SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Miền Trung thúc đẩy phát huy chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cộng đồng

14:55, 22/04/2024
Trong thời gian qua, các tỉnh miền Trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cộng đồng. Điều này trở thành định hướng quan trọng thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản.

Bên cạnh góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa vẫn có những sản phẩm gặp vướng mắc trong quản lý, khai thác các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cộng đồng hiệu quả.

Một số vướng mắc trong quản lý, khai thác

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh này xác lập được 2 chỉ dẫn địa lý và 104 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Thương hiệu cộng đồng từng bước khẳng định vai trò, giá trị trong sản xuất, thương mại sản phẩm nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Ông Trần Công Hòa – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi - cho hay: “Cùng những kết quả tích cực, xây dựng thương hiệu cộng đồng còn nhiều khó khăn từ chính sách, thể chế đến các hoạt động tổ chức quản lý, khai thác giá trị của thương hiệu trên thị trường”.

Thương hiệu cộng đồng chưa thực sự phát huy được hết giá trị so với tiềm năng, mong đợi nên rất cần những giải pháp hay để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cộng đồng trong thời gian tới.

Sản phẩm quế “Trà Bồng” được cấp chỉ dẫn địa lý. Sau 3 năm, giá trị của cây quế và các sản phẩm quế có xu hướng tăng giúp đời sống đồng bào Kor trồng và sản xuất quế miền sơn cước Trà Bồng nâng lên song chưa thực sự đáng kể.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp Trà Bồng hình thành được các tổ chức tập thể như Hội Quế Trà Bồng, các hợp tác xã, doanh nghiệp kết nối vào các chương trình lớn như xây dựng nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm

ddee4d32b30b1d55441a

Hội thảo Phát huy chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cộng đồng khu vực miền Trung. 

Các chủ thể như hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình tổ chức phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm trên thị trường phát huy được vai trò của các thương hiệu. Điển hình như 03 doanh nghiệp: Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng, Công ty TNHH MTV DV-TM Hiếu Dũng và Công ty TNHH WECAY chuyên thu mua và chế biến quế để bán ra thị trường.

Phần lớn quế Trà Bồng bán ra thị trường là sản phẩm thô, sản phẩm sau sơ chế, phân loại được xuất ra thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Một phần sản phẩm sau sơ chế còn lại được bán ở thị trường nội địa, chủ yếu là quế chi và các sản phẩm từ quế như: Nhang quế, tinh dầu quế, bột quế, hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế …

Ngoài những tác động tích cực, mang lại những hiệu quả nhất định, việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” sản phẩm quế còn những tồn tại.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh làm đơn để đăng ký trao quyền chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” còn quá ít. Huyện chỉ mới cấp trao quyền chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng" cho 01 doanh nghiệp là công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp chưa trực tiếp tham gia vào chuỗi xuất khẩu quế ra nước ngoài.

Nhiều nguồn lực hỗ trợ khác nhau, tập trung ở ba ngành là: Khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công Thương nhưng sự phối hợp và tập trung nguồn lực còn rất hạn chế, dẫn đến nguồn lực bị phân tán.

Sự đồng hành của từng doanh nghiệp thành viên cho các hoạt động phát triển chỉ dẫn địa lý còn chưa cao. Trong khi để tiếp cận và phát triển được thị trường thì các tổ chức tập thể cần sự hỗ trợ, đồng hành thường xuyên, liên tục.

b7d7ee0a1033be6de722

Sản phẩm Quế Rừng Xanh đưa sản phẩm quế Trà Bồng giới thiệu tại các sự kiện lớn.

Đau đáu với sự phát triển thương hiệu cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra những lúng túng trong công tác quản lý của các địa phương và các chủ thể sở hữu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cộng đồng. Đó là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu, việc quản lý, kiểm soát chất lượng, kiểm soát việc gắn nhãn hiệu, đối tượng xin sử dụng nằm ngoài địa phương có địa danh,…

Số lượng hàng hóa ít, hoạt động quảng bá thương hiệu chưa được quan tâm, hoạt động chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chưa được đầu tư,… dẫn tới chưa khia thác, phát huy thương hiệu cộng đồng đúng giá trị.

Qua đó, ông Trần Công Hòa cho rằng có 4 khó khăn từ thực tiễn. Quy định về kiểm soát chất lượng chưa phù hợp với điều kiện sản xuất như: Nguồn nguyên liệu đầu vào, chất lượng của sản phẩm; thiếu nguồn lực về tài chính đầu tư cho công nghệ sản xuất, bảo quản sản phẩm.

“Nội dung quy chế quản lý chưa nhận được sự thống nhất, đồng tình của các cơ sở sử dụng nhãn hiệu, công cụ quảng bá và phát triển nhãn hiệu, năng lực của các tổ chức tập thể còn hạn chế không thể vận hành, triển khai được hoạt động trao quyền sử dụng”, ông Trần Công Hòa nói.

1396b0864dbfe3e1baae (1)

Ông Trần Công Hòa - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi. 

Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng, các tổ chức chưa đánh giá một cách toàn diện khả năng phát triển của sản phẩm. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu một số nơi chủ yếu phục vụ đăng ký sản phẩm OCOP, một số sản phẩm trùng nhau nhưng ở các xã khác nhau trong cùng một huyện dẫn đến số lượng hàng hóa manh mún.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa hiểu rõ và chưa thấy được lợi ích của việc sử dụng các nhãn hiệu cộng đồng, do đó không mặn mà tham gia đăng ký sử dụng nhãn hiệu này. Thậm chí, các cơ quan quản lý chưa thật sự hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và những hành động cụ thể để phát triển các nhãn hiệu cộng đồng.

Cần bồi tụ giá trị cho sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Hoạt động xây dựng nhãn hiệu cộng đồng được các địa phương tập trung chỉ đạo và có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản gắn liền với lợi thế về điều kiện địa lý. Thời gian qua, các nhãn hiệu cộng đồng tăng nhanh về số lượng cũng như sản phẩm.

Theo thống kê Cục Sở hữu trí tuệ, cả nước có 41 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 61 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 51 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.

e4d85d07a33e0d60542f

 

Đối với nông sản, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cũng là những vùng có số lượng nông sản được bảo hộ nhiều so với cả nước. Đa số các sản phẩm nông thôn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đều gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, bao gồm: tên tỉnh, huyện, xã và địa danh khác…

Ngoài các đối tượng bảo hộ trên, sản phẩm địa phương còn được xem xét bảo hộ dưới các đối tượng khác như: tên thương mại; bí mật kinh doanh; quyền đối với giống cây trồng hay quyền chống cạnh tranh không lành mạnh theo những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cần xây dựng hệ thống quản trị các tài sản trí tuệ theo địa danh, một trong số đó là quản trị tài sản trí tuệ gắn với các đặc sản địa phương.

Qua đó, bà Nguyễn Thị Thúy cho rằng cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ tại nơi phân phối sản phầm gồm: Phong tục tập quán, thu nhập bình quân đầu người, nhu cầu về phòng bệnh chữa bệnh, đối thủ cạnh tranh…

Xây dựng thương hiệu, gồm: Thông điệp gửi đến khách hàng, khẩu hiệu hành động của doanh nghiệp, thẻ ghi hàng hóa, đoạn nhạc quảng cáo, kiểu dáng sản phẩm, bao bì sản phẩm, màu sắc thống nhất trên mọi phương diện để nhận diện sản phẩm…

7ee48828a3110d4f5400

 Toàn cảnh hội thảo.

“Bồi tụ giá trị cho sản phẩm tập trung vào chất lượng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giá thành sản phẩm, quảng cáo, PR, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch truyền thông… Hay sản phẩm có thể phát triển theo hướng nhượng quyền thương mại (chuyển nhượng quyền, chuyển giao quyền, góp vốn) trong trường hợp tiềm lực lớn nhưng khả năng quản lý có hạn”, bà Thúy chia sẻ thêm.

Thành lập các tổ chức có đủ năng lực, trình độ chuyên môn để xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng; Đẩy mạnh việc quảng bá, phát triển thị trường cho các sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thông qua các kênh mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả cần tăng cường công tác đào tạo, tổ chức các buổi tuyên truyền sinh động về pháp luật sở hữu trí tuệ.

Nội dung đào tạo, truyền thông xoay quanh việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng, trao quyền khai thác nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các Hội, hiệp hội. Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ miền Trung – Tây Nguyên cũng nhắc nhở không lơ là, sao nhãng công tác thực thi bảo vệ sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng nhằm hạn chế hàng nhái, hàng giả làm mất uy tín của sản phẩm.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp lần thứ 4 của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào sáng nay, ngày 3/5.
Tin tức 3 giờ trước
Từ ngày 8 - 11/5/2024, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến nhiều người ngộ độc tại Đồng Nai.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ra quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi tại 63 tỉnh, thành phố.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Nữ sinh Nghệ An Nguyễn Quỳnh Mây là một trong 30 người trên toàn thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm 2024, thu hút nhiều sự quan tâm.