SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1: Nghẹt thở đến phút cuối

09:37, 21/08/2015
Hôm qua 20-8, cuộc đua xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào các trường ĐH, CĐ chính thức khép lại. Không giống như mọi năm, ngày cuối cùng của đợt xét tuyển trở nên căng thẳng và hồi hộp đến từng giờ, từng phút đối với thí sinh và phụ huynh. Trong khi đó, các trường ĐH cũng căng sức để phục vụ thí sinh, phụ huynh rút, nộp hồ sơ. 

Thí sinh, phụ huynh kiệt sức

Ngay từ sáng sớm, không khí ở các trường ĐH trở nên căng thẳng khi phụ huynh và thí sinh kéo đến ngồi chờ chực trước các cổng trường để chuẩn bị dốc sức cho “trận đánh” cuối cùng để giành một suất vào đại học. 

6 giờ sáng, hàng trăm thí sinh đã đến Trường ĐH Sư phạm TPHCM để nộp hồ sơ xét tuyển. Hai cha con ông Nguyễn Văn Lượng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt xe vào TPHCM 2 ngày nay để canh điểm. Con ông Lượng thi được 23 điểm và định xét vào ngành Ngôn ngữ Anh - Trung. “Tối qua, tôi dò ngành này thì có 30 thí sinh đạt 23 điểm và chỉ tiêu cần tuyển là 90. Sáng nay, tôi vô lại trang web thì đã thấy có 40 thí sinh đạt 23 điểm nộp hồ sơ. Tôi và con ngồi đây đếm lượng thí sinh vào nộp hồ sơ và coi điểm trên website của trường. Nếu vẫn còn an toàn, cuối giờ xét tuyển tôi mới nộp hồ sơ”, ông Lượng chia sẻ.

Đến 7 giờ, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dù đã có 14.000 hồ sơ đăng ký nhưng ngày cuối cùng có cả ngàn thí sinh, phụ huynh chen lấn để nộp - rút hồ sơ. Tất cả các dãy bàn, ghế và hành lang của trường đều chật kín phụ huynh, thí sinh ngồi chờ. Bên trong phòng đào tạo trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Để tránh tình trạng chen lấn, trước cửa phòng đào tạo có đến 20 cán bộ, bảo vệ dùng loa phóng thanh yêu cầu phụ huynh, thí sinh xếp hàng trật tự và cho từng đợt thí sinh vào để nộp hồ sơ. Bên trong phòng đào tạo có 20 cán bộ nhận hồ sơ, xử lý cập nhật nhận - trả dữ liệu cho thí sinh. Tại bàn tiếp nhận phiếu rút hồ sơ đông nghẹt thí sinh lẫn phụ huynh. Dù huy động cả bảo vệ để đảm bảo tình hình trật tự nhưng cũng đành bất lực. Trong đó, có nhiều thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện bất lực với nỗ lực rút hồ sơ. 

14 giờ chiều, Trường ĐH Y Dược TPHCM công bố điểm chuẩn tạm thời sau buổi sáng. Không ít phụ huynh, thí sinh bám trụ ở trường này theo dõi tình hình xét tuyển mấy ngày nay bị sốc vì điểm chuẩn của ngành Y đa khoa (Bác sĩ đa khoa) tăng lên 28 điểm. Một số phụ huynh thí sinh đã chuẩn bị sẵn tinh thần “tháo chạy” sang những trường khác có ngành Y đa khoa nhưng cũng khá nhiều người cảm thấy bị sụp đổ. Một phụ huynh bật khóc: “Tôi bỏ công ăn chuyện làm để bám trường mấy ngày nay nhưng tất cả đều là công dã tràng vào phút cuối. Mới sáng nay điểm vẫn còn ở mức 27,75 nhưng giờ nhảy lên thành 28 điểm rồi. Giờ tôi đành phải chuyển sang Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhưng không biết có cửa trúng tuyển hay không”. Trước đó, rất nhiều phụ huynh có con đạt 27,75 điểm vội vã rút hồ sơ để kịp về Trường ĐH Y Dược Cần Thơ để nộp hồ sơ. 

14 giờ 20 phút, tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, hàng trăm thí sinh, phụ huynh gần như kiệt sức nhưng vẫn gồng mình để canh số phận của mình. Ông Trần Hiền (77 tuổi, Quảng Ngãi) run run cùng con trai và cháu nội ngóng kết quả điểm như 7 ngày qua. Mấy ngày đầu, con trai ông “canh” ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - nơi đầu tiên nộp hồ sơ, còn ông ngồi ở đây để theo dõi điểm chuẩn nhích lên từng giờ. Hàng trăm phụ huynh đóng đô tại chỗ để chờ biết tình hình, không ai dám đi đâu. Thậm chí, trường phải phục vụ nước uống, kẹo và mở nhạc để phụ huynh, thí sinh và cả cán bộ nhà trường bớt căng thẳng. 14 giờ 30, thí sinh Phạm Thị Xuân Lan và nhiều thí sinh cùng có mức điểm 23,25 điểm (trong đó, điểm môn Toán đạt 7 điểm) khó khăn đưa ra quyết định cuối cùng là ký tên rút hồ sơ để chạy sang các trường ĐH khác vì lo lắng mức điểm này không an toàn. Đến 15 giờ 30, TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố mức điểm chuẩn dự kiến cuối cùng 23,25 điểm, hàng trăm thí sinh đủ mức điểm này như trút được gánh nặng. Nhiều phụ huynh, thí sinh bật khóc, cuộc “tháo chạy” của nhiều thí sinh ở mức điểm này đã “thua” rất oan uổng.

Các trường mệt mỏi

Không chỉ thí sinh, phụ huynh căng thẳng, hồi hộp đến những giây phút cuối cùng mà các trường cũng mệt mỏi không kém. Dù 17 giờ kết thúc nhận hồ sơ nhưng các trường vẫn không thể đóng cửa nghỉ ngơi vì thí sinh chờ nộp hồ sơ quá đông. 

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM: “Chúng tôi cố gắng hết sức để giải quyết các yêu cầu của thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu đóng phần mềm dữ liệu từ cuối ngày 20 đến ngày 22 là rất khó khăn cho các trường để xử lý các hồ sơ của thí sinh nộp qua đường bưu điện và những trường hợp thí sinh rút hồ sơ từ trường khác nhưng chưa xóa dữ liệu để trường nhập vào phần mềm”.

Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Đức Minh cũng bức xúc: “Từ ngày 18 đến nay chúng tôi không thể xử lý dữ liệu của thí sinh vì tất cả mạng đều bị đóng băng. Nguyên nhân là do Sở GD-ĐT Gia Lai đưa 2 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường nhưng lại đăng ký tổ hợp Văn - Sử - Địa nên phần mềm không thể xử lý vì trường không có xét tổ hợp Văn - Sử - Địa. Chúng tôi đã gọi điện nhờ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT gỡ dữ liệu của 2 thí sinh này nhưng cũng không giải quyết được. Sau đó, chúng tôi có liên hệ với Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai để xử lý nhưng đến 10 giờ vẫn chưa xử lý được”. 

Thí sinh chen chúc rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM ngày 20-8. Ảnh: Thanh Hùng

Cũng tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, có đến vài chục trường hợp sau khi rút hồ sơ ở trường khác nộp vào trường nhưng không thể nhập dữ liệu lên phần mềm do các trường khác chưa xóa dữ liệu. Với những trường hợp này nhà trường cho biết sẽ cố gắng liên hệ với thí sinh hoặc các trường để xóa dữ liệu của thí sinh rồi mới nhập dữ liệu lên phần mềm của trường. 

Đến cuối ngày, nhiều trường như ĐH Tài chính Marketing, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM vẫn có hàng trăm thí sinh, phụ huynh chờ nộp hồ sơ. Trước tình thế này, các trường cũng nỗ lực đến phút cuối cùng để giải quyết hết cho thí sinh. 

Tuy nhiên, khoảng 16 giờ, bộ phận kỹ thuật của nhiều trường không thể truy cập vào phần mềm quản lý thi để xử lý dữ liệu của thí sinh. Trước tình thế này, các trường đã liên hệ lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu phải tạo điều kiện để các trường xử lý dữ liệu của thí sinh sau 17 giờ.

Cuối giờ chiều, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trực tiếp “nhắn tin” yêu cầu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Vụ Giáo dục Đại học và Cơ quan Đại diện tại TPHCM theo dõi sát tình hình nộp - rút hồ sơ của thí sinh. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đến 17 giờ, nếu trường nào còn đông thí sinh đến nộp hồ sơ thì cấp giấy chứng nhận, nhận hồ sơ và xử lý sau. Các trường không được để thí sinh nào đến nộp hồ sơ mà không xử lý.

Tin khác

Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức khai trương, phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài; tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên môi trường về kết quả kiểm tra việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu cao bất thường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều ngày 4/5, Chánh Văn phòng, Người pháp ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin về tiến độ chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7.