Chú trọng bảo hộ sản phẩm chủ lực thương hiệu ‘Huế’: Biến di sản thành tài sản
Lịch sử là kinh đô nước Việt, Huế trở nên giàu đẹp, đậm đà bản sắc, nguồn lực nội sinh dồi dào nhờ tinh hoa và tài hoa hội tụ. Những dự án, tham mưu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế thiết thực đưa nhiều sản phẩm biểu trưng cho vùng đất, con người cố đô nâng tầm cao mới về giá trị thương hiệu.
Để di sản thành… tài sản
Lớp lớp nghệ nhân Huế bằng bàn tay vàng sáng tạo và trao truyền làm ra bao sản vật quý từ vùng đất đậm đặc văn hóa. Thế nhưng, hơn mười năm trước, Thừa Thiên Huế vẫn chưa có thương hiệu đứng top các thương hiệu có giá trị cao của Việt Nam cho xứng tầm.
Thị trường cạnh tranh gay gắt, thương hiệu cộng đồng đóng góp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời “hữu xạ tự nhiên hương” qua, sản phẩm cần được “xịt xạ cho tăng hương” qua tác động tích cực đến giá trị và độ nổi tiếng thông qua bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Chủ tịch Hội Thanh Trà Huế với sản phẩm mứt Thanh Trà do chính mình chế biến.
Những dự án Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh thời gian qua góp phần lớn trong nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực, tìm lại được danh tiếng, nâng cao sức cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng khỏi vòng vây hàng giả, nhái tràn lan.
Đơn cử như Thanh Trà Huế từng là đặc sản tiến vua gắn với lễ Cung tiến Thanh Trà dưới triều Nguyễn. Cạnh bên các bãi bồi sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, những miệt vườn biếc xanh ban tặng loại quả tép thon nhỏ, suôn thẳng, ráo, giòn, ngọt pha chút chua nhẹ, không the, không đắng.

Lễ hội Thanh Trà Huế.
Trái với danh tiếng, trước đây đầu ra của loại “nữ hoàng trái cây” cố đô này khá “trầm tư” không ổn đinh, người tiêu dùng đặc biệt là du khách bối rối trong phân biệt đâu là Thanh Trà Huế chính gốc.
Lớn lên từ gốc cây Thanh Trà, bà Lê Thị Lan Dung – Chủ tịch Hội Thanh Trà tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ tha thiết lan toả tình yêu Thanh Trà đến các hội viên. Với dự án Khoa học và Công nghệ, bà Dung được đào tạo về sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Trong tâm niệm, bà luôn mong có thể giữ lấy “căn cước” của Thanh Trà chính gốc.

Các vườn sản xuất, kinh doanh sử dụng Chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm Thanh Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bà Dung cho biết: “Hiện tôi đang trồng một vườn giống Thanh Trà Huế vì sợ mai sau Thanh Trà Huế bị lai ghép, mất gốc”.
Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Thanh Trà Huế được nghiên cứu rất sâu về thực trạng sản xuất, đặc thù lịch sử, con người vùng trồng để đưa ra cơ sở khoa học, thực tiễn triển khai đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Các hội viên Hội Thanh Trà Huế nay mạnh dạn đưa sản phẩm vươn xa qua Lễ hội Thanh Trà, các siêu thị, phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ Thanh Trà: mứt, rim, rượu Thanh Trà.
Ông Võ Trần Tuấn Hưng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều - cho hay: “Toàn tỉnh hiện có 77 hộ được cấp sử dụng chỉ dẫn địa lý Thanh Trà Huế, riêng phường Thủy Biều có 20 hộ/800 hộ trồng Thanh Trà sử dụng. Những hộ này đều được hướng dẫn trồng theo phương pháp VietGap, đảm bảo chất lượng và quy mô trồng từ 1500 – 8000m2”.
Cũng như những sản phẩm chủ lực đang được quan tâm của tỉnh, sản phẩm Hoàng Mai đã được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Huế” gần đây với 114 thành viên đăng ký sử dụng mang lại sự khởi sắc về kinh tế cho các nghệ nhân, người trồng và kinh doanh Hoàng Mai Huế.
Chủ tịch Hội Hoàng Mai Huế - Trương Tuấn Anh - chia sẻ: “Hiện thị trường giao thương của loài cây này trở nên rất sôi động với sự quan tâm của người chơi Hoàng Mai cả ba miền đất nước. Dịp Tết Giáp Thìn 2024, có những đơn hàng đưa Hoàng Mai Huế sang Mỹ. Mở ra những tiềm năng lớn cho loại cây chủ lực này”.
Ẩm thực Huế chiếm tới 1700/3000 món ăn của kho tàng ẩm thực Việt Nam. Bún bò Huế được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là một trong 12 món ăn Việt mang giá trị ẩm thực châu Á. Thế nhưng, ra quán để một du khách được ăn đúng vị, nguyên bản cần tìm hiểu kỹ, hơn thế món ngon đặc sản này vẫn chưa mang lại giá trị kinh tế cao.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng Mai tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2016, UBND tỉnh xác lập quyền sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế". Nhãn hiệu chứng nhận hướng đến việc chứng nhận đặc tính sản phẩm và dịch vụ nhà hàng ăn uống, cung cấp đồ ăn là bún bò Huế. Qua đó, người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhận thức về tài sản trí tuệ vô giá của đặc sản này dần được đánh thức, Bún bò Huế có mặt trên bàn ăn các tour du lịch ẩm thực, bữa ăn của học sinh Nhật Bản, …
Bún Cẩm của bà Trần Thị Lệ Cẩm hiện là một trong những thương hiệu đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Huế đầu tiên. Giá bán tăng lên (từ 20 - 30%) so với nhãn hiệu thông thường với lượng du khách tấp nập. Bên cạnh giữ hương vị truyền thống được kế thừa từ gia đình, bà Cẩm tự tin liên tục đổi mới trong cung cách phục vụ, bàn ghế khang trang, đề cao chất lượng và có bộ nhận diện thương hiệu với bảng hiệu, logo Bún bò Huế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp tăng niềm tin cho thực khách.
Nhìn lại từ 13 năm trước, Nón lá Huế sớm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đã quảng bá hình ảnh Huế rộng rãi hiệu quả nhất trong số các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế hiện nay.
Hàng triệu chiếc nón ra thị trường mỗi năm khiến nón lá Huế không còn là sản phẩm hàng hóa đơn thuần mà trở thành thương hiệu sản phẩm văn hóa đặc sắc. Được bảo hộ về mặt thương hiệu là động lực quan trọng nâng tầm vị thế trong thực hành nghề truyền thống giàu bản sắc, khai thác giá trị di sản, nhân văn phục vụ cho phát triển du lịch.

Ngoài chiếc nón ba lớp, nón bài thơ hiện lớp thợ trẻ còn sáng tạo phong phú nhiều dòng sản phẩm nón lá nghệ thuật với bàng, nón lá sen, nón trúc chỉ.
Cùng với các dự án “Xây dựng, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm Hoàng mai, Thanh Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế”; nhiều dự án Khoa học và Công nghệ thành công khác như: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Huế - Kinh đô ẩm thực cho các đặc sản ẩm thực của tỉnh Thừa Thiên Huế”; “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn”; “Hương xưa - Làng cổ Phước Tích”, hay dự án “Tạo lập, bảo hộ, quản lý nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Trầm Hương Thủy Xuân”; “Đệm bàng Phò Trạch”…
Từ các dự án nói trên, sản phẩm chủ lực, các làng nghề, điểm đến du lịch của tỉnh mang thương hiệu Huế gia tăng đáng kể uy tín, giá trị, có “sức bật” hơn giữa thương trường quốc gia và quốc tế.
Để nhãn hiệu cộng đồng gắn với địa danh Huế phát huy sức mạnh
TS Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nhắn nhủ: “Để khai thác nhãn hiệu cộng đồng hiệu quả, cần phát triển đội ngũ đăng ký sử dụng nhãn hiệu, quảng bá sâu rộng và chủ động trong kết nối tiêu thụ”.
Theo Chủ tịch hội nông dân phường Thuỷ Biều, hiện nay, phường có 8 hộ tham gia phục vụ tour du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động đạp xe thăm vườn, làm mứt, nấu rượu Thanh Trà Huế, vẽ tranh… gắn với cuộc sống của người dân Lương Quán, Nguyệt Biều được du khách đến từ Châu Âu yêu thích trải nghiệm.
Bên cạnh tiềm năng, lợi thế các sản phẩm chủ lực được bảo hộ tài sản trí tuệ gắn với địa danh Huế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Được bảo hộ từ sớm, nhưng khai thác quyền sở hữu tài sản trí tuệ nhãn hiệu cộng đồng còn khá mới mẻ với người dân sản xuất và kinh doanh.

Thị trường Hoàng mai Huế sôi động khi đưa vào sử dụng nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý.
Năm 2013, Tôm chua Huế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đưa vào quản lý, sử dụng. Được Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu giới hạn an toàn thực phẩm là cơ sở pháp lý xử lý những cơ sở cố tình gian lận thương mại, góp phần tạo lập niềm tin người tiêu dùng.
Thực tế, bên cạnh nhãn hiệu tập thể vẫn còn nhiều nhãn hiệu thông thường trôi nổi, bất chấp vì lợi nhuận bán loại tôm chua nhiều ngày không hỏng, giá rẻ gây ảnh hưởng danh tiếng chung.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Tôm chua Huế, Tôm chua Huế được bảo hộ nhãn hiệu tập thể thời gian bảo quản ngắn, khó đi xa. Hiệp hội sớm thành lập ban quản lý chất lượng sản phẩm tôm chua và đặt điều kiện dán nhãn hiệu Tôm chua Huế. Dù vậy, liên kết hội viên rất khó. Nhiều hội viên tham gia họp, hội nghị rồi xao nhãng mạnh ai nấy làm, dần dần kêu gọi đi họp rất khó khăn.

Tôm chua Huế là một trong những sản phẩm đã được cấp Nhãn hiệu tập thể sớm tại Thừa Thiên Huế.
Hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp qua tên miền, tên các trang mạng xã hội đối với nhãn hiệu chủ lực mang thương hiệu Huế tinh vi, phức tạp chưa được phát hiện sớm để ngăn chặn triệt để.
Trước thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất nhiều nhóm giải pháp: đồng bộ quy hoạch vùng nguyên liệu, chuẩn hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu bền vững. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, người sản xuất, chủ sở hữu các nhãn hiệu cộng đồng.
Để sản phẩm đột phá cần chính sách thu hút thế hệ trẻ tham gia, chủ động trong tiếp cận, ứng dụng Khoa học và Công nghệ để kế nghiệp lớp nghệ nhân cao tuổi.

Nhãn hiệu tập thể Sen Huế bứt phá thị trường sau khi được cấp văn bằng bảo hộ.
Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Để sau này, những tà áo, cây, quả, món ăn ngon thành thương hiệu lớn chúng ta phải xây đắp từ bây giờ với sự quyết liệt, nỗ lực của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sự vào cuộc của Sở Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học”.
Thừa Thiên Huế xác định văn hoá là nền tảng, khoa học và công nghệ là “bệ phóng” phát triển kinh tế - xã hội. Hiện thực hoá chiến lược ưu tiên bảo hộ sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế đưa sức mạnh mềm tri thức bản địa đang thành tài nguyên làm đòn bẩy bồi tụ các giá trị di sản trí tuệ thành tài sản.
Bảo Hoà
TIN LIÊN QUAN
Tin khác

- Báo giá giày jogger chính hãng
- quảng cáo trên xe bus