Lần đầu tiên lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng được tổ chức quy mô cấp thành phố
“Quan Âm mười chín tháng hai/Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về”. Trong tiết trời xuân mát mẻ, hoa xoan tím đã rụng đầy dấu giày, ngày 19/2 âm lịch là ngày ngọn núi Kim Sơn mở hội Quán Thế Âm trở thành ngày hội dân gian truyền thống chung của hàng vạn tăng ni, Phật tử, đạo hữu, người dân và du khách.
Sáng 10/3, chính lễ của lễ hội Quán Thế Âm bắt đầu. Từ sáng sớm, trên các cung đường Lê Văn Hiến, Sư Vạn Hạnh dòng người đổ về đây ken kín một chân núi.
Lễ hội có từ 63 năm trước trong dịp khánh thành tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở động Quan Âm. Đến năm 1991 mới được tổ chức thường xuyên trở lại cho đến ngày nay. Lễ hội chính thức được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia năm 2021.
Sự tích xưa lưu truyền, Hoà thượng Thích Pháp Nhãn, người khai sơn chùa Quán Thế Âm đã phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình Cam Lồ, hoàn toàn thiên tạo. Cảm động với sự hoàn chỉnh trước bức phù điêu của thiên nhiên cao bằng người thật trong ngọn núi Kim Sơn một trong năm ngọn núi thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn này Hoà thượng Thích Pháp Nhãn đã lập nên thảo am nhỏ đầu tiên.
Ngày nay, theo bậc nối bậc lên cao, nhiều du khách tới với động Quan Âm có chiều dài hơn 50m, chiều ngang khoảng 10m, cao từ 10 – 15m để được tận mắt chiêm bái bức phù điêu tuyệt mỹ của thiên nhiên Phật Bà Quan Thế Âm.
Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và cộng đồng địa phương các vị chư tôn Phật giáo lúc bấy giờ thống nhất chọn ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm làm ngày các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm - xem đây là chốn tổ thờ tự ngài.
Lễ hội gồm các nghi thức khai kinh, thượng phan – thượng kỳ; Lễ Rước ánh sáng; Lễ Pháp đàn Quán Thế Âm Bồ Tát và Lễ tạ pháp đàn hoa đăng. Đan xen với nghi lễ Phât giáo còn có nghi lễ truyền thống của nhân dân địa phương như: lễ tế Xuân; lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa; Lễ tế Thạch nghệ Tổ sư nghề điêu khắc đá Non nước Ngũ Hành Sơn.
Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ tổ chức ngày 17/2 âm lịch để dâng nguyện cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Lễ rước ánh sáng (lễ rước đuốc) tổ chức tối 18/2 âm lịch lồng vào lễ rước kiệu hoá trang Quan Âm đi qua các cung đường dẫn đến bờ sông Cổ Cò để thả hoa đăng. Đoàn rước đi thành hàng đôi, ở giữa là kiệu, dàn rước hoa, dàn nhạc, đội lân – sư tử - rồng và hoá trang khác.
Lễ rước ánh sáng cho người dân Đà Nẵng một đêm lung linh để cầu mong ánh sáng soi đường cho quốc thái dân an, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng sẽ làm nhiều viêc thiện.
Bà Út Vũ - quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) - cho biết mặc dù nhà gần chùa, lên chùa từ 6 giờ sáng nhưng vẫn không thể vào bên trong trung tâm chùa vì dòng người quá đông. Tuy vậy, bà Út Vũ vẫn vui vẻ đảnh lễ từ bên ngoài, chụp ảnh và thư thái vãn cảnh Ngũ Hành Sơn.
Khi chuẩn bị Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, dòng người đứng thành 2 hàng, trật tự, văn minh.
“Hôm nay, ngày vía Đức Quán Thế Âm tại chùa Quán Thế Âm, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp UBND TP Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ hội, chào mừng người dân, Phật tử, du khách đến với Ngũ Hành Sơn suốt ba ngày. Sau ba năm dịch bệnh, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn được tổ chức trở lại với sự hoành tráng chưa từng có. Đó là khi lễ hội được công nhận Di sản cấp quốc gia và đón nhận Ma Nhai Ngũ Hành Sơn được công nhận là ký ức tư liệu thế giới”, Đại đức Thích Nguyên An nói.
Đức Bồ Tát Quán Thế Âm có 32 hiện thân cứu giúp đời. Trong đời sống dân gian Việt Nam, nhiều nhân vật được xem là sự hoá độ gần gũi của Bồ Tát Quán Thế Âm trong đời thường như: Sự tích cứu người giúp đời của Quan âm Thị Kính, sự hiếu thảo đáng ngưỡng vọng của Nam Hải bà chùa Ba hay hiện thân ứng Bồ Tát qua thần phi Ỷ Lan được nhân dân tôn thờ là Quán Thế Âm nữ.
Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP Đà Nẵng cho hay: “Qua lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng để nhắc nhở mỗi người con Phật, mỗi người dân lương thiện luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, cứu giúp nhau qua cơn khổ nạn. Nơi đâu có tiếng khổ đau là nơi đó có hình bóng những người con Phật, người lương thiện hoá thân Phật để hỗ trợ… Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương đem niềm vui, bình an cho du khách khắp nơi”.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Ngô Thị Kim Yến - cho biết sau 3 năm bị gián đoạn do dịch bệnh, Lễ hội Quán Thế Âm năm nay diễn ra trong không khí nhân dân Đà Nẵng đang hân hoan chào đón các sự kiện văn hóa chào mừng Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2023); thành phố cũng vừa đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nhân dịp này, Ban tổ chức công bố, trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất được mạ vàng 24k và chứng nhận cho độc bản 16 bức tranh sứ màu, được cẩn trên tường của 4 mặt trên ngôi tháp ở chùa Quán Thế Âm.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, là nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của Đà Nẵng trong hoạt động văn hóa tâm linh được kỳ vọng góp phần không nhỏ vào sự phát triển du lịch-ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố biển.
"Không chỉ đảnh lễ tại chùa Quán Thế Âm, gia đình tôi đã thăm quan danh thắng Ngũ Hành Sơn chiêm ngưỡng Mai Nhai Ký ức tư liệu thế giới. Nhiều hoạt động bên lề như chơi ô làng, Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ, hát bài chòi, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn đến từ vùng đất Phật như: Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản.. khiến không khí đi hội tươi vui.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn có nhiều không gian thanh tịnh hơn nữa để có khoảng "thở" của riêng mình khi về chùa", du khách Trần Bá Sáng (tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ.
Bảo Hoà