Hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ về hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN
Tọa đàm khoa học “Những vấn đề đương đại trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” do Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm tạo ra môi trường học thuật với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), đóng góp những góc nhìn khách quan nhằm đưa ra những gợi mở để hoàn thiện hệ thống SHTT để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam.
Tại tọa đàm, bài tham luận "Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế" của TS Lê Hồng Phước, Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã nhận được sự chú ý của các chuyên gia, luật sư.
Theo đó, TS Lê Hồng Phước cho biết hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp, hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu chứng nhận, hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế mật, các điều khoản thỏa thuận hạn chế trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN đều đang tồn tại những bất cập quy định pháp luật.
Vì vậy giảng viên Lê Hồng Phước đã kiến nghị như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện xây dựng quy định pháp luật về căn cứ hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN
Pháp luật SHTT Việt Nam chưa quy định cụ thể về các căn cứ làm nền tảng để xây dựng các quy định về hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN. Do đó, việc nghiên cứu một cách toàn diện và xây dựng các căn cứ về hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN trong Luật SHTT là điều cần thiết. Khi xây dựng các căn cứ hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN không những phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của việc bảo hộ quyền SHCN mà còn phải phù hợp, tương thích với các quy định của Điều ước quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Khi xây dựng các căn cứ hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN phải dựa trên cơ sở khoa học nhất định bao gồm cả về mặt lý luận và thực tiễn đó là: xây dựng các quy định về căn cứ hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN phải dựa vào tính chất, đặc trưng của từng đối tượng quyền SHCN; xây dựng các quy định về căn cứ phải hài hoà được lợi ích giữa chủ sở hữu đối tượng SHCN với lợi ích chủ thể khác và lợi ích cộng đồng; xây dựng các quy định về căn cứ phải đảm bảo theo nguyên tắc chung về giới hạn quyền của chủ sở hữu quyền SHTT; và xây dựng các quy định về căn cứ phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tương thích với quy phạm của các Điều ước quốc tế. Có như vậy, các quy định về hạn chế chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN vừa bảo đảm tính khoa học và vừa bảo đảm yếu tố chặt chẽ trong xây dựng các quy định của luật.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu chứng nhận
Xuất phát từ đặc tính của nhãn hiệu chứng nhận là để chứng nhận các đặc điểm về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nên chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận chỉ cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó. Chính vì vậy, việc hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu chứng nhận phải được đặt ra một mặt để bảo đảm chất lượng, đặc tính của hàng hóa, dịch vụ cũng như bảo đảm được uy tín của hàng hóa, dịch vụ có gắn nhãn hiệu chứng nhận với các sản phẩm thông thường khác. Do đó, tác giả kiến nghị trong lần SĐ, BS Luật SHTT tiếp theo, nhà làm luật cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định về hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu chứng nhận vào nội dung Điều 142.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế mật
NLuật SHTT hiện nay mới chỉ quy định về khái niệm sáng chế mật mà chưa có các quy định cụ thể về trường hợp hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế mật. Theo đó, Luật SHTT cần có quy định rằng việc chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế mật sẽ chỉ được thực hiện khi được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ bí mật nhà nước và việc chuyển giao này không được làm bộc lộ các thông tin liên quan đến sáng chế mật. Theo đó, các quy định về việc bảo mật thông tin trong quá trình chuyển quyền sử dụng cũng nên được quy định rõ trong trường hợp chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế mật. Đồng thời, Luật SHTT cần phải thống nhất, hoàn chỉnh toàn bộ quy định về sáng chế mật cũng như việc hạn chế chuyển quyền sử dụng đối với đối tượng này và việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế mật trước khi đăng ký ra nước ngoài ngay trong văn bản Luật SHTT chứ không chỉ dừng lại ở việc nêu khái niệm. Còn các nội dung hướng dẫn thi hành chi tiết thì được được hướng dẫn chi tiết hơn trong các văn bản dưới luật như: Nghị định, Thông tư… Có như thế, các quy định về sáng chế mật mới bảo đảm được tính hệ thống và logic.
Thứ tư, hoàn thiện quy định pháp luật về các điều khoản thỏa thuận hạn chế trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN
Một là, điều khoản về “phạm vi chuyển giao quyền sử dụng” bao gồm “giới hạn lãnh thổ” và “giới hạn quyền sử dụng” là một trong những điều khoản cơ bản và cần có trong hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN được quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật SHTT. Để việc áp dụng quy định này trong thực tiễn được thống nhất, dễ dàng, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về “phạm vi quyền sử dụng” hay nói một cách khác đó là “giới hạn quyền sử dụng” trong hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN. Từ đó, mới có thể làm căn cứ để thực hiện hợp đồng trên thực tế và hạn chế các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các bên khi không có sự thống nhất trong phạm vi quyền sử dụng được chuyển giao. Tác giả kiến nghị nội dung hướng dẫn quy định về “giới hạn quyền sử dụng” chính là việc bên chuyển quyền cho phép bên được chuyển quyền được sử dụng một phần hay tất cả các quyền được quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật SHTT. Còn quy định về “giới hạn lãnh thổ” trong hợp đồng cần phải được xác định trong trường hợp là hợp đồng li-xăng độc quyền hay li-xăng không độc quyền.
Hai là, hoàn thiện quy định điều khoản hạn chế về hành vi cấm bên được chuyển quyền thực hiện quyền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trong hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN.
Ba là, hoàn thiện quy định điều khoản hạn chế về hành vi buộc bên được chuyển quyền phải mua các nguyên liệu, linh kiện của bên chuyển quyền hoặc theo chỉ định trong hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN.
PV