SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu, 1 cá nhân bị phạt 45 triệu đồng

07:26, 19/08/2021
(SHTT) - Tổng Cục QLTT cho biết, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn với số tiền 45 triệu đồng, đồng thời tịch thu hàng trăm sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng Lacoste, Adidas, Nike liên quan tới vụ việc.

Cụ thể, tin tức đăng tải trên website của Tổng Cục QLTT cho biết, ngày 13/8/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1015/QĐ-XPVPHC ngày 13/8/2021 đối với bà Nguyễn Thị Thu Lan về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Xử phạt hành chính 45 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm gồm hơn 600 bộ quần áo giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng Lacoste, Adidas, Nike đã phát hiện tại hiện trường. Đồng thời, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa thời hạn là 02 tháng theo quy định của pháp luật.

z2690671712045_9ba492dae922b5160c66a1380844ae6e - Copy

 

Trước đó, vào ngày 30/7/2021 Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an thị xã Từ Sơn kiểm tra kho chứa hàng hóa của bà Nguyễn Thị Thu Lan, tại địa chỉ Khu đô thị Bắc Từ Sơn, Phường Tân Hồng, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên 600 bộ quần áo mang nhãn hiệu Lacoste,  Adidas, Nike.

tang vat

 

Thông qua các hoạt động nghiệp vụ, Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số quần áo trên là giả mạo các nhãn hiệu Lacoste, Adidas, Nike đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ vụ việc, Đội Quản lý thị trường số 2 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc có liên quan lên Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được xử lý như thế nào?

Được biết, Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định: Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT nêu trên, có thể bị xử lý hành chính (điểm b khoản 1 Điều 211 Luật SHTT đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 212 Luật SHTT).

Về xử lý hành chính, theo Điều 214 Luật SHTT (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ (i); Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm (ii).

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (i); Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá (ii).

Hướng dẫn chi tiết việc xử lý hành chính đối với hành vi này, tại Điều 12 Nghị định số 97/2010/NĐ-CP (ngày 21/09/2010, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN).

Về xử lý hình sự, đối với cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm và có yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý (người bị hại), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 171 Bộ Luật Hình sự - Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hình phạt tiền tới 1 tỉ đồng, phạt tù tới 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm.

Thái An

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 3 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
Liên kết hữu ích