SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Ngân hàng Việt vươn ra thị trường nước ngoài

10:52, 25/09/2015
Để chủ động trong tiến trình hội nhập, các ngân hàng Việt đã tăng cường liên kết, hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh và không ít thương hiệu ngân hàng Việt đã vươn xa đến các nước trong khu vực. 

Hút vốn ngoại, mở rộng hợp tác

Dù đang phải đối mặt với xử lý nợ xấu, nhưng cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vẫn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Quỹ đầu tư VOF Investment Limited (thuộc VinaCapital) đang nắm giữ hơn 5% vốn điều lệ của Eximbank và là cổ đông lớn thứ ba của ngân hàng này. VinaCapital cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Ngân hàng hợp nhất đầu tiên của Việt Nam là SCB trong đợt tăng vốn điều lệ từ hơn 12.000 tỷ đồng lên gần 14.300 tỷ đồng mới đây, cũng thu hút được 2 nhà đầu tư đến từ Anh mua khoảng 14% cổ phần.

Các ngân hàng cho biết, việc thu hút được nguồn lực từ các cổ đông chiến lược nước ngoài là rất cần thiết trong giai đoạn tái cấu trúc. Bên cạnh việc nâng cao năng lực tài chính, các ngân hàng còn tiếp cận được kinh nghiệm quản trị tiên tiến, công nghệ hiện đại để chuẩn bị cho quá trình hội nhập. Chính vì thế, không ít ngân hàng đã có chiến lược thu hút nhà đầu tư ngoại trong thời gian tới. SCB cho biết sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn ngoại (ở đợt tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng đợt 2 trong năm 2015) và đang có kế hoạch trình Ngân hàng nhà nước (NHNN) xin chủ trương bán cổ phần trên tỷ lệ quy định. ABBank đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài lên mức 30%, trong đó Ngân hàng MayBank (Malaysia) nắm 20% và IFC (Công ty Tài chính quốc tế) nắm 10%. Về việc tìm đối tác chiến lược sau khi sáp nhập với MHB, mặc dù chưa tiết lộ các đối tác đang đàm phán nhưng Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà cho biết, trong hoạt động của một ngân hàng lớn và trong điều kiện mà Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng thì chắc chắn phải theo thông lệ đối tác phải là nước ngoài. Ông Hà cũng cho biết BIDV dự kiến sẽ bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài trong năm 2016, nhưng thời điểm cụ thể thì phải căn cứ vào thị trường.

Các ngân hàng cũng tăng cường hợp tác với các đối tác ngoại để mở rộng thị trường. Mới đây, BIDV đã tổ chức các cuộc gặp mặt trao đổi song phương với 14 đối tác quốc tế là những định chế tài chính hàng đầu khu vực và quy mô lớn như: Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC); Ngân hàng HSBC, Standard Chartered, Metlife (Mỹ), JICA, Jujoku, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản)… để hướng tới mở rộng các quan hệ hợp tác. BIDV cũng vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng Cathay United Bank (CUB) của Đài Loan nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các công ty con của BIDV với CUB, đặc biệt tại các thị trường Campuchia, Lào, Myanmar… HDBank đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Hana (Hàn Quốc), chính thức xác lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa hai ngân hàng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết. Sacombank và Phòng Thương mại - Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) cũng đã ký biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác nhằm phát triển, hỗ trợ đôi bên tìm hiểu thị trường, cung cấp thông tin các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại.

Vươn ra thế giới

Để chuẩn bị cho hội nhập, nhiều ngân hàng Việt đã có mặt ở nước ngoài, tạo dựng được uy tín nhằm từng bước chinh phục thị trường tài chính khu vực. Sacombank được coi là ngân hàng thương mại cổ phần tiên phong mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, với việc thành lập chi nhánh tại Lào từ năm 2008. Sau gần 7 năm hoạt động, tháng 8-2015, Sacombank đã chính thức chuyển đổi chi nhánh tại Lào thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài (vốn điều lệ 39 triệu USD), đánh dấu bước phát triển mới của Sacombank tại Lào cũng như tại khu vực Đông Dương. Ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết Ngân hàng Sacombank Lào cung ứng những gói giải pháp tài chính và các dịch vụ ngân hàng hiện đại, không chỉ dành cho kiều bào và các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào, mà còn phục vụ mọi đối tượng khách hàng tại địa phương. Đến nay, mạng lưới hoạt động của Sacombank ở nước ngoài bao gồm 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 7 chi nhánh tại Campuchia; 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 2 chi nhánh tại Lào, hiện đang kinh doanh rất tốt.

Sau khi đặt 2 chi nhánh tại Đức (ở thành phố Frankfurt và Berlin), tháng 8 vừa qua, Vietinbank đã chính thức hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Lào (vốn điều lệ 50 triệu USD). Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, việc thành lập Ngân hàng Vietinbank Lào là bước tiếp theo trong quá trình thực hiện chiến lược tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của VietinBank. Mặc dù mới mở chi nhánh từ năm 2012 nhưng VietinBank ở Lào đã phát triển khá mạnh: Cuối năm 2012, tổng tài sản chi nhánh VietinBank tại Lào đạt 41 triệu USD, dư nợ tín dụng hơn 24 triệu USD. Đến hết năm 2014, tổng tài sản của chi nhánh đạt 114 triệu USD, dư nợ tín dụng hơn 83 triệu USD và lợi nhuận rất tốt. Theo ông Thọ, trong tiến trình mở rộng mạng lưới ra nước ngoài, Vietinbank cũng đang có kế hoạch mở rộng ra thị trường Myanmar trong thời gian tới.

Nhận định về hiện tượng ngân hàng Việt vươn ra thế giới, các chuyên gia tài chính cho rằng đây là dấu hiệu tích cực của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc phát triển mạng lưới quốc tế thể hiện sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua đó cũng đo lường sức khỏe, sức cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam cả trong và ngoài nước. Sự phát triển này không chỉ giúp các ngân hàng mở rộng lĩnh vực kinh doanh, có thêm những sân chơi mới, vị thế mới mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngân hàng Việt trên thế giới.

Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết: Là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có văn phòng đại diện tại Myanmar, BIDV đã trình đơn lên Tổng thống Myanmar về việc đăng ký xin thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Myanmar. Hồ sơ của BIDV được Ủy ban Giám sát tài chính nhà nước của Chính phủ Myanmar đánh giá là bộ hồ sơ nằm trong tốp chuẩn nhất và hy vọng sẽ được cấp phép trong năm nay…

 

Tin khác

Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau 6 ngày diễn ra (từ 26/4 đến 1/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.
Kinh tế 5 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 5 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Liên kết hữu ích