SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Kiểm soát chợ mạng, siết chặt vòng vây với hàng giả

17:13, 25/11/2023
(SHTT) - Trong giai đoạn cuối năm, Cục QLTT xác định công tác chống hàng giả trên các sàn thương mại điện tử sẽ càng trở nên quan trọng. Do đó, công tác kiểm soát chợ mạng, siết chặt vòng vây với hàng giả sẽ được liên tục tăng cường để đảm bởi lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Ngày 22 tháng 11 năm 2023, tại Quảng Nam, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong Thương mại điện tử Việt Nam” cho hơn 200 cán bộ công chức QLTT tại 16 tỉnh thành phố của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây là chương trình tiếp theo trong chuỗi hoạt động của Tổng cục QLTT nhằm nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam mà QLTT là lực lượng tiên phong, nòng cốt được thực hiện tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Tham gia chương trình có đại diện đến từ Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng như đại diện các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee.

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, theo thống kê, doanh số bán lẻ trên Internet năm 2020 tại Việt Nam là 13 tỷ đồng. Đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần một nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Tại Hội thảo, ý kiến các chuyên gia đều cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả có “đất” sống trên môi trường điện tử. Thứ nhất, vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online). Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả. Thứ hai, một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua hàng rẻ trên mạng. Thứ ba, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công an, hải quan, y tế. Thứ tư, trang thiết bị, công cụ phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Thiếu tá Trần Vũ Minh Hải, Phòng 4, Cục A05 thông tin thêm: Trên không gian mạng đang xuất nhiều nhiều đối tượng bán hàng giả (hàng fake) của các thương hiệu lớn, trong đó điển hình như LV, Gucci, Montblanc… với các mặt hàng hàng giả chủ yếu như túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… có nguồn sản xuất tại Trung Quốc được nhập lậu về Việt Nam và rao bán trên không gian mạng.

Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng. Ngoài ra, dịch vụ làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn tại các vùng quê; buôn bán dược phẩm, thực phẩm chức năng; quảng cáo mua bán bóng cười, nước vui, cần sa, ma túy, qua mạng đã xuất hiện.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng cho rằng, thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Ví dụ, các đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau để kinh doanh, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị chức năng có liên quan.

5802_z4905305426662_fb81b584a780153f58793296cc434ca2

 

Tại Hội nghị, các ý kiến chuyên gia đều có chung nhận định, vấn nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hàng vi phạm nguồn gốc, xuất xứ đã đang và sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối, thách thức đối với các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng. Hàng giả hiện diện khắp mọi nơi, xuất hiện từ đời thực đến mạng ảo, từ phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm... đến cả thức ăn hằng ngày cũng bị giả. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế đời sống xã hội và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái còn tồn tại như bất cập trong cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy; có nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Trong khi đó, lợi nhuận từ hàng gian, hàng giả rất lớn. Vì vậy, người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp, sản xuất hàng giả để thu lợi bất chính. Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Nên khi bị phát hiện ở một khâu, một công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ. Trong khi đó, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng; người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm giả cũng ngại kiện cáo do nắm chưa vững luật pháp.

Do vậy, nhằm kiểm soát hàng giả trên không gian mạng, không chỉ lực lượng QLTT mà các đơn vị chức năng liên quan cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.

hanggiatmdt1

 

Đối với lực lượng QLTT, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng QLTT đang thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Theo đó, lực lượng QLTT ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7. Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Cùng với đó, giới chuyên gia cũng cho rằng cần thiết phải nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm; Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm. Tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.

Tin khác

Tài sản trí tuệ 16 phút trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã hoàn thiện hồ sơ xử phạt đối với cơ sở kinh doanh hơn 2.500 sản phẩm dầu gội giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 25 phút trước
Sau khi bị Sở Y tế TP.HCM tạm dừng hoạt động trong 4 tháng, bác sĩ tại Phòng khám Hà Đô cũng vừa bị xử phạt và tước chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh 18 tháng.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định của Cục QLTT tỉnh Gia Lai về việc ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề hoạt động kinh doanh dược năm 2024, Đội QLTT số 3 đã ra quân kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược tại 2 huyện Chư Prông và Đức Cơ từ ngày 15/4/2024 đến hết ngày 14/8/2024.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa qua đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 173,61 triệu đồng và tịch thu gần 5 tấn đường, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục triển khai việc rà soát, đánh giá, phân loại các thành viên mạng lưới theo các tiêu chí cụ thể, qua đó có các hình thức ghi nhận và khuyến khích các TISC có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động hơn trong quá trình hoạt động