SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 07/05/2024
  • Click để copy

Hà Nội tập trung xây dựng Mạng lưới không gian sáng tạo

11:10, 03/10/2023
(SHTT) - Chiều ngày 2/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (Un - HABITAT) tổ chức Hội thảo “Tham vấn về Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội”.

Hà Nội là nơi tập trung nguồn lực sáng tạo và là nơi có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước. Các không gian văn hóa sáng tạo có khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo, lan truyền cảm hứng sáng tạo, tạo bản sắc và sức hấp dẫn cho các đô thị trên nền tảng các giá trị truyền thống, bồi dưỡng đời sống tinh thần của cộng đồng, mang lại việc làm và hỗ trợ các ngành nghề sáng tạo phát triển, giúp cho thành phố đạt được mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững.

Nhằm khai thác tối đa thế mạnh trong thiết kế sáng tạo, Hà Nội từ năm 2019 đã ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và đến nay, sau 4 năm đã và đang tạo được những thành tựu rõ nét thông qua các chuyển biến về chính sách, hoạt động thúc đẩy khơi nguồn sáng tạo, cũng như hiện thực hóa 6 cam kết với Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có việc xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo.

Hiện tại, các không gian sáng tạo tại Hà Nội hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như thiết kế, nghệ thuật thị giác, kiến trúc, âm nhạc, trình diễn, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, nhiếp ảnh, điện ảnh..., do các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức nước ngoài, các cá nhân, nhóm sáng tạo điều phối, tổ chức hoạt động. Các không gian cũng phong phú về loại hình gồm: Các bảo tàng, thư viện, không gian nghệ thuật, phòng trưng bày, trung tâm văn hoá, trung tâm giáo dục, quán cà phê không gian làm việc chung…

khong gian sang tao

 

Cụ thể, Hà Nội có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu DN tư nhân hoặc cá nhân. 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hoá di sản/ sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 DN sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Hội thảo nhằm giới thiệu tầm nhìn Mạng lưới các không gian sáng tạo tại Hà Nội, là cơ sở để đánh giá, phân loại các không gian sáng tạo trên địa bàn từ lĩnh vực, loại hình… đến đơn vị, mục tiêu hình thành, phát triển mô hình.

Đây cũng là dịp tham vấn ý kiến các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện không gian, người thực hành sáng tạo để hoàn thiện Bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội; sự phối hợp, hỗ trợ giữa các bên liên quan, từ đó huy động sự tham gia hình thành Mạng lưới các không gian sáng tạo tại Hà Nội ngày càng hiệu quả vì mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Tại Hội thảo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã chia sẻ Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội - hướng đến thành lập mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội.

Theo ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ: "Chúng tôi xây dựng Bộ Tiêu chí với mong muốn giữ gìn, phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hoá. Theo bộ tiêu chí, khi tham gia Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, các thành viên sẽ được cấp chứng nhận thành viên, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức thành phố sáng tạo Hà Nội".

Nhấn mạnh việc xây dựng Bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội là cơ sở để nhận diện các không gian sáng tạo, từ đó kêu gọi các không gian tham gia hình thành, kết nối Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội với Mạng lưới không gian sáng tạo của Việt Nam và trên toàn thế giới, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đề nghị các bên liên quan tiếp tục hỗ trợ thành phố bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ hội thảo sao cho phù hợp, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo điều kiện tối đa cho các không gian phát triển thuận lợi, giúp mang lại việc làm và hỗ trợ các ngành nghề sáng tạo phát triển, nâng cao nhân thực trong cộng đồng về các hoạt động sáng tạo và vai trò ngành sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. 

Tại Hội thảo đại diện một số DN không gian sáng tạo như “Mạng lưới vì một Hà Nội đáng sống”, “Complex 01”, “Tired City”, “VIC”… bày tỏ mong muốn khi thành lập bộ tiêu chí để tham gia mạng lưới không gian văn hoá sáng tạo của TP sẽ tạo thuận lợi, có định hướng về phát triển sáng tạo văn hoá, mang lại lợi ích cho DN khi kinh doanh.

Trong khi đó, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Giàn nhạc giao hưởng Mặt trời Vũ Cao Cường quan tâm đến việc Dự thảo Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá Không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội chia ra thành 2 nhóm gồm: Không gian sáng tạo bền vững tồn tại được 3 năm trở lên và Không gian sáng tạo tích cực với số năm hoạt động từ 5 năm trở lên. Theo ông. Giàn nhạc Giao hưởng Mặt trời thành lập từ năm 2017 và hoạt động đến năm 2019 phải tạm dừng do dịch Covid-19. Đến năm 2023, Giàn nhạc mới hoạt động thường xuyên. Do vậy, việc đưa ra các số liệu không gian sáng tạo văn hóa phải có từ 3 – 5 năm hoạt động là khó đáp ứng.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại (VICAS) TS Nguyễn Thu Hà cũng nhận định: "Bộ tiêu chí còn đang theo hướng hành chính hóa. Cụ thể, theo bộ tiêu chí, để tham gia mạng lưới của thành phố, các không gian sáng tạo cần phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy, kê khai thuế, có tư cách pháp nhân… Nhưng với tiêu chí như vậy, trong 124 không gian văn hóa sáng tạo có bao nhiêu nơi đủ điều kiện? Vậy nên, theo tôi mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo cần giảm thiểu thủ tục hành chính, hoạt động trên tinh thần tự nguyện".

Bên cạnh đó, đại diện một số không gian sáng tạo khác cũng mong muốn bộ tiêu chí có thêm các nội dung về việc cơ quan Nhà nước hỗ trợ thêm về việc kết nối giữa các không gian sáng tạo văn hóa với nhau theo thế mạnh từng đơn vị; có sự hỗ trợ, hướng dẫn về pháp lý. Đồng thời, cần bổ sung thêm tiêu chí về sự tương hỗ lẫn nhau từ kinh phí đến việc quảng bá dựa trên thế mạnh của từng không gian…

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Đó là nội dung được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong Diễn văn chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 6/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày hội công nghệ thông tin (CNTT) và STEM ngành GD-ĐT Hà Nội năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi số và giáo dục STEM trong ngành GD-ĐT theo định hướng giáo dục thông minh”.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Vào 07h45 sáng ngày 07/5/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ chính thức diễn ra. Toàn bộ chương trình cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh thông tin của quốc gia.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tổng hợp gần 700 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, chỉ riêng năm 2023 đã có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.