SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 11/05/2024
  • Click để copy

Lễ hội Đền Huyền Trân Công Chúa: Nhân dân Huế nhớ ơn ‘người mẹ xứ sở’

11:23, 28/02/2024
Ngày 8 - 9 tháng giêng, Lễ hội Đền Huyền Trân Công Chúa tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế). Sự kiện vừa khẳng định thương hiệu thành phố Festival vừa là dịp nhân dân nhớ về nguồn cội, bản sắc văn hóa.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ “người mẹ xứ sở” Huyền Trân Công Chúa - người được nhân dân tôn kính bởi hiếu nghĩa vẹn toàn và có công lao lớn đối với đất nước. 

Nhớ ơn công chúa nước Việt hi sinh tình riêng vì nghĩa lớn

Ngay trong ngày khai hội đầu tiên mùng 8 tháng Giêng, Đền Huyền Trân Công Chúa nghiêm trang tổ chức các nghi lễ truyền thống như: Lễ Hưng trác, lễ Cúng thí, lễ Tiên thường (Cáo giỗ) và tổ chức chính lễ giỗ vào ngày 9 tháng giêng.

DSC08206

 Lễ hội Đền Huyền Trân Công Chúa ngày chính lễ mùng 9 tháng giêng. 

Từ 7 giờ sáng, dòng người từ khắp nơi đi trong sương đổ về Đền Huyền Trân Công Chúa bắt đầu đông hơn. Người dân và du khách đến với ngôi Đền Huyền Trân Công Chúa tham gia lễ hội với nhiều hoạt động mang tính tâm linh như thỉnh chuông Hòa Bình trên núi Ngũ Phong cầu nguyện “Quốc thái dân an”, dâng hương tại điện Huyền Trân Công Chúa, Đền Thờ Vua Trần Nhân Tông.

Cũng trong ngày lễ chính này, lễ hội còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật ca Huế, bài chòi, các trò chơi dân gian, triển lãm tranh, ảnh, thư pháp, trình diễn thời trang áo dài và trang phục truyền thống Huế... Lễ hội Đền Huyền Trân thu hút hàng ngàn lượt người là du khách trong nước, quốc tế và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái.

DSC08192

 Sân khấu hóa xây dựng Huyền Trân Công Chúa qua biểu tượng đóa "Bạch Trà" tinh khiết, ngát hương.

Huyền Trân Công Chúa được nhân dân tồn thờ là “người mẹ xứ sở”. Sử xưa ghi tạc công lao, vâng lệnh vua cha và anh trai – Hoàng đế Trần Anh Tông, Huyền Trân gác lại tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng là vị quốc vương Champa nhằm thiết lập mối quan hệ hóa hiếu bang giao và mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam vào đầu thế kỷ XIV. Từ món quà cưới của Huyền Trân, Đại Việt có thêm “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm” trong đó có vùng đất Huế (Thuận Hóa).

Lễ hội Đền Huyền Trân được bắt đầu tổ chức vào năm 2008. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ hội như một thông lệ định kỳ hàng năm vào các ngày mùng 8 và 9 tháng giêng, nhằm ngày giỗ của Huyền Trân Công Chúa.

Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2022, Lễ hội Đền Huyền Trân được xem là lễ hội lớn nhất đầu tiên trong chuỗi các hoạt động, sự kiện của Festival bốn mùa tại Huế. Đây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Công Chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi.

DSC08131

 Lễ hội Đền Huyền Trân Công Chúa thu hút người dân, du khách với nhiều độ tuổi tham gia.

Lễ hội cũng là dịp góp phần quảng bá đến du khách thập phương và quần chúng nhân dân những hình ảnh văn hóa, giá trị di sản văn hóa, một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của cả nước, thành phố Văn hóa Asean, thành phố Festival của Việt Nam.

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được xây dựng đầu năm 2006 và đưa vào khánh thành năm 2007 nhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế.

Đền Huyền Trân Công Chúa có tổng diện tích 28,5 ha, địa hình thoai thoải kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh Ngũ Phong với rừng thông xanh mát bao quanh, bốn mặt đồi núi trùng điệp. Công trình này phía ngoài có bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, tiếp đến là 3 bậc sân rộng lát bằng gạch Bát Tràng, hồ nước và cây cầu nhỏ; Tiếp đến là khu vực tam quan rồi đến Đền thờ Huyền Trân Công Chúa.

DSC08136

Người dân và du khách tham dự Lễ hội. 

Nhân dân tôn kính công chúa đến đền sẽ được chiêm bái pho tượng mô phỏng Huyền Trân Công Chúa trên ngai được đúc bằng đồng cao 2,37m bởi nghệ nhân nổi tiếng phường Đúc (TP Huế). Hậu điện thiết trí án thờ Đoàn Nhữ Hải – Vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào tuyên bố “Ý đức” và trấn giữ 2 châu Ô, Lý khi 2 châu được Chiêm Thành sát nhập vào Đại Việt năm 1307. Phía sau điện thờ là ngôi đình nhỏ, thiết trí bức tượng đứng của Công Chúa Huyền Trân khi xuất gia tu hành, pháp hiệu là Hương Tràng.

Ngoài ra, khuôn viên điểm đến văn hóa này còn có tháp chuông Hòa Bình cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong với một chuông đồng nặng 1,6 tấn, cao 2,16m, tượng Đức Phật Di Lặc, miếu thổ thần.

Đứng từ đỉnh núi Ngũ Phong, du khách có thể thu vào mắt khoảng không gian xanh bao la, sơn thủy hữu tình và bao quát được vẻ đẹp của thành phố bên dòng sông Hương hiền hòa từ trên cao.

Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng bổ sung và tổ chức đại lễ khánh thành đền thờ Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh của ngài. Đền thờ Vua Trần Nhân Tông được xây dựng ở phía sau trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ở lưng chừng núi. Đền được bố trí sau một khoảng sân rất dài với hàng trăm bậc cấp, hai bên có đôi rồng chầu được công nhận đạt kỷ lục Việt Nam. Mỗi con rồng dài 105m, đầu cao 3,5m, thân cao 2,5m, vòng bụng nơi lớn nhất 2,6m. Chính điện đặt tượng đồng vua Trần Nhân Tông cao 3m, rộng 1,6m được lấy từ phiên bản tượng thờ các vua Trần ở Nam Định và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông phiên bản ở chùa Trúc Lâm Yên Tử.

Những di sản và dấu tích Huyền Trân Công Chúa ở Huế

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt tên Huyền Trân Công Chúa cho một con đường ở TP Huế. Con đường mang tên Huyền Trân Công Chúa được xem là một trong những con đường đẹp nhất cố đô Huế chạy dọc sông An Cựu lên tới Nguyệt Biều Lương Quán dẫn đến đồi Vọng cảnh. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phê duyệt Quy hoạch khu vực Cồn Hến (phường Vỹ Dạ) sẽ có xây dựng tượng đài Huyền Trân Công Chúa.

DSC08210

 Người dân lên núi Ngũ Phong thỉnh nguyện tháp chuông Hòa Bình cầu "Quốc thái dân an".

Xưa cho đến nay, người dân xứ Huế luôn luôn trân trọng và ghi tạc những tình cảm, công lao to lớn của Huyền Trân Công Chúa trong việc đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi về phương Nam. Trên vùng đất Huế hiện nay, có không ít những di sản liên quan đến “người mẹ xứ sở” Huyền Trân Công Chúa như cửa biển Tư Hiền từng có tên là Tư Dung. Tương truyền nơi đây từng ghi dấu chân công chúa quỳ bái biệt cố quốc trước khi làm dâu Chiêm Thành nên được Vua Trần Anh Tông đổi tên thành Tư Dung để tỏ bày nỗi nhớ em gái và nhắc nhở đời sau nhớ sự hi sinh vì nghĩa lớn của nàng công chúa Nước Việt.

Ngọn núi Rùa (Quy Sơn), còn có tên gọi khác là Hãn Môn, sau được vua Minh Mạng đổi tên thành Linh Thái, ngọn núi linh thiêng đứng bên trái cửa Tư Dung. Trên đỉnh núi Linh Thái này có phế tích tháp Champa.

Năm 1837, đời vua Minh Mạng, giai thoại của dân gian quanh vùng cho biết, Lễ đón Huyền Trân Công Chúa được Chiêm Thành tổ chức rất long trọng ở đỉnh núi Quy Sơn. Vì vậy xưa kia, Quy Sơn còn có tên gọi khác là đảo Huyền Trân.

DSC08128

 Lễ hội Đền Huyền Trân công chúa biểu diễn nghệ thuật ca Huế.

Huyền Trân Công Chúa còn có ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật ca Huế với sự giao thoa mạnh mẽ của nghệ thuật Việt Nam – Champa. Người đời sau vì cảm thông nỗi niềm của Huyền Trân Công Chúa vì nước quên mình, hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi, nên đã sáng tác bài bản ca Huế với tiêu đề “Nước non ngàn dặm”, theo điệu Nam Bình trở thành một trong những bài bản nổi tiếng nhất của ca Huế: “Nước non ngàn dặm ra đi/Mối tình chi/Mượn màu son phấn/Đền nợ Ô, Lý/Xót thay vì/Đương độ xuân thì.”

428603109_991759092341951_1584446522453780088_n

 Lễ hội Đền Huyền Trân công chúa được tổ chức thường niên. Ảnh: Festival Huế.

Ông Trần Văn Thủy (P. Phú Hậu, TP Huế) cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự lễ hội và không ngờ sự kiện được tổ chức long trọng như vậy. Tôi hòa vào dòng người hành hương tới đây, nguyện đến đỉnh núi Ngũ Phong đánh ba hồi chuông cầu chúc hòa bình cho nhân loại, nhân dân Việt Nam, nhà nhà người người được hưởng thái bình, hạnh phúc. Tôi dắt các con đến đây để các cháu hiểu được, đất nước tươi đẹp dài một dải hình chữ S hôm nay phải nhớ ơn “Người mẹ xứ sở” Công Chúa Huyền Trân”.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 15 giờ trước
(SHTT) - Du lịch Thanh Hóa ngày càng khởi sắc và đột phá trong những năm gần đây, khẳng định được vị trí, thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để du lịch Thanh Hóa gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Sư tử biển California là loài sư tử biển rất đáng yêu và gần gũi với con người. Mùa hè năm nay, người dân Thủ đô có thể gặp gỡ những “người bạn” đặc biệt này duy nhất tại Thủy cung Lotte World Hà Nội.
Giải trí 2 ngày trước
Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024 diễn ra tại thành phố của những kỳ quan Bukhara – từng là điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, Cộng hoà Uzbekistan vừa kết thúc với kết quả một đại diện nghệ nhân ngành Thêu May của Việt Nam vinh dự đoạt giải Ba.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kỳ bí của người xưa và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã, đang được biết đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Núi Chí Linh là không gian sinh sống của phần đa đồng bào các dân tộc thiểu số... Với những dấu tích lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, khí hậu mát mẻ... Chí Linh Sơn đang dần “chuyển mình”, từng bước trở thành điểm đến du lịch cộng đồng lý tưởng.