trước ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại tá Ngô Minh Châu cho rằng với những kế hoạch, biện pháp mà Công an TP đưa ra có thể đã thay cho lời cam kết của ngành công an đối với nhân dân TP.

Hôm nay, Chủ tịch UBND TPHCM trả lời chất vấn

Hôm nay 11-12, kỳ họp tiếp tục với phần chất vấn của các ĐB. Dự kiến Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo 3 đơn vị sẽ trả lời chất vấn. Cụ thể, Giám đốc Sở GTVT TP trả lời chất vấn về hiệu quả đầu tư, trợ giá cho phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt; chất lượng xe buýt và thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt; việc bố trí, phân chia luồng tuyến xe buýt; giải pháp để gia tăng số lượt người tham gia sử dụng phương tiện xe buýt. Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP trả lời chất vấn về tình hình chống, giảm ngập trên địa bàn TP trong thời gian qua; hiệu quả của các công trình chống ngập; dự báo tình hình ngập, giải pháp chủ yếu chống ngập trong thời gian tới. Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP trả lời chất vấn về hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế TP, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn của TP; hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học, số đề tài ứng dụng vào thực tiễn. Chủ tịch UBND TP báo cáo, trả lời chất vấn về một số vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội trong năm 2013 và giải pháp trọng tâm cho năm 2014 - 2015.

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố thủ tục Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có các hướng dẫn chi tiết về trình tự và các thức thực hiện cho học sinh.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 với yêu cầu không được xảy ra mất nước kéo dài.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - UNESCO hiểu rõ tầm quan trọng của Hoàng Thành Thăng Long đối với Hà Nội, cam kết ủng hộ công trình này tại các diễn đàn do UNESCO tổ chức.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".